Đồng Danh: Vụ đông thành vụ chính

Với truyền thống “Sáng lúa, chiều cây vụ đông”, từ nhiều năm nay, diện tích cây vụ đông nhiều nhất xã đã làm nên thương hiệu của thôn Đồng Danh, xã Đức Ninh (Hàm Yên). Điều này minh chứng cho sự cần mẫn, tận dụng lợi thế đồng đất quê nhà phát triển kinh tế.

 

“Sáng lúa, chiều cây vụ đông”, thể hiện sự nhanh nhạy của người nông dân nơi đây. Bởi có hộ dân buổi sáng vừa thu hoạch lúa, chiều đã mang máy ra đồng làm đất trồng vụ đông rồi đấy” - Trưởng thôn Trần Huy Giản chia sẻ. Thời điểm này, bắp cải, súp lơ, ngô nếp nườm nượp theo những chuyến xe ô tô của các tiểu thương ra chợ bán. Không khí lao động của bà con rất nhộn nhịp.


Gia đình bà Đỗ Thanh Nhàn, thôn Đồng Danh, xã Đức Ninh (Hàm Yên) trồng rau vụ đông.

Tại cánh đồng trồng bắp cải, súp lơ của gia đình bà Đỗ Thanh Nhàn, ông Hà Quang Huy, những luống rau gối vụ xanh tốt bời bời. Bà Nhàn cho biết, năm nào cũng vậy, khi vừa thu hoạch xong 6 sào lúa, gia đình chuyển ngay sang trồng rau vụ đông. Nhà neo người, nhưng gia đình bà không cho đất nghỉ, cùng 5 sào bưởi đang cho thu hoạch, 7 sào thanh long ruột đỏ, trên những cánh đồng cứ trống đất là gia đình bà Nhàn lại trồng cây vụ đông. Bắp cải và súp lơ từ lâu là hai cây trồng vụ đông chủ lực của thôn, vừa hợp chất đất vừa sẵn nước tưới nên cây phát triển đồng đều. 

Gia đình ông Vũ Văn Thiên có hơn 1 mẫu đất canh tác, vụ đông năm nay ông Thiên chủ yếu trồng su hào, bắp cải, súp lơ… Ông Thiên cho biết, sản xuất rau vụ đông đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với cấy lúa, bởi rau dễ trồng, dễ chăm sóc. Ngoài ra, thời gian trồng và chăm sóc ngắn, chỉ sau 2 tháng đã cho thu hoạch, giá bán khá ổn định. Năm nào cũng vậy, thương lái đều tìm về nhà ông để mua rau. Hàng năm, ông luôn chủ động cày ải, phơi, xới đất và tạo nguồn dinh dưỡng cho đất ngay từ đầu vụ, đồng thời lựa chọn giống tốt để rau có chất lượng tốt.

Xác định vụ đông là vụ sản xuất chính, giúp nâng cao thu nhập nên ngay sau khi thu hoạch lúa mùa, gia đình ông Hà Đức Chính hay ông Nguyễn Văn Thịnh lại khẩn trương làm đất để trồng các cây màu vụ đông. Tính ra mỗi hộ trong thôn, nhà nhiều có khoảng 1 mẫu rau vụ đông, nhà ít cũng có từ 6 đến 8 sào rau. Gia đình ông Chính có khoảng 6 sào, gia đình ông Thịnh có 8 sào rau bắp cải, súp lơ, su hào. Do tuân thủ quy trình sản xuất rau, không dùng hóa chất hay chất kích thích nên sản phẩm làm ra tiêu thụ thuận lợi. 

Ông Trần Huy Giản, Trưởng thôn Đồng Danh cho biết, mỗi gia đình thu nhập bình quân đạt từ 10 đến 20 triệu đồng/1.000 m2 rau màu vụ đông. Bước vào sản xuất vụ đông, hơn 16 ha đất canh tác nông nghiệp của thôn Đồng Danh đều được phủ kín bởi màu xanh của các loại cây trồng như bắp cải, su hào, súp lơ, cà chua, đỗ cô ve, ngô nếp, ngô tẻ… Ngay sau khi thu hoạch vụ mùa, thôn đã tập trung chỉ đạo bà con làm đất, khơi thông mương nội đồng, chủ động nguồn nước tưới tiêu và giống để gieo trồng hết diện tích trong khung thời vụ. Thôn có khoảng 5 ha đất lúa 1 vụ, người dân chuyển sang làm 1 vụ lúa, 2 vụ màu với ngô nếp, ngô tẻ và rau màu rất hiệu quả. Cán bộ chuyên môn của xã thường xuyên hướng dẫn bà con cách phòng, trừ sâu bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm cho cây trồng và nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. So với các vụ trong năm, vụ đông đem lại thu nhập cao gấp 2 - 3 lần. Nhờ trồng vụ đông, nhiều gia đình trong thôn đã có thu nhập ổn định, thôn chỉ còn 5 hộ nghèo.

Cùng với trên 12 ha rừng, gần 40 ha cây ăn quả như cam, bưởi, thanh long thì chuyện làm vụ đông ở Đồng Danh đã giúp nâng mức thu nhập bình quân của thôn đạt trên 3 triệu đồng/người/tháng. Chuyện “Lấy ngắn nuôi dài” không còn là chuyện mới với những người nông dân một nắng hai sương nơi đây. Họ đã biến vụ 3 là một trong những vụ chính trong khung thời vụ, để không những giúp  nơi đây thoát nghèo bền vững mà còn giúp họ thành những hộ khá của thôn, của xã. 

Theo: TQĐT

Tin cùng chuyên mục