Đại tướng Lê Đức Anh - người góp công lớn vào chiến thắng của dân tộc

Đại tướng Lê Đức Anh là người góp công lớn vào chiến thắng vẻ vang của dân tộc, giải phóng miền Nam vào ngày 30/4/1975.

Với cuộc đời hoạt động cách mạng đa dạng, phong phú, đứng ở nhiều vị trí đương đầu với khó khăn, thử thách khắc nghiệt trên các mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao. Đáng chú ý, đồng chí Lê Đức Anh đã để lại dấu ấn sâu đậm trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Lúc này, ông là Trung tướng, Phó Tư lệnh Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam, Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh kiêm Tư lệnh Cánh quân Tây Nam. Đại tướng Lê Đức Anh là người góp công lớn vào chiến thắng vẻ vang của dân tộc, giải phóng miền Nam vào ngày 30/4/1975.

dai tuong le duc anh - nguoi gop cong lon vao chien thang cua dan toc hinh 1
Đại tướng Lê Đức Anh luôn gần gũi với các chiến sĩ, có mặt kịp thời để động viên tinh thần quân và dân. (Ảnh tư liệu)

Ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị đồng ý chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Sài Gòn mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh. Bộ tư lệnh chiến dịch ngày ấy gồm 8 người, trong đó có Trung tướng, Phó tư lệnh Lê Đức Anh. Lực lượng trực tiếp tham gia chiến dịch của ta gồm 5 quân đoàn có trên dưới 15 sư đoàn. Các quân đoàn 1, 2, 3, 4 và Đoàn 232 có đủ các binh chủng hợp thành, cùng các lực lượng bộ đội địa phương, dân quân, tự vệ và lực lượng nổi dậy của quần chúng ở nông thôn cũng như thành thị. Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh xác định phải đánh nhanh, quyết liệt, không cho địch co cụm về Sài Gòn; ngược lại, không để cho quân địch ở Sài Gòn chạy về miền Tây. Các cánh quân phải tổ chức các mũi thọc sâu, mũi đánh vòng ngoài kết hợp giữa chủ lực với bộ đội địa phương và kết hợp giữa bộ đội với quần chúng nhân dân, đột phá liên tục, dồn dập cho đến toàn thắng.

Trung tướng Nguyễn Đức Hải, Nguyên Viện trưởng viện chiến lược Quốc phòng Việt Nam khẳng định: "Những nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự của Đại tướng Lê Đức Anh là về chọn thời cơ và chớp thời cơ. Trong cuốn hồi ký ông có nói rằng bài học lịch sử để lại dấu ấn trong ông đó là cách mạng Tháng 8 thành công, đó là sự lựa chọn đánh giá chọn và chớp thời cơ hết sức tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh và chính bài học này ông đã vận dụng trong suốt cuộc đời chỉ huy của ông trên tất cả các chiến trường và có thể nói việc đánh giá lựa chọn thời cơ chớp thời cơ là một trong những yếu tố quyết định đến thắng lợi."

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh còn được giao đảm trách chỉ huy và lãnh đạo cánh quân tiến công trên hướng Tây - Tây Nam Sài Gòn, một trong năm cánh quân của trận quyết chiến chiến lược cuối cùng. Thời điểm đó, Bộ Chỉ huy miền (B2) nhận định hướng Tây - Tây Nam là nơi khó nhất vì sình lầy, nhưng đây là một hướng tiến công rất quan trọng vì nhất định ta phải nhanh chóng chia cắt quân địch trên tuyến quốc lộ số 4 để quân địch ở Sài Gòn không thể co cụm xuống cố thủ ở Tây Đô (Cần Thơ). Trong tình huống nếu địch co cụm được về đó thì phức tạp, và “trận đánh cuối cùng” của ta sẽ không “thuận buồm xuôi gió”.

Ngược lại, nếu ta chia cắt được lộ số 4 thì Quân đoàn 4 và quân địch ở vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ không thể kéo về ứng cứu cho Sài Gòn. Đại tướng Phạm Văn Trà, Nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kể lại: Ở trong chiến trường Khu 9 với đặc điểm sông nước nhiều, vườn dừa nước rất rậm rạp, càng đánh bom sậy càng lên mạnh cho nên từ bờ sông ra mép vườn rất thuận lợi cho mình quân ít có thể áp sát đồn địch. Chúng tôi đóng quân ở đấy tối dùng chiến thuật du kích, những lúc khó khăn nhất anh Võ Văn Kiệt và anh Lê Đức Anh mặc dù chiến trận ác liệt, nguy hiểm nhưng vẫn có mặt để kịp thời động viên anh em.

dai tuong le duc anh - nguoi gop cong lon vao chien thang cua dan toc hinh 2
Cuộc đời binh nghiệp của Đại tướng Lê Đức Anh đã để lại nhiều bài học cho hậu thế.

Theo các nhà sử học và tướng lĩnh nghiên cứu quân sự, Đại tướng Lê Đức Anh thực sự là một tướng trận, một nhà cầm quân đại tài. Đại tướng cũng là một trong số ít người đã trải qua các cuộc chiến tranh và xung đột từ năm 1945 - 1989. Ông luôn có mặt ở những điểm nóng nhất và cũng luôn trở về trong từng chiến thắng, từng chiến dịch được giao phó và đảm nhiệm.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh: Nhắc đến đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh là nhắc tới một vị tướng trận mạc mà cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí gắn chặt với nhiều mốc son lịch sử của dân tộc. Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã từng nhận định đồng chí Lê Đức Anh là một trong những nhà chính trị tầm cỡ nhà quân sự lớn của Đảng và Nhà nước ta, để lại nhiều bài học quý báu cho thế hệ hôm nay.

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười khẳng định: "Riêng trong lĩnh vực quân sự quốc phòng, theo tôi đồng chí để lại 3 bài học lớn thể hiện tầm nhìn xa trông rộng sự linh hoạt sáng tạo trong chỉ đạo chỉ huy và những tham mưu đề xuất hiệu quả trong xây dựng quân đội nhân dân xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh. Bài học thứ 1 là thường xuyên nghiên cứu nắm vững, đánh giá đúng tình hình về địch sớm có chủ trương, chiến lược phù hợp xây dựng ý chí quyết tâm chính xác.

Bài học thứ 2 là phát huy sức mạnh tại chỗ nhất là lực lượng chính trị quần chúng tạo điều kiện cho mũi tiền công chủ lực cơ động giành thắng lợi. Bài học thứ 3 là xây dựng quân đội tinh gọn hiện đại sẵn sáng chiến đầu cao."

Chiến dịch Hồ Chí Minh trong mùa đại thắng 1975 đã giải phóng Sài Gòn, kết thúc trọn vẹn cuộc chiến tranh, thống nhất Đất nước, non sông thu về một mối. Cứ đến ngày 30/4 mỗi năm, cả đất nước ta lại long trọng kỷ niệm ngày đất nước thống nhất. Đây là dịp để chúng ta cùng tưởng nhớ, trân trọng những nhân vật lịch sử, qua những con người cụ thể, nhân vật cụ thể, trong đó có Đại tướng Lê Đức Anh, người đã cùng viết nên bài học vẻ vang của lịch sử dân tộc./.

Theo: VOV.VN

Tin cùng chuyên mục