Mùa thanh long chín đỏ

Một dải thanh long chín đỏ khiến khách như đang đi trong miệt vườn Nam Bộ. Nhưng không, ở đây là Yên Phú (Hàm Yên), nơi có Động Tiên kỳ bí tạo thêm cho vùng đất này một sự khác biệt độc đáo không phải nơi nào cũng có được. Du lịch kết hợp với nhà vườn sẽ mở ra cho người dân có cuộc sống no ấm hơn.

 

Cây thanh long bám đất Yên Phú gần 10 năm nay, trở thành cây giảm nghèo cho người dân. Nhưng hơn hết, phát triển vùng thanh long tạo thêm điểm nhấn cho phát triển du lịch nông nghiệp, hướng đi mới đang được tỉnh ta hướng tới.

Sự khác biệt

Ông Hoàng Văn Lộc, thôn 1 Minh Phú là một trong những người đầu tiên đưa thanh long về trồng trên đất này. Ông bảo, đất Yên Phú thì trồng đủ các loại cây rồi, nào là táo, phật thủ, rồi thanh long. Quả nào ở đất này cũng nức tiếng, bởi có sự khác biệt. Làm nông nghiệp cũng phải có sự khác biệt thì mới thành công - ông Lộc nói.

Nghe lão nông này nói chuyện khiến tôi cứ tò mò. Tôi hỏi về sự khác biệt của thanh long ruột đỏ Yên Phú, ông Lộc bảo, thanh long ruột đỏ ở đây được trồng trên đất cằn, quả không to như thanh long miền Nam nhưng ngọt đậm hơn, cứng quả hơn. Dân Yên Phú lại thay đổi cách làm, trồng thanh long VietGAP, sản phẩm an toàn nên khách hàng ở khắp nơi đổ về mua. Cứ thứ gì tiêu thụ tốt thì hẳn phải độc đáo chứ, ông Lộc cười rổn rảng.

Hẳn thế mà từ 20 trụ thanh long ban đầu năm 2013, nay gia đình ông Lộc đã phát triển lên 400 trụ, trong đó có 300 trụ đang cho thu hoạch rộ, mỗi năm thu gần 5 tấn quả, trừ chi phí thu lãi trên 100 triệu đồng/năm. Số tiền này không hề ít ở vùng nông thôn, nhất là khi đại dịch Covid-19 thế này, thị trường nông sản bị đứt gãy mà thanh long quê ông vẫn tiêu thụ ổn định thì đó là một thành công không nhỏ.

Anh Đỗ Văn Hưng, thôn 1 Minh Phú, xã Yên Phú (Hàm Yên) giới thiệu thanh long ruột đỏ của gia đình.

Theo ông Lộc, thanh long không kén đất lại ưa nắng, ít sâu bệnh, chỉ mất từ 12 - 18 tháng chăm bón đã cho thu hoạch. Từ năm thứ 2 sau khi cho quả bói, năng suất quả tăng dần và có thể cao gấp đôi năm trước. Không như nhiều loại quả khác thu hoạch rộ trong vài tuần hoặc đôi ba tháng, thanh long thu hoạch kéo dài 6 tháng (từ cuối tháng 5 đến hết tháng 11 Âm lịch), đây là sự vượt trội để người dân chủ động tìm kiếm các mối bán hàng.  

Đồng chí Vũ Văn Sỹ, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Phú cho biết: Toàn xã có hơn 50 ha thanh long đang cho thu hoạch tập trung nhiều ở các thôn 1 Minh Phú, thôn 1A Thống Nhất, thôn 3 Minh Phú, thôn Km 61. Được trồng tập trung, chất lượng ngon, mẫu mã đẹp nên đất Yên Phú được coi là “thủ phủ” thanh long ruột đỏ.

 Hướng phát triển mới

Sự vượt trội của thanh long ruột đỏ Yên Phú đã luôn cuốn người tiêu dùng khắp nẻo. Thương lái ở nhiều nơi đổ về chọn mua, người Yên Phú cứ ung dung... đếm tiền thôi. Chị Nguyễn Thị Hằng, thương lái ở thành phố Tuyên Quang thu mua thanh long ở Yên Phú cho biết, chị mua thanh long ở đây rồi bán cho khách sở Hà Nội 3 năm nay rồi, người xuôi thích thanh long đất này lắm, bởi có nguồn gốc, được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, đó là một “tín chỉ” mà khách hàng rất cần.

