Mùa thanh long

Huyện Hàm Yên có hơn 80 ha thanh long, trong đó có 70 ha cho thu hoạch, tổng sản lượng đạt khoảng 1.000 tấn/năm. Năm nay, giá thanh long được mùa, được giá giao động từ 30.000 - 40.000 đồng/kg.

 


Vườn thanh long 5 ha được trồng theo quy trình VietGAP của gia đình ông Đỗ Đình Hân, thôn 1 Minh Phú, xã Yên Phú (Hàm Yên).

Xã Yên Phú được coi là “thủ phủ” của thanh long với trên 40 ha, tập trung nhiều ở các thôn 1 Minh Phú, thôn 1A Thống Nhất, thôn 3 Minh Phú, thôn Km 61… Ông Hoàng Văn Lộc, thôn 1 Minh Phú cho biết, năm 2013 gia đình ông trồng thí điểm 20 trụ thanh long, sau 1 năm những trụ thanh long đã cho lứa quả đầu tiên và đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình. Đến nay, gia đình ông duy trì 400 gốc, trong đó có 300 gốc đang cho thu hoạch rộ, mỗi năm thu gần 5 tấn quả. Trừ chi phí gia đình ông thu lãi trên 100 triệu đồng/năm.

Theo ông Vũ Xuân Thủy, Chủ tịch UBND xã Yên Phú, năm nay thanh long được mùa, được giá. Năng suất thanh long bình quân đạt 15 tấn/ha/năm. Cây trồng này đã tạo nguồn thu cho người dân từ 200 - 300 triệu đồng/ha. Thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, UBND xã Yên Phú xác định xây dựng và phát triển cây thanh long là cây chủ lực. Xã có mô hình trồng thanh long VietGAP 5 ha của gia đình anh Đỗ Văn Hưng, thôn 1 Minh Phú. Sản phẩm thanh long gia đình anh Hưng đã được dán tem truy xuất hàng hóa. Thời gian tới, UBND xã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành chức năng tổ chức tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc thanh long theo hướng VietGAP, định hướng sản xuất theo hướng hữu cơ, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.


Chị Vũ Thị Nga, thôn 1A Thống nhất, xã Yên Phú bên sạp hàng thanh long của gia đình phục vụ khách hàng trên tuyến Quốc lộ 2.

Xã Nhân Mục có tổng diện tích thanh long đạt trên 10 ha. Nhiều hộ có thu nhập khá từ trồng thanh long như gia đình ông Trần Quang Bắc, thôn Đồng Vịnh trồng thanh long từ năm 2013 với 100 gốc thanh long ruột đỏ, nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên vườn thanh long của gia đình ông phát triển tốt, mỗi trụ cho thu từ 15 - 20 kg/năm. Từ năm 2017 ông đã phát triển quy mô trồng lên 800 - 1.000 gốc. Năm nay, vườn thanh long của gia đình ông đang trong giai đoạn thu hoạch rộ, thu hoạch đến đâu thương lái thu mua tại vườn tới đó, trừ chi phí trong 2 năm trở lại đây gia đình ông thu lãi 200 triệu đồng. Ông Bắc chia sẻ, cây thanh long ruột đỏ cho quả nhiều nhất vào khoảng từ tháng 5 đến hết tháng 10, cứ 15 - 20 ngày lại cho một đợt thu hoạch. Ngoài nguồn thu từ bán quả, gia đình ông còn cắt tỉa bán hom giống cho bà con trong khu vực. 

Việc phát triển và hình thành vùng chuyên canh thanh long như hiện nay là giải pháp của huyện Hàm Yên về cải tạo vườn tạp, đưa giống cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Hiện nay, thanh long được trồng tập trung nhiều ở các xã Yên Phú, Nhân Mục, thị trấn Tân Yên, Thái Sơn, Minh Dân, Bạch Xa. Riêng trong năm 2019, toàn huyện có 10 ha thanh long được trồng mới. Hiện, các cơ quan chuyên môn của huyện đang tích cực vào cuộc giúp người dân phát triển cây thanh long bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân, nhất là định hướng người nông dân đẩy mạnh chăm sóc theo quy trình VietGAP, định hướng sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, bao tiêu sản phẩm.

Theo: TQĐT

Tin cùng chuyên mục