Hàm Yên bàn giải pháp phát triển bền vững cam quả và các sản phẩm OCOP

Sáng 19-4, UBND huyện Hàm Yên tổ chức hội nghị Tổng kết sản xuất, tiêu thụ cam quả niên vụ năm 2022-2023, kết quả thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm năm 2022, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện năm 2023.

Đại biểu dự hội nghị.

Dự hội nghị có lãnh đạo Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh; về phía huyện có các đồng chí: Đỗ Văn Hòa, Ủy viên BTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện; Nguyễn Văn Ước, Ủy viên BTV Huyện ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo, Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện.

Năm 2022, tổng diện tích cam trên địa bàn huyện Hàm Yên là trên 6.200 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch gần 5.700 ha. Sản lượng tiêu thụ đạt trên 74.000 tấn quả. Trong đó, tiêu thụ ở các tỉnh miền Bắc trên 72.500 tấn, các tỉnh miền Trung, miền Nam trên 700 tấn, tiêu thụ trong tỉnh trên 800 tấn. Với giá bán trung bình từ 7.000 - 11.000 đồng/kg.

Thực hiện Chương trình OCOP năm 2022, huyện Hàm Yên đã được công nhận 21 sản phẩm OCOP. Trong đó có 2 sản phẩm xếp hạng 4 sao, 19 sản phẩm xếp hạng 3 sao.

Năm 2023, huyện tiếp tục duy trì, phát triển, nâng cao chất lượng đối với 21 sản phẩm đã được chứng nhận OCOP, thực hiện tổ chức đánh giá, phân hạng 13 sản phẩm OCOP, đánh giá, phân hạng lại 5 sản phẩm đã được chứng nhận sản phẩm OCOP năm 2020.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp ý kiến, giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm cam, sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGap, hữu cơ, liên kết sản xuất tiêu thụ cam, sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay đối với các trang trại trồng cam.

Đồng thời, các đại biểu phân tích, đánh giá những thuận lợi, khó khăn, cũng như những kiến nghị về công tác phối hợp, vận động tuyên truyền, nguồn kinh phí để thực hiện phát triển sản phẩm OCOP.

Toàn cảnh hội nghị.

UBND huyện Hàm Yên đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các hộ trồng cam sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGap, hữu cơ; cấp mã số vùng trồng cam; tiếp tục mở rộng, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh liên kết với các hộ trồng cam trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm qua hợp đồng.

Huyện yêu cầu các ngành chức năng, các xã, thị trấn chủ động tham mưu, chuẩn bị các thủ tục, tạo điều kiện để có nhiều sản phẩm chất lượng được công nhận OCOP; triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP, tham gia các hội nghị, diễn đàn, hội chợ xúc tiến thương mại trong tỉnh, trong nước nhằm quảng bá sản phẩm và huy động các nguồn lực thực hiện Chương trình OCOP…/.

Thanh Tâm

Tin cùng chuyên mục