CPI quý I/2022: Việt Nam vượt qua 'bão giá'

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê (TCTK), với mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý I khá thấp (1,92%), nước ta đã vượt qua "bão giá" của khu vực và trên thế giới.
CPI quý I/2022: Việt Nam vượt qua 'bão giá' - Ảnh 1.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước - Ảnh minh họa

Theo Tổng cục Thống kê, kết quả này là nhờ sự cân đối sản xuất trong nước cũng như việc kiểm soát tăng giá bằng chính sách hiệu quả, thiết thực, không gây áp lực lên nguồn cung.

Tính chung quý I/2022, CPI tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng của quý I các năm 2017-2020. Các yếu tố làm tăng CPI trong quý là: Giá xăng dầu được điều chỉnh 7 đợt, làm cho giá xăng A95 tăng 5.900 đồng/lít; giá xăng E5 tăng 5.780 đồng/lít và giá dầu diezen tăng 6.060 đồng/lít. Bình quân quý I/2022, giá xăng dầu trong nước tăng 48,81% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,76 điểm phần trăm.

Bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI, một số nguyên nhân tác động, làm giảm CPI trong quý I/2022 như: Giá các mặt hàng thực phẩm giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI giảm 0,26 điểm phần trăm, trong đó giá thịt lợn giảm 21,55%, mỡ ăn giảm 22,6%; giá thịt chế biến giảm 4,63%.

Giá dịch vụ giáo dục giảm 4,24% do một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương miễn giảm học phí từ học kỳ I năm học 2021-2022 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, làm CPI giảm 0,23 điểm phần trăm.

Đặc biệt, giá thuê nhà ở giảm 15,14% so với cùng kỳ năm trước do nhiều hộ gia đình giảm giá hỗ trợ người thuê nhà trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, làm CPI giảm 0,07 điểm phần trăm.

Tính riêng tháng 3/2022, CPI tăng 0,7% so với tháng trước, tăng 1,91% so với tháng 12/2021 và tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2021. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước, riêng nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm giá.

Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá cho biết, nguyên nhân tăng CPI tháng 3 là do giá xăng dầu, giá gas tăng theo giá nhiên liệu thế giới, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và giá xăng dầu. 

Theo Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương, mặt bằng giá trong nước vẫn cơ bản được kiểm soát nhưng áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm khá lớn. Công tác quản lý, điều hành giá sẽ tiếp tục được thực hiện một cách thận trọng, chủ động và linh hoạt nhằm bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng CPI bình quân năm 2022 ở mức khoảng 4% theo mục tiêu Quốc hội đề ra./.

Theo: chinhphu.vn

Tin cùng chuyên mục