Hàm Yên chăm sóc cam mùa

Ông Kiều Anh Thơ, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hàm Yên cho biết, hiện nay, các vườn cam đang cho quả, nhiều vườn quả đã có đường kính 4 - 5 cm. Thời điểm này, trên các vườn cam thường xuất hiện một số sâu bệnh hại như nhện đỏ, nhện trắng, nhện rám vàng và các bệnh sẹo, bệnh loét, bệnh thán thư… Để thêm một mùa cam bội thu, đạt chất lượng, trung tâm đã hướng dẫn bà con cắt tỉa cành thông thoáng, kết hợp làm cỏ và sử dụng phân hữu cơ ủ oai mục có bổ sung vi sinh vật có ích, phân bón có nguồn gốc sinh học giúp cải tạo đất tơi xốp, tăng sức đề kháng để cây sinh trưởng phát triển tốt.

 

Vườn cam 300 gốc của gia đình anh Nguyễn Văn Vĩnh, thôn 1 Thái Thủy, xã Thái Sơn đã trồng được 5 - 6 năm nay, cây đã cao lớn, xòe tán rộng, quả đang rất mọng. Anh Vĩnh cho biết, sở dĩ cam của gia đình anh có được sự phát triển như vậy là do toàn bộ khu vườn đều được lắp đặt hệ thống tưới phun sương tự động. Việc ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến vào sản xuất giúp giảm chi phí nhân công do không phải thuê lao động tưới nước. Ngoài tưới nước, anh Vĩnh còn pha chiết phân bón hữu cơ bón cho cây theo hệ thống tưới tự động nên lượng dinh dưỡng cung cấp cho cây đầy đủ và giúp quả luôn ngọt, mọng nước.


Cán bộ khuyến nông huyện Hàm Yên hướng dẫn gia đình chị Trần Thị Cường, thôn 2 thuốc Thượng, xã Tân Thành kiểm tra sâu bệnh hại cam.

Đối với các vườn cam trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất định hướng hữu cơ, các cơ quan chuyên môn của huyện cử cán bộ xuống tận vườn hướng dẫn quy trình kỹ thuật theo đúng tiêu chuẩn. Chị Trần Thị Cường, thôn 2 Thuốc Thượng, xã Tân Thành trồng cam hữu cơ từ năm 2018 đến nay. Quá trình chăm sóc theo hướng hữu cơ cũng hạn chế rất nhiều sâu bệnh hại nên không mất nhiều tiền đầu tư thuốc bảo vệ thực vật. Để tăng dưỡng chất và cung cấp đủ nước cho cây trồng, gia đình chị ủ đỗ tương, cá và các loại phân chuồng bón cho cây trồng. Năm nay thời tiết nắng, nóng nhiều nên gia đình chị đầu tư xây bể chứa nước tại đồi cam rồi dẫn nước lần trên núi cao vào bể và đầu tư máy bơm nước để bơm tưới đến từng gốc cây.

Ông Lương Văn Nho, Tổ trưởng tổ VietGAP thôn 3 Thuốc Hạ, xã Tân Thành cho biết, dịp này ông vận động các thành viên trong tổ sau khi cấy xong vụ mùa là bắt tay ngay vào chăm sóc vườn cam. Trong đó, tập trung phát cỏ, tỉa tán tạo không gian thông thoáng để hạn chế sâu bệnh hại. Trên một số vườn cam của các thành viên xuất hiện bệnh loét trên quả và lá. Được sự trợ giúp của cán bộ khuyến nông huyện phụ trách địa bàn, ông và các thành viên trong tổ đã cắt bỏ các cành lá, quả bị nhiễm nặng đem tiêu hủy. Đồng thời, bón phân cân đối giúp cây khỏe, hiện những cây bị bệnh đã có biểu hiện phục hồi. 

Toàn huyện Hàm Yên hiện có hơn 7.000 ha cam, trong đó hơn 4.500 ha đã cho quả. Cây cam đang ở giai đoạn cho quả cần đầy đủ dưỡng chất. Theo khuyến cáo ngành chuyên môn, để đảm bảo sản lượng và chất lượng cam, giai đoạn này các hộ ngoài chú ý phòng sâu bệnh hại, cần làm cỏ, cung cấp đủ nước, tăng cường bón phân ủ oai mục để cải tạo đất và cung cấp dinh dưỡng tốt nhất cho cây nuôi quả. Riêng đối với diện tích cây bị bệnh nặng nên chặt bỏ thu gom và đem tiêu hủy, sử dụng vôi bột và các loại thuốc đặc trị để xử lý môi trường và phun phòng, trừ bệnh nhằm hạn chế bệnh lan rộng.

Theo: TQĐT

Tin cùng chuyên mục