Hàm Yên phòng, chống sâu bệnh hại cam

Hiện nay, cây cam tại huyện Hàm Yên đang trong giai đoạn phát triển mạnh. Đây là giai đoạn cây cam mẫn cảm với các loại sâu bệnh hại. Đặc biệt, thời tiết diễn biến phức tạp, kéo theo mưa nhiều là điều kiện cho các loại sâu bệnh phát sinh. Do vậy, việc tăng cường kiểm tra thăm vườn sẽ giúp người dân chủ động trong việc phòng trừ sâu bệnh.

 

Theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hàm Yên, vụ cam năm nay toàn huyện có 7.270 ha. Trong đó, một số xã đã phát sinh một số bệnh như thán thư, nhện, vàng lá, thối rễ, nấm… gây hại trên 45,5 ha phân bố rải rác ở 13 xã có vùng cam.


Anh Nông Văn Đoàn (bên trái) thôn Nà Luộc, xã Phù Lưu (Hàm Yên)
 kiểm tra sâu bệnh hại trên cây cam.

Xã Phù Lưu là một trong những địa phương có diện tích cây cam lớn nhất huyện với hơn 2.400 ha. Hiện nay, 0,3% diện tích cam xã Phù Lưu đã xuất hiện một số sâu bệnh hại cam như vàng lá, thối rễ, nhện, nấm. Gia đình ông Nình Văn Hòa, thôn Pá Han mới tập trung bón phân và phun thuốc chống sâu bệnh hại cho toàn bộ vườn cam được 3 tuần. Ông Hòa cho biết, hiện nay, vườn cam xuất hiện bệnh vàng lá, thối rễ, nhện... và thời tiết mưa dông kéo dài khiến gia đình không thể phun thuốc phòng trừ. Đối với một số bệnh như vàng lá, nấm gia đình đã phun thuốc bảo vệ thực vật, kết hợp chế phẩm sinh học nhưng không hiệu quả. Vì vậy, toàn bộ 6 ha cam chỉ còn khoảng 4 ha cây cho thu trái, 2 ha còn lại đã bị chết héo, phải chặt bỏ.

Tại xã Minh Dân, tình trạng sâu bệnh trên cây cam ít hơn nhờ sự chủ động của các nhà vườn. Ông Vũ Đình Hào, thôn Trung Tâm, xã Minh Dân với hơn 18 năm kinh nghiệm trồng cam cho biết, ngay từ đầu tháng 8 gia đình ông đã chủ động phun thuốc phòng ngừa trước. Vì thế, hiện nay vườn cam 2 ha của gia đình phát triển tốt và ít sâu bệnh hơn một số vườn cam khác. Trong những ngày này, ông thường xuyên kiểm tra vườn, khi thấy bệnh phát sinh gia đình chủ động phun thuốc ngay để hạn chế sự lây lan của bệnh.
Ông Lô Văn Cấp, cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hàm Yên cho biết, để giảm tình trạng sâu bệnh hại cam, trung tâm thường xuyên tổ chức tập huấn về các kỹ thuật trồng, chăm sóc cam theo quy trình VietGAP. Đồng thời, hướng dẫn người dân áp dụng bón phân cân đối, sử dụng đúng thời điểm các loại thuốc bảo vệ thực vật trên cây ăn quả; phòng trừ các đối tượng sâu bệnh hại theo nguyên tắc bốn đúng (đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ liều lượng, đúng cách).

Trên thực tế, việc trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP không chỉ tăng giá trị cam mà còn là cách phòng trừ sâu bệnh hiệu quả. Hiện tại toàn huyện có 756,2 ha cam VietGAP. Hầu hết diện tích cam này phát triển tốt, ít sâu bệnh. Gia đình ông Nông Văn Đoàn, thôn Nà Luộc, xã Phù Lưu là một trong những nhà vườn trên địa bàn vừa thực hiện bón thúc quả cho 1,5 ha cam theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông Đoàn chia sẻ, khi áp dụng khoa học kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP vào sản xuất đã giảm được số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt, việc không sử dụng thuốc diệt cỏ không chỉ giúp bảo vệ môi trường sống, mà mẫu mã và chất lượng quả vẫn đảm bảo. Trong khâu chăm sóc, gia đình cũng áp dụng khoa học kỹ thuật cắt tỉa cành, tạo tán sẽ giúp cây thông tshoáng, giảm sâu bệnh.

Không để dịch bệnh phát triển làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng quả khi thu hoạch, các ngành chức năng của huyện đang tập trung cử cán bộ chuyên môn khảo sát thực trạng sâu bệnh tại vườn cam để hướng dẫn nhân dân phòng trừ. UBND huyện cũng chỉ đạo các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn chuẩn bị đầy đủ các loại thuốc bảo vệ thực vật để cung ứng kịp thời cho bà con nông dân, chủ động phòng trừ sâu bệnh trên cây cam. Ngành chức năng khuyến cáo, người dân cần phải thường xuyên kiểm tra phát hiện sâu bệnh, gây hại trên cây ăn quả; kết hợp làm cỏ và sử dụng phân hữu cơ hoai mục có bổ sung vi sinh vật có ích, bón phân có nguồn gốc sinh học giúp cải tạo đất tơi xốp, tăng sức đề kháng cho cây trồng, giúp cân bằng hệ sinh thái vườn cam nói riêng và vườn cây có múi nói chung, hướng đến phát triển sản xuất nông nghiệp sạch bền vững.

Theo: TQĐT

Tin cùng chuyên mục