Xây dựng nền y tế và đội ngũ cán bộ y tế của nhân dân, vì nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: Con người là nhân tố hàng đầu, là nguồn tài nguyên quý báu nhất quyết định sự phát triển của đất nước. Trong đó, sức khỏe là tài sản quý báu của mỗi người, mỗi gia đình và mỗi quốc gia. Sức khỏe của nhân dân là một nhân tố quan trọng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, “dân cường thì quốc thịnh”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và chữa bệnh tật cho nhân dân, phải xây dựng và phát triển nền y học nước nhà “dân tộc, khoa học và đại chúng”, xây dựng đội ngũ cán bộ y tế của nhân dân, vì nhân dân. Người từng nói, “khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, thế là sức khỏe”. Ý tưởng này của Người có nhiều điểm tương đồng với định nghĩa sức khỏe được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra năm 1978 trong “Tuyên ngôn An-ma A-ta”: “Sức khỏe là trạng thái thoải mái về tâm hồn, về thể xác, về xã hội”.

Xây dựng nền y tế của nhân dân, vì nhân dân

Trong bức thư viết tháng 2-1955, Bác Hồ nêu rõ: “Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang”. Bác Hồ cũng đã nhiều lần căn dặn cán bộ: Trên đời này không có gì sung sướng, vẻ vang hơn là được phục vụ nhân dân. Sức khỏe là vàng, không có sức khỏe thì con người không thể làm bất cứ việc gì. Chính vì vậy, muốn đất nước ngày càng phát triển thì trước hết nhân dân phải có sức khỏe tốt. Và đó là nhiệm vụ của ngành Y tế: Chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đó là lý do Người khẳng định công việc của những người trong ngành Y tế là một “nhiệm vụ rất vẻ vang”.

Công lao của những người làm việc trong ngành Y tế có ý nghĩa rất to lớn. Sự hy sinh thầm lặng của họ luôn được ghi nhận, trân trọng, Người từng nói: Bây giờ ta chịu khổ với nhau. Đến ngày kháng chiến thắng lợi, độc lập thành công điều kiện cho phép, Chính phủ quyết không quên công lao anh em đã cố gắng: “Chính phủ sẵn sàng khen thưởng những người xuất sắc nhất” (tháng 6-1948).

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được học hành, ốm đau có thuốc, già không lao động thì được nghỉ, những phong tục, tập quán không tốt thì dần dần xóa bỏ”. “Ốm đau có thuốc” là nhiệm vụ, trách nhiệm của ngành Y tế. Sinh thời, dù bận trăm công nghìn việc nhưng Bác đã nhiều lần làm việc với cán bộ lãnh đạo ngành Y tế, quan tâm, động viên, thăm hỏi đội ngũ thầy thuốc, khẳng định tầm quan trọng của nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Trong kháng chiến chống Pháp, dưới sự quan tâm lãnh đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Chính phủ với đường lối kháng chiến kiến quốc đúng đắn, cán bộ ngành Y tế đã khắc phục mọi khó khăn, cố gắng bền bỉ đưa công tác y tế của đất nước tiến lên. Mặc dù trong hoàn cảnh chiến tranh, công tác y tế của nước ta thời kỳ này “đã đi dần vào con đường phục vụ quảng đại nhân dân”. Lịch sử ghi danh những chiến sĩ áo trắng không quản ngại nguy hiểm, khó khăn, thiếu thốn luôn có mặt tại các chiến hào để cứu chữa thương bệnh binh, phục vụ đắc lực cho tiền tuyến. Biết bao tấm gương y, bác sĩ - chiến sĩ kiên trung, dũng cảm đã xuất hiện trên khắp chiến trường, nhiều người đã để lại một phần máu xương của mình cho sự nghiệp giải phóng đất nước, cũng có không ít người đã vĩnh viễn ra đi, để lại bao niềm đau nỗi nhớ cho gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Ngày 2-1-1947, Người đã có thư khen ngợi sự tận tâm của các y sĩ, khán hộ cứu thương, trong đó có đoạn: “Tôi được báo cáo rằng: Các thầy thuốc và khán hộ đều hết lòng săn sóc thương binh một cách chu đáo. Thế là các bạn cũng trực tiếp tham gia kháng chiến cứu quốc”. Trong “Báo cáo tại Hội nghị chính trị đặc biệt” (ngày 28-3-1964), Người đánh giá rằng: “Công tác y tế đã có nhiều thành tích, đã ngăn chặn được nhiều dịch bệnh và bệnh xã hội cũ, sức khỏe của nhân dân được nâng cao. Trẻ em ngày càng được săn sóc chu đáo hơn”. Công tác y tế thời kỳ này không chỉ là một mặt trận kháng chiến mà còn là một mặt trận đấu tranh chống lại bệnh tật, đem lại sức khỏe cho toàn dân, vì cuộc sống của nhân dân.

Bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, trường kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, ngành Y tế đã nêu cao tinh thần cống hiến hết mình và nỗ lực không ngừng để vừa góp phần xây dựng cuộc sống mới, vừa trở thành hậu phương vững chắc cung cấp đầy đủ thuốc men cho toàn quân, vừa kề vai sát cánh với các chiến sĩ sẵn sàng cứu chữa kịp thời thương bệnh binh, bảo đảm sức khỏe cho họ tiếp tục kiên cường đánh đuổi kẻ thù xâm lược. Rất nhiều sinh viên y khoa mới tốt nghiệp cũng xung phong vào các chiến trường khốc liệt, đem tài sức của mình kề vai sát cánh với những người lính ngoài trận địa, góp phần vì sự nghiệp cách mạng cao đẹp của nước nhà. Hàng trăm nghìn tấn thuốc chữa bệnh, dụng cụ y tế đã được vận chuyển vào miền Nam qua đường Hồ Chí Minh.

Đất nước hoàn toàn giải phóng, Bắc - Nam thống nhất một nhà, ngành Y tế đã khắc phục mọi khó khăn, phấn đấu đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng của nhân dân. Phương châm đổi mới của ngành y tế là kế thừa, nâng cao chất lượng, kết hợp phòng bệnh và chữa bệnh, lấy dự phòng làm chính, đông tây y kết hợp để xây dựng nền y học Việt Nam phát triển bền vững.

Đánh giá cao những thành tựu của ngành Y tế đã góp phần làm nên những trang sử vẻ vang của dân tộc, Đảng và Nhà nước đã trao tặng cho các tập thể, cá nhân ngành Y tế nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập. Nhiều giáo sư, bác sĩ, dược sĩ, các nhà khoa học và cán bộ của ngành Y tế có những cống hiến to lớn trong các lĩnh vực y tế, đã được Đảng và Nhà nước trao tặng các danh hiệu Anh hùng Lao động, Huân chương Lao động và giải thưởng cao quý khác.

Xây dựng nền y học khoa học, dân tộc và đại chúng; kết hợp đông, tây y và phòng bệnh

Người nói: “Mỗi một người dân yếu ớt tức là làm cho cả nước yếu ớt một phần, mỗi một người dân khỏe mạnh tức là góp phần làm cho cả nước khỏe mạnh. Việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công”. Trong 12 điều răn cán bộ, Người căn dặn “Phải dạy đồng bào: Vệ sinh thường thức”. Đầu năm 1946, Người kêu gọi “Luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi người dân yêu nước” và nói: “Việc đó không tốn kém, khó khăn gì. Gái trai, già trẻ ai cũng nên làm và ai cũng làm được. Dân cường thì nước thịnh. Tôi mong đồng bào ta ai cũng gắng tập thể dục. Tự tôi, ngày nào tôi cũng tập”. Người đã phát động phong trào “Đời sống mới” với nội dung chủ yếu là giữ gìn vệ sinh. Từ khi hòa bình lập lại ở miền Bắc và trong những năm chống Mỹ cứu nước, mỗi khi đi thăm một xí nghiệp, một hợp tác xã, cơ quan, đơn vị bộ đội, trường học hay bệnh viện, trước hết Người xem xét nơi ăn, chốn ở, nhà bếp, nguồn nước, nhà tắm, hố xí và dặn dò mọi người ăn ở trật tự vệ sinh.

Người còn cho rằng vấn đề sức khỏe có mối quan hệ trực tiếp với cuộc kháng chiến và kiến quốc. Người nói: “Sức khỏe của cán bộ và nhân dân được bảo đảm thì tinh thần càng hăng hái. Tinh thần và sức khỏe đầy đủ thì kháng chiến càng gần thắng lợi, kiến quốc càng mau thành công”. Vì lẽ đó mà đối với tầng lớp nào, lứa tuổi nào, Người cũng luôn dặn dò mọi người phải giữ gìn và nâng cao sức khỏe. Đối với các cháu thiếu nhi, Người khuyên “Phải siêng tập thể thao cho mình mẩy được nở nang”.

