Hàm Yên chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn đại gia súc

Ngày 21-10, một số trâu, bò của người dân thôn 700, xã Hùng Đức (Hàm Yên) có dấu hiệu của bệnh lở mồm, long móng. Ngay sau khi phát hiện bệnh, xã đã khoanh vùng, tiêm phòng bổ sung vắc xin và cơ bản khống chế, không để bệnh lây lan ra diện rộng.

Chị Hoàng Thị Lan Anh, cán bộ Thú y xã Hùng Đức cho biết, bệnh xuất hiện trên địa bàn xã khi một hộ gia đình mua đôi bò từ địa bàn khác về xã. Đến ngày 23-10, trên địa bàn xã đã phát hiện 50 con trâu, bò của người dân thôn 700 có dấu hiệu bệnh. Trong đó, có 47 con trâu, 3 con bò mắc bệnh. Hiện Hùng Đức đã khoanh vùng tiêm hơn 200 liều vắc xin lở mồm, long móng cho đàn gia súc của 2 thôn 700, Khuôn Thắng, đồng thời, cấp phát 30 lít thuốc khử trùng cho người dân để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. Đến nay, 50 con trâu, bò mắc bệnh đã được chữa khỏi bệnh.


Người dân thôn 700, xã Hùng Đức (Hàm Yên) phun thuốc khử trùng quanh
khu vực chuồng trại chăn nuôi.

Theo chị Hoàng Thị Lan Anh, thời điểm đầu năm, xã đã tổ chức tiêm phòng vắc xin tụ huyết trùng và lở mồm long móng cho đàn gia súc trên địa bàn, nhưng hầu hết người dân chỉ tiêm vắc xin tụ huyết trùng, phần vì giá vắc xin lở mồm long móng đắt hơn (25 nghìn đồng/liều), phần vì dịch bệnh này chưa xảy ra trên địa bàn xã bao giờ nên bà con có phần chủ quan. Đàn trâu của ông Hoàng Văn Thành, thôn Khuôn Thắng nuôi giẽ tại thôn 700 có 15 con, thì có đến 14 con mắc bệnh. Ông Thành thừa nhận, thời điểm tiêm phòng đợt 1 (tháng 3), gia đình chỉ tiêm mũi tụ huyết trùng mà không tiêm mũi lở mồm, long móng, vì chi phí cao hơn. Sau khi đàn mắc bệnh, được cán bộ thú y hướng dẫn tiêm kháng sinh, bôi thuốc, vệ sinh chuồng trại và phun khử trùng liên tục hàng ngày, giờ đàn trâu của ông đã khỏi bệnh. 

Chị Tướng Thị Liên, thôn 700, xã Hùng Đức cho biết, ngay sau khi phát hiện trâu mẹ và trâu nghé của gia đình có dấu hiệu của bệnh lở mồm long móng, gia đình đã báo với chính quyền xã và được hỗ trợ, cung ứng vật tư, hướng dẫn, chữa trị kịp thời. Đến nay, 2 con trâu của gia đình đã khỏi bệnh hoàn toàn. Hiện gia đình tiếp tục nuôi nhốt để theo dõi, đồng thời để trâu bình phục hoàn toàn. 

Anh Tướng Văn Dũng, Trưởng thôn 700 cho biết, ngay sau khi trên địa bàn thôn phát hiện đàn gia súc mắc lở mồm long móng, thôn đã thành lập tổ tuần tra, trong đó ngăn ngừa các hành vi mua bán, vận chuyển để tránh lây lan sang các thôn khác. 

Theo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hàm Yên, thời điểm đàn gia súc trên địa bàn mắc bệnh đang là thời điểm giao mùa nên dịch bệnh lây lan rất nhanh. Chính vì vậy, sau khi xác định đúng dịch lở mồm, long móng, Trung tâm đã khoanh vùng dịch bệnh và thực hiện các biện pháp chữa trị kịp thời với phương châm không để dịch lây lan. Trung tâm đã trực tiếp xuống các vùng bị dịch bệnh tổ chức thống kê, quản lý, tiêm thuốc, theo dõi bệnh dịch của đàn gia súc. Đồng thời, thành lập nhanh các tổ công tác của thôn, bản tổ chức dọn vệ sinh chuồng trại, phun hóa chất khử trùng, rắc vôi bột quanh chuồng trại và nơi gia súc bị bệnh, nhằm không cho dịch bệnh lây lan.

Cán bộ Trung tâm dịch vụ đã trực tiếp xuống hướng dẫn các hộ có gia súc bị nhiễm bệnh về cách điều trị, phòng chống dịch bệnh, như: Vệ sinh chuồng trại, lau và theo dõi vết thương; sử dụng Xanh Methylen, thuốc tím, phèn chua hoặc dùng thuốc mỡ Tetracilin, Penicilin bôi vết thương; hướng dẫn người dân bổ sung chất tinh trong thức ăn để tăng sức đề kháng cho vật chủ... 

Hàm Yên hiện đang tập trung kiểm tra, giám sát chặt chẽ dịch bệnh trên đàn gia súc; tập trung rà soát khoanh vùng dịch bệnh, thường xuyên theo dõi đàn gia súc trên địa bàn, nhất là tại những địa bàn giáp ranh. Tuy nhiên, theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, biện pháp hữu hiệu nhất để phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc là phải tiêm phòng triệt để và thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch để đảm bảo ổn định việc phát triển chăn nuôi của người dân trên địa bàn. 

Theo: TQĐT

Tin cùng chuyên mục