Tuyên ngôn Độc lập - Cơ sở pháp lý nền tảng cho sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa

Tuyên ngôn Độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết và đọc, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 2-9-1945. Tuyên ngôn Độc lập là văn bản pháp lý đặt cơ sở nền tảng cho sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, là kim chỉ nam cho quá trình đấu tranh bảo vệ và giữ vững nền độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia của Nhà nước ta.

1. Tuyên ngôn Độc lập khẳng định dân tộc Việt Nam có quyền và xứng đáng được hưởng quyền tự do và độc lập, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời là hợp với lẽ phải.

Trong Tuyên ngôn Độc lập, Hồ Chí Minh nêu một sự thật hiển nhiên đã được ghi trong Bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”(1). Đó là những quyền thiêng liêng, không ai được xâm phạm. Hơn thế nữa, Hồ Chí Minh đã nâng quyền cá nhân của con người lên thành quyền của cả dân tộc, một sự suy rộng hợp lý, sắc sảo. Người viết: “Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”(2). Đó là quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm, là “những lẽ phải không ai chối cãi được”.

Từ đó, Tuyên ngôn Độc lập đã đanh thép tố cáo chủ nghĩa thực dân Pháp, chủ nghĩa phát xít Nhật đã trắng trợn chà đạp lên những quyền thiêng liêng ấy của dân tộc Việt Nam. Núp dưới khẩu hiệu “tự do, bình đẳng, bác ái”, với chiêu bài “khai hóa văn minh”, chủ nghĩa thực dân Pháp đã xâm lược Việt Nam, áp bức đồng bào ta, đầu độc nhân dân ta, kìm hãm dân tộc ta trong sự bần cùng, suy nhược, đẩy nòi giống ta vào thảm họa diệt vong. Đó là hành động “trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa”(3). Bằng thực tiễn xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Tuyên ngôn Độc lập đã vạch trần sự áp bức tàn bạo của bọn thực dân, phát xít về mọi mặt. “Về Chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào.

Chúng thi hành những luật pháp dã man…

Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta…”(4).

Về văn hóa, chúng “thi hành chính sách ngu dân.

Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược…”(5).

Về kinh tế, “chúng bóc lột nhân dân ta đến tận xương tủy…”(6).

Mặt khác, Tuyên ngôn Độc lập đã ca ngợi sự gan góc của nhân dân Việt Nam, dũng cảm đứng về phe Đồng minh chống lại nạn hủy diệt loài người của chủ nghĩa phát xít, giành lại quyền độc lập dân tộc. Trong cuộc chiến đấu ấy, thực dân Pháp đã không những không cùng với Việt Minh đứng về phe Đồng minh chống lại chủ nghĩa phát xít, không những “không “bảo hộ” được ta, trái lại, trong 5 năm chúng đã bán nước ta hai lần cho Nhật”(7), cấu kết với Nhật ra sức chém giết đồng bào ta. Dưới hai tầng áp bức Nhật - Pháp, đời sống của nhân dân ta vô cùng cực khổ, nhất là công nhân và nông dân ngày càng bị bần cùng hóa cao độ, khốc liệt nhất là hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói vào cuối năm 1944 đầu năm 1945. Đó là tội ác trời không tha, đất không dung của chúng.Với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta đã dũng cảm đứng lên làm cuộc Tổng khởi nghĩa, đem sức ta giải phóng cho ta, giành lại quyền độc lập dân tộc.

Những lý lẽ ấy khẳng định: Cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam là bộ phận khăng khít, là sự tiếp nối tiến trình đấu tranh vì “lẽ phải”, vì sự tiến bộ của loài người, là cuộc đấu tranh giành lại quyền thiêng liêng nhất của các dân tộc. Chính vì những lẽ đó, dân tộc Việt Nam “phải được tự do”, “phải được độc lập!”. “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập”(8). Đó chính là nhân đạo và chính nghĩa! Dân tộc Việt Nam xứng đáng được hưởng quyền tự do và độc lập, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời là hợp với công lý và lẽ phải.