Người từng viết: “Trong những năm nước ta bị nô lệ, thì y học cũng như các ngành khác đều bị kìm hãm. Nay chúng ta đã độc lập tự do, cán bộ cần giúp đồng bào, giúp Chính phủ xây dựng một nền y tế thích hợp với nhu cầu của nhân dân ta. Y học càng phải dựa trên nguyên tắc: Khoa học, dân tộc và đại chúng.

Trong Thư gửi Hội nghị cán bộ y tế, ngày 27-2-1955, Bác viết: Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc. Để mở rộng phạm vi y học, các cô các chú cũng nên chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc “đông” và thuốc “tây”.

Ngày 16-1-1961, khi đến thăm Viện Nghiên cứu Đông y ở Hà Nội, Bác Hồ căn dặn: “Thuốc tây chữa được nhiều bệnh, nhưng cũng có bệnh chữa không được mà thuốc ta chữa được; thuốc ta chữa được nhiều bệnh, nhưng cũng có bệnh chữa không được mà thuốc tây chữa được… Bên nào cũng có cái ưu điểm, hai cái ưu điểm cộng lại thì chữa được bệnh tốt cho đồng bào, cho nhân dân, phục vụ cho xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thầy thuốc tây phải học Đông y, thầy thuốc ta cũng phải học Tây y… Thầy thuốc ta và thầy thuốc tây đều phục vụ nhân dân, như người có hai cái tay, hai bàn tay cùng làm việc thì làm việc được tốt, cho nên phải đoàn kết từ trên xuống dưới, từ dưới lên, đoàn kết thuốc ta và thuốc tây thành một khối để chữa bệnh cho đồng bào”. Đó chính là sự kết hợp giữa y học hiện đại và y học dân tộc.

Trong lần về thăm bệnh xá Vân Đình vào ngày 20-4-1963, Bác căn dặn: “cần chú ý đến việc phòng bệnh, tuyên truyền và giải thích cho đồng bào xung quanh nhà thương và trong huyện biết cách giữ gìn vệ sinh, làm cho mỗi người bệnh khi khỏi bệnh biết cách phòng bệnh cho họ và gia đình họ…”.

Trong cuộc đời, không ai muốn mình bị mang bệnh tật, ốm đau bởi “sức khỏe là vàng”. “Chữa bệnh” vừa đau đớn, vừa tốn kém về thời gian, tiền bạc. “Phòng bệnh” vừa giúp mọi người tăng cường sức khỏe, tránh được tổn hại về thể lực, tinh thần và tài chính; chủ động hơn với thời gian và cuộc sống của mình; đóng góp nhiều hơn cho gia đình, xã hội. Chính vì lẽ đó mà người ta lựa chọn: “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

Rèn luyện đạo đức của người thầy thuốc Việt Nam

Quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe cho con người, Chu tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng vai trò, nhiệm vụ của người thầy thuốc và cán bộ, nhân viên y tế đối với sự nghiệp chăm sóc sức khỏe toàn dân. Nghề thầy thuốc là một nghề cao quý, bởi đây là nghề chữa bệnh cứu người, cho nên, người thầy thuốc không chỉ phải giỏi về chuyên môn mà còn phải có tâm, có đức. Y đức là phẩm chất tốt đẹp, là giá trị cốt lõi của người làm công tác y tế, được biểu hiện ở tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy phục vụ, hết lòng thương yêu chăm sóc người bệnh như chăm lo cho những người thân yêu trong gia đình của mình.

Trong Thư gửi Hội nghị Quân y, tháng 3-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Lương y phải như từ mẫu” nghĩa là người thầy thuốc đồng thời phải như một người mẹ hiền. “Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu”.

Năm 1955, trong thư gửi cán bộ y tế toàn quốc, Bác viết: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe của đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ phải thương yêu, phải săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn như mình đau đớn. “Lương y phải như từ mẫu”, câu nói đó rất đúng”.

Khi vào thăm Bệnh xá Vân Đình, Người căn dặn: “Trong công tác phục vụ cần coi trọng cả hai mặt vật chất và tinh thần. Có thuốc tốt thức ăn ngon còn cần có thái độ phục vụ tốt, coi người bệnh như ruột thịt”. Người nhắc cán bộ y tế: “Đừng ngại khó, ngại khổ. Phải lao mình vào chỗ bẩn để làm cho sạch, phải dấn thân vào chỗ đau để giảm bớt khổ đau, lương y phải như từ mẫu, phải dịu dàng khiêm tốn, không được hách dịch, ban ơn”. “Lương y phải như từ mẫu” - lời dạy của Bác là yếu tố cốt lõi của đạo đức ngành y, thực hiện theo lời dạy của Bác, người cán bộ y tế phải niềm nở, dịu dàng trong tiếp xúc với bệnh nhân; tận tình, cẩn trọng khi chăm sóc; ân cần, tỉ mỉ lúc dặn dò. Không được có thái độ coi thường, lạnh nhạt, dùng những lời nói vô lễ đối với người bệnh và gia đình người bệnh; không được đùn đẩy, gây phiền hà cho bệnh nhân; không được tùy tiện, qua loa, tắc trách,… dẫn đến bỏ sót bệnh, nhầm lẫn, sai sót có hại cho sức khỏe và tính mạng người bệnh,… “Lương y như từ mẫu” là một lời khái quát ngắn gọn nhất về bản chất đạo đức của người thầy thuốc. Đó là tư tưởng quán triệt trong truyền thống y học Việt Nam.

