Bảo vệ nguồn thủy sản trong mùa mưa bão

Hiện nay, vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt 11.519 ha. Trong đó, ao hồ nhỏ chuyên nuôi thủy sản 2.008 ha, hồ thủy lợi tận dụng nuôi thủy sản 770 ha; hồ sinh thái Na Hang 8.446 ha; nuôi cá ruộng 56 ha, tập trung ở các huyện Na Hang, Lâm Bình, Chiêm Hóa, Hàm Yên, thành phố Tuyên Quang… Thời điểm này, người nuôi thủy sản trong tỉnh đang tập trung cao độ thực hiện các biện pháp để bảo đảm an toàn ao hồ nuôi và các lồng cá trên sông.

 

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương năm 2020, tình hình thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Cụ thể vào hồi trung tuần tháng 7, các khu vực trong tỉnh có mưa to kèm theo dông, có nơi mưa rất to gây lũ lớn trên sông Lô, đã làm 10 lồng cá đặc sản của Hợp tác xã Hoàn Tùng, xã Thắng Quân (Yên Sơn) bị lũ cuốn trôi, ước tính thiệt hại trên 1,5 tỷ đồng. Ngay sau khi sự cố vỡ lồng cá xảy ra, UBND huyện Yên Sơn, xã Thắng Quân đang huy động lực lượng vũ trang hỗ trợ hợp tác xã trục vớt hệ thống lồng bè vào khu vực an toàn, sớm ổn định sản xuất.


Ông Phạm Thanh Bình (bên trái), Giám đốc HTX Cá chiên Thái Hòa, xã Thái Hòa (Hàm Yên) kiểm tra lồng cá của gia đình.

Để chủ động bảo vệ thủy sản, giảm thiệt hại thấp nhất do mưa bão gây ra, Chi cục Thủy sản tỉnh có công văn đề nghị Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, thành phố tăng cường công tác thông tin tuyên truyền bảo vệ thủy sản trong mùa mưa bão; tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các hộ nuôi thủy sản về các biện pháp bảo vệ thủy sản trước, trong và sau mùa mưa bão.

Ông Trần Văn Hải, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, các hộ phải kiểm tra lại lồng bè, tu sửa lại những nơi xung yếu bảo đảm lồng vững chắc. Đồng thời, gia cố lại hệ thống dây neo, phao lồng và di chuyển vào những nơi kín gió, có dòng chảy nhẹ để tránh gió bão gây vỡ lồng. Ngoài ra, để tăng cường sức khỏe cho thủy sản nuôi cần phải cho các đối tượng thủy sản nuôi ăn thức ăn có độ đạm cao và tăng cường bổ sung Vitamin C và các khoáng chất vào thức ăn.

Ông Phạm Văn Bình, Giám đốc Hợp tác xã Cá chiên Thái Hòa (Hàm Yên) cho biết, hiện nay HTX có 15 thành viên với 53 lồng nuôi. HTX đã xây dựng hệ thống lồng ống thép kiên cố, đạt tiêu chuẩn, kết hợp với lưới vây và dây thừng gia cố, có mấu neo vào bờ. Trong mùa mưa bão, các thành viên kiểm tra kỹ từng lồng nuôi, không xuống giống mới, chủ động thu hoạch cá đến lứa. Ngoài ra, chuẩn bị sẵn sàng máy bơm nước, máy tạo ô xy… để sử dụng khi cần điều tiết nước, điều hòa ô xy trong nước cho cá sau mỗi lần thời tiết thay đổi, sau mưa.

Tận dụng nguồn nước sông Lô, gia đình ông Lê Văn Sáng, tổ 4, phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) đã đầu tư 12 lồng nuôi nhiều loại cá có giá trị cao như cá chiên, lăng, nheo, trắm đen… với khoản đầu tư lên đến hàng trăm triệu đồng. Để hạn chế thấp nhất rủi ro có thể xảy ra khi mưa lũ, trước mắt, khi nước dâng cao, rác từ thượng nguồn đổ về khá nhiều, mắc vào các lồng cá, ông thường xuyên dọn vớt để tránh gây bệnh tới đàn cá, mua thêm dây chão, mỏ neo để gia cố các lồng và giằng lại các thành ngăn nuôi cá. Các lồng cá được neo cẩn thận với cọc cố định trên bờ, khi có diễn biến xấu về thời tiết có thể di chuyển đến vị trí gần bờ, tránh bị cuốn trôi khi nước chảy xiết.

Đến thời điểm này, đa số diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh đã được bà con nông dân triển khai thực hiện các biện pháp để bảo vệ nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra.

Theo: TQĐT

Tin cùng chuyên mục