Lựa nhanh những quả thanh long chín đỏ, múp đầu bỏ vào thùng cát tông, anh Hoàng Anh Cương, người phường Ngọc Hà, thành phố Hà Giang nói, mùa này nhiều hoa quả nhưng anh vẫn thích nhất thanh long Yên Phú vì ngọt và có hương vị riêng. Mỗi dịp qua đây, anh đều mua cả thùng mấy yến làm quà biếu người thân và để ăn dần. Thanh long ở đây có thể để được cả tuần, mùa hè bổ ra, để tủ lạnh chạm đến cái mát mang ra ăn thì ngon không tả nổi...

Người Yên Phú trồng thanh long theo quy trình, không dùng phân hóa học nên vị quả rất riêng. Anh Đỗ Văn Hưng, thôn 1 Minh Phú chia sẻ: Toàn bộ  7.000 trụ thanh long ruột đỏ của gia đình được chăm sóc bằng phân chuồng ủ hoai và thuốc trừ sâu sinh học. Anh Hưng bảo, trồng cây mà lạm dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu thì hại chính bản thân mình. Người chăm cây hứng chịu đầu tiên, vậy nên phải thay đổi tư duy, làm ra nông sản sạch chính là mang lại cho mình lợi ích kép. Là bởi, môi trường không bị ô nhiễm, giá bán lại cao hơn, cuộc sống sẽ đủ đầy từ đấy... 

Chị Lê Thị Châm, thôn Làng Soi, xã Yên Phú (Hàm Yên) giới thiệu thanh long ruột đỏ.

Chính cách nghĩ tích cực ấy mà gia đình anh Hưng áp dụng quy trình sản xuất theo hướng VietGAP cho toàn bộ 7.000 trụ thanh long ruột đỏ. Thanh long được anh Hưng kiểm soát chất lượng từ đầu vào, chăm sóc kỹ cho từng khóm, nên cây nào cũng phát triển tốt, cho trái đều, đẹp. Năm 2020, anh thu được trên 1 tỷ đồng từ bán quả thanh long. Năm nay, do giá thanh long thấp hơn năm 2020 nhưng hết vụ thu hoạch anh cũng đạt doanh thu trên 1 tỷ đồng. Thanh long của gia đình anh Hưng đã được dán tem truy xuất nguồn gốc nhưng điều anh trăn trở nhất là chưa vào được siêu thị hay chuỗi nhà hàng nông sản sạch nên giá bán chưa xứng tầm với chất lượng.

Đồng chí Vũ Xuân Thủy, Chủ tịch UBND xã Yên Phú cho biết, từ hiệu quả kinh tế cây thanh long ruột đỏ đem lại, doanh thu toàn xã từ thanh long đạt khoảng 15 tỷ đồng/năm, giúp hàng trăm hộ dân có cuộc sống khá. UBND xã Yên Phú xác định cây thanh long là cây chủ lực, theo hướng bền vững, đưa loại quả này vào Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Thời gian tới, UBND xã tổ chức tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc thanh long theo hướng VietGAP, định hướng sản xuất theo hướng hữu cơ, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, khuyến khích các hộ trồng nhiều xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm gắn sản xuất nông nghiệp.

Thực tế, nhiều hộ trên địa bàn xã đã phát triển mô hình này mang lại hiệu quả bước đầu. Trang trại 7 ha thanh long ruột đỏ trồng theo hướng VietGap của anh Đỗ Văn Hưng, thôn 1 Minh Phú thực sự làm say lòng du khách mùa chín đỏ. Anh Hưng bảo, du khách ở nhiều nơi về đây vãn cảnh Động Tiên rồi thăm thú vườn thanh long nhà anh, họ mua quả về làm quà, rồi chụp ảnh selfie, điều này “vô tình” anh được hưởng lợi khi chính du khách là những người quảng bá sản phẩm thanh long của gia đình anh đến với bạn bè, người thân. Hiện anh Hưng đang làm nơi dừng nghỉ cho du khách ở đỉnh đồi, đứng ở trên này du khách phóng tầm mắt ngắm nhìn dải thanh long chín đỏ thật là... đã. 

Phát triển du lịch nông nghiệp là định hướng của tỉnh được bắt đầu từ thực tiễn ở các miền quê. Yên Phú đang làm như thế và đây là cơ hội để thu hút nhiều hơn du khách về với Động Tiên...

Theo: TQĐT

Tin cùng chuyên mục