Đối với các thầy thuốc, Bác luôn dành cho họ sự tin tưởng, quan tâm, ân cần chỉ bảo, động viên kịp thời. Ngày 27-2-1955, trong bức thư gửi Hội nghị cán bộ ngành y tế, Người căn dặn “phải thật thà đoàn kết” để “vượt được mọi khó khăn, giành được nhiều thành tích”. “Đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới. Đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành Y tế - từ các bộ trưởng, thứ trưởng, bác sĩ, cho đến các anh chị em giúp việc. Bởi vì công việc và địa vị tuy có khác nhau, nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành Y tế, trong việc phục vụ nhân dân”.

Trong thư gửi cán bộ và nhân viên quân y ngày 31-7-1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh ân cần căn dặn: “Bác nhắc nhủ các cô, các chú phải: Đoàn kết chặt chẽ, nêu cao tinh thần tập thể, thi đua học tập và công tác để tiến bộ không ngừng về chính trị, tư tưởng, về chuyên môn kỹ thuật”...

Ngành Y tế đã coi những lời dạy của Người nêu trên làm cốt lõi tư tưởng trong mọi hoạt động. Công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân của ngành y tế ở nước ta trong những năm gần đây đạt được nhiều thành tựu quan trọng, Nghị quyết số 46-NQ/TW, ngày 23-5-2005, của Bộ Chính trị đã nhận định: Mạng lưới y tế, đặc biệt là y tế cơ sở ngày càng được củng cố và phát triển, nhiều cơ sở y tế miền núi đã được thiết lập, nhiều dịch bệnh nguy hiểm được khống chế và đẩy lùi; các dịch vụ y tế ngày một đa dạng; nhiều công nghệ mới được nghiên cứu và ứng dụng; việc cung ứng thuốc và trang thiết bị y tế đã có nhiều cố gắng hơn trước. Bảo hiểm y tế được hình thành và bước đầu phát huy tác dụng. Nhân dân ở hầu hết các vùng, miền đã được chăm sóc sức khỏe tốt hơn; phần lớn các chỉ tiêu tổng quát về sức khỏe của nước ta đều vượt các nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người.

Tuy nhiên, ngành y tế nước ta hiện nay vẫn còn nhiều bất cập và yếu kém, như hệ thống y tế chậm đổi mới; chất lượng dịch vụ y tế chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của nhân dân; điều kiện chăm sóc y tế cho người nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn; năng lực sản xuất và cung ứng thuốc còn yếu, giá thuốc chữa bệnh còn cao so với thu nhập của nhân dân; tổ chức và hoạt động của y tế dự phòng còn nhiều bất cập; một bộ phận nhân dân chưa hình thành được ý thức và thói quen tự bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe; vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ; những việc làm vi phạm đạo đức nghề nghiệp của một số cán bộ y tế chậm được khắc phục…

Thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW, ngày 7-11-2006, của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, ngành Y tế  đang đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục cán bộ công chức, viên chức nâng cao trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp theo lời dạy của Bác Hồ với tâm nguyện: Những người thầy thuốc Việt Nam chung lòng phấn đấu thực hiện lời dạy của Người đối với ngành Y tế Việt Nam “Lương y phải như từ mẫu”- tất cả vì sức khỏe của mỗi người dân, và của cộng đồng - một yếu tố cơ bản được tạo thành dân cường nước thịnh, quốc thái dân an. Đồng thời, hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955 – 27-2-2015), khắc sâu lời dạy của Người: “Thầy thuốc phải như mẹ hiền”, toàn ngành Y tế Việt Nam đang ra sức thi đua nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân, xứng đáng với lòng tin yêu, dạy dỗ của Bác Hồ kính yêu.


Theo: Tạp chí xây dựng Đảng

Tin cùng chuyên mục