Như vậy, Hồ Chí Minh đã nhìn nhận con người dưới hai phương diện: cá nhân và cộng đồng. Cho nên, quyền độc lập dân tộc, quyền dân tộc tự quyết là một nội dung cơ bản và quan trọng của quyền con người. Đây là một sự đóng góp to lớn của Hồ Chí Minh cho nhân loại về mặt nhận thức cũng như thực tiễn về vấn đề quyền con người. Tuyên ngôn về quyền dân tộc của Hồ Chí Minh đánh dấu một mốc son trong lịch sử đấu tranh vì sự tiến bộ của nhân loại và vẫn còn nguyên giá trị thời sự trong giai đoạn hiện nay. Trong thời đại mới, đấu tranh cho quyền con người không chỉ có đấu tranh cho quyền cá nhân con người mà còn đấu tranh cho quyền dân tộc. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, quyền cơ bản của cá nhân con người thống nhất hoàn toàn với quyền cơ bản của dân tộc, cho nên đấu tranh cho quyền cá nhân con người phải đảm bảo bảo vệ quyền độc lập, quyền tự quyết của dân tộc. Quyền cá nhân con người chỉ thật sự được bảo vệ, khi quyền dân tộc được đảm bảo, dân tộc có độc lập thì dân quyền mới tự do và dân sinh mới hạnh phúc. Đấu tranh cho quyền con người là nhân đạo và chính nghĩa khi sự đấu tranh ấy vừa đảm bảo những quyền cơ bản của cá nhân con người trong một cộng đồng dân tộc, đồng thời cũng đảm bảo những quyền cơ bản cho dân tộc ấy; đấu tranh bảo vệ quyền cá nhân con người thì đồng thời không được xâm phạm vào quyền độc lập, quyền tự quyết của dân tộc. Hiện nay, nhân danh đấu tranh cho quyền cá nhân con người, một số kẻ đã xâm phạm trắng trợn vào quyền cơ bản của dân tộc. Sự xâm phạm thô bạo quyền dân tộc ắt sẽ dẫn đến xâm phạm quyền cá nhân con người.

Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh là ngọn cờ cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của cả hệ thống thuộc địa trên toàn thế giới. Nó thức tỉnh các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới đứng lên "đem sức ta mà giải phóng cho ta", giành lại những quyền cơ bản cho dân tộc mình.

Nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam đã hy sinh không biết bao nhiêu xương máu để giành lại quyền tự do và độc lập, vì vậy, nhân dân Việt Nam nguyện đem hết tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập.

2. Tuyên ngôn Độc lập đặt cơ sở pháp lý cho cuộc Tổng tuyển cử và sự ra đời của bản Hiến Pháp 1946

Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, ông cha ta đã nhiều lần đánh thắng quân xâm lược phong kiến phương Bắc, giành lại nền độc lập dân tộc, giữ vững bờ cõi nước nhà. Chúng ta đã có những áng “thiên cổ hùng văn” được coi như các bản tuyên ngôn độc lập của dân tộc, khẳng định nền độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, bờ cõi đất nước. Bản Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh là sự tiếp nối tinh thần cốt lõi của các bản tuyên ngôn độc lập của dân tộc, đồng thời phát triển các giá trị cốt lõi ấy theo đà phát triển hợp quy luật của nhân loại. Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh không chỉ khẳng định việc giành lại quyền độc lập, tự chủ của dân tộc Việt Nam mà còn tuyên bố thoát ly khỏi chế độ thực dân, từ bỏ chế độ quân chủ phong kiến, lập nên một chế độ xã hội mới mang lại tự do, hạnh phúc thực sự cho nhân dân. Đó là chế độ Dân chủ Cộng hòa. Tuyên ngôn Độc lập ghi rõ: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa”(9). Đây chính là cơ sở pháp lý nền tảng cho việc chấm dứt hoàn toàn chế độ quân chủ phong kiến, mở ra một kỷ nguyên mới của dân tộc - kỷ nguyên độc lập, dân chủ, cộng hòa. Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc tổ chức cuộc Tổng tuyển cử diễn ra vào ngày mồng 6 tháng Giêng năm 1946. Trong cuộc Tổng tuyển cử đó, “Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền bầu cử và ứng cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống”(10). Đây là thành quả to lớn về mặt chính trị mà Cách mạng tháng Tám đã mang lại cho nhân dân ta. Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, nhân dân được sử dụng lá phiếu của mình để bầu ra bộ máy nhà nước phục vụ cho lợi ích của nhân dân, của dân tộc.

