Hàm Yên khẳng định vị thế kinh tế trang trại

Phát triển kinh tế trang trại ở huyện Hàm Yên là hình thức sản xuất hiệu quả, giúp nông dân làm giàu, góp phần nâng cao tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới.

Ông Vũ Tất Thành, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hàm Yên cho biết, với những chính sách hỗ trợ đúng, trúng nguyện vọng của nhân dân, số trang trại của người dân huyện Hàm Yên không ngừng tăng. Từ đầu năm đến nay, huyện Hàm Yên có thêm 7 trang trại mới, nâng tổng số toàn huyện lên 242 trang trại. Trong đó có 219 trang trại trồng trọt, 9 trang trại chăn nuôi, 1 trang trại lâm nghiệp và 13 trang trại tổng hợp. Kinh tế trang trại đã phát huy hiệu quả, tạo ra giá trị sản phẩm hàng hóa, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.


Anh Nguyễn Văn Vĩnh, thôn 1 Thái Thủy, xã Thái Sơn (Hàm Yên) đầu tư
hệ thống tưới tự động chăm sóc cây trồng hiệu quả.

Có mặt tại trang trại của anh Nguyễn Văn Vĩnh, thôn 1 Thái Thủy, xã Thái Sơn (Hàm Yên) chúng tôi khá ấn tượng với mô hình nuôi lươn không bùn, chăn trâu thương phẩm và trồng rừng, trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ... Để có nguồn lươn sạch chiếm được ưu thế trên trị trường, anh Vĩnh còn đầu tư nuôi giun quế làm thức ăn cho lươn. Năm 2019 anh đã bán được 7 tạ lươn thương phẩm, với giá bình quân 200 nghìn đồng/kg, thu được 140 triệu đồng. Theo tính toán của anh Vĩnh thì chi phí nuôi lươn chỉ chiếm 1/3 trong tổng doanh thu. Ngoài ra, anh Vĩnh còn có doanh thu từ bán trâu đạt 400 - 500 triệu đồng/năm; thu hơn 200 triệu đồng từ bưởi và cam; hơn 100 triệu đồng từ chăn nuôi gia cầm...

Để giảm bớt sức lao động, nâng cao thu nhập, anh Vĩnh đang từng bước phát triển mô hình kinh tế trang trại theo hướng khép kín và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Anh đầu tư nuôi giun quế làm thức ăn cho lươn và gia cầm; trồng 7.200 m2 cỏ voi làm thức ăn cho trâu, nguồn chất thải từ chăn nuôi trâu được ủ oai mục bón cho cây trồng. Anh còn đầu tư hệ thống tưới nước tự động dẫn nước sạch từ Hồ Khởn vào ao nuôi cá của gia đình, rồi pha với nguồn phân bón hữu cơ từ bể ủ đỗ tương, ủ cá để tưới cho cây trồng theo hệ thống tưới tự động. Anh Vĩnh bảo, hệ thống tưới tự động này có trên 300 vòi tưới đến từng gốc cây, vì thế cây trồng không bao giờ lo bị nắng hạn và thiếu chất dinh dưỡng. Từ ngày có hệ thống tưới nước tự động anh tiết kiệm được thời gian, chi phí nhân công.

Trang trại của gia đình ông Vương Ngọc Dũng, thôn Thọ Bình 2, xã Bình Xa (Hàm Yên) rộng trên 5 ha, trồng cam Vinh, bưởi Diễn, ổi, táo đại... Ngoài ra, ông nuôi thêm 500 con chim bồ câu để tăng thu nhập. Ông Dũng tận dụng nguồn chất thải từ chăn nuôi gia cầm và thu mua phân gia súc, đỗ tương, cá nhỏ để ủ làm phân cho cây. Ông cũng thay thế thuốc bảo vệ thực vật bằng các loại chế phẩm sinh học để chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho vườn cây ăn quả. Nhờ chăm sóc hoàn toàn theo hướng hữu cơ, thu được sản phẩm chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, các sản phẩm của trang trại chủ yếu được các thương lái tại Hà Nội, Hải Phòng đặt mua. Doanh thu của trang trại mỗi năm đạt trên 1 tỷ đồng.

Phát triển kinh tế trang trại trong thời gian qua đã góp phần tạo ra những vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa  tập trung của huyện, như vùng cam ở các xã Phù Lưu, Tân Thành, Yên Thuận, thị trấn Tân Yên; chăn nuôi lợn ở Thành Long, Tân Thành. Sản phẩm của nhiều trang trại cam sành đã có mặt tại các siêu thị, trung tâm thương mại lớn của Hà Nội và giao thương với các tỉnh trong cả nước. 

Trong tổng số các trang trại thì trang trại trồng trọt chiếm số lượng lớn, giá trị sản xuất sản phẩm thu được từ trang trại trồng trọt bình quân từ 950 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/trang trại/năm, giá trị sản phẩm của các trang trại chăn nuôi bình quân đạt 1,6 tỷ đồng/trang trại/năm. Các trang trại đã góp phần giải quyết việc làm cho 500 lao động thường xuyên và 2.500 lao động thời vụ. Đây là tiền đề quan trọng để các xã của huyện Hàm Yên hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng cuộc sống của người nông dân.                    

Theo: VOV.VN

Tin cùng chuyên mục