Tuyên ngôn Độc lập là văn bản pháp lý đầu tiên tạo cơ sở cho việc thiết lập Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam. Đặc trưng cơ bản nhất của nhà nước pháp quyền là quản lý xã hội bằng pháp luật. Việc xây dựng hệ thống pháp luật toàn diện để quản lý xã hội là điều quan trọng nhất, mà trước hết là phải ban hành Hiến pháp - đạo luật gốc, giữ vai trò như “thần linh pháp quyền”, nói như ngôn ngữ hiện nay là giữ vai trò tối thượng trong việc chi phối và điều hành mọi quan hệ xã hội. Từ nhận thức sâu sắc đó, khi nước nhà vừa giành được độc lập, Tuyên ngôn Độc lập đã khẳng định ngay việc thoát ly hẳn chế độ quân chủ, thiết lập chế độ Dân chủ Cộng hòa. Đây là cơ sở pháp lý nền tảng cho việc soạn thảo và ban hành Hiến pháp 1946. Bởi lẽ, nói đến dân chủ là nói đến pháp luật. Trong chế độ Dân chủ Cộng hòa, dân chủ và pháp luật phải luôn đi đôi với nhau; mọi quyền dân chủ của nhân dân phải được thể chế hóa bằng pháp luật, phải được pháp luật bảo vệ, ngược lại, hệ thống pháp luật là công cụ quan trọng nhất đảm bảo và phát huy quyền dân chủ của nhân dân, là hành lang vận động của dân chủ, là giới hạn phạm vi của dân chủ, đảm bảo cho dân chủ nằm trong khuôn khổ của pháp luật. Do đó, sau khi tuyên bố nền độc lập dân tộc, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sáng ngày mồng 2-9-1945, ngay ngày sau đó, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Hồ Chí Minh đã đề nghị với Chính phủ 6 nhiệm vụ cấp bách cần làm ngay của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong đó nhiệm vụ cấp bách thứ ba là soạn thảo và ban hành hiến pháp. Người nói: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ”(11). Rõ ràng, khẳng định việc thiết lập chế độ Dân chủ Cộng hòa, Tuyên ngôn Độc lập đã tạo ra cơ sở pháp lý cho sự ra đời của Hiến pháp 1946. Đây là những viên gạch đặt nền móng cho quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Tuyên ngôn Độc lập, Tổng tuyển cử, và Hiến pháp 1946 có quan hệ hữu cơ với nhau. Tuyên ngôn Độc lập đã tạo cơ sở pháp lý nền tảng cho việc tổ chức cuộc Tổng tuyển cử và sự ra đời của bản Hiến pháp 1946. Đến lượt mình, Hiến pháp 1946 ra đời đã thể chế hóa thành hiến pháp tất cả những nội dung cốt lõi của Bản Tuyên ngôn Độc lập, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho những điều mà Tuyên ngôn đã tuyên bố - những thành quả vĩ đại mà Cách mạng Tháng Tám đã mang lại cho nhân dân Việt Nam. Hiến pháp 1946 cũng tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho sự tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do chính nhân dân bầu ra từ Chính phủ đến cơ sở. Đây là những nhân tố quan trọng nhất tạo ra cơ sở pháp lý vững chắc cho sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Việc nhanh chóng tạo ra cơ sở pháp lý vững chắc cho sự ra đời của Nhànước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có ý nghĩa to lớn về thực tiễn. Đất nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược với tư cách là một nước độc lập, có chủ quyền đấu tranh để giữ vững nền độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ. Việc nhân dân bầu ra được bộ máy nhà nước từ trung ương đến cơ sở, được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật đã tạo ra một bộ máy nhà nước mạnh đủ sức tổ chức nhân dân thực hiện thắng lợi hai cuộc kháng chiến vĩ đại chống xâm lược, đưa đất nước bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

----------

(1, 2, 3) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG. H.2002, tập 4, tr.1.

(4, 5, 6, 7) Sđd, tr.2.

(8) Sđd, tr.4.

(9) Sđd, tập 4, tr.3.

(10, 11) Sđd, tr.8.

Ths. Nguyễn Thị Thu TrangGiảng viên chính, Khoa Tư tưởng HCM, Học viện CT-HC Khu vực III

Theo: Xaydungdang.org.vn

Tin cùng chuyên mục