Phát triển cam sành Hàm Yên khó khăn và thách thức

Cam sành Hàm Yên là một trong những nông sản đầu tiên của tỉnh được cấp chứng nhận nhãn hiệu vào năm 2007. Sau hơn mười năm có thương hiệu, việc đầu tư giới thiệu, quảng bá sản phẩm Cam sành được các ngành chức năng đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, việc phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm này vẫn gặp phải những khó khăn nhất định.

Huyện Hàm Yên hiện có trên 7.200 ha diện tích trồng cam, trong đó diện tích cam sành chiếm trên 6.000 ha. Cây cam được trồng tập trung tại 13 xã, thị trấn trên địa bàn huyện với trên 5.600 hộ gia đình trồng cam. Năng suất bình quân hàng năm đạt 170 tạ/ha, sản lượng hàng năm đạt từ 70.000 - 100.000 tấn. Cây cam đã góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người dân, góp phần thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương.


Tuy nhiên, việc phát triển cây cam sành hiện nay còn một số hạn chế: Nhiều diện tích trồng mới không theo quy hoạch; Nhiều diện tích trồng chăm sóc cam chưa mang tính bền vững; Diện tích cam sản xuất theo các tiêu chuẩn sạch, cam hữu cơ chuyển đổi chưa nhiều (Hiện toàn huyện có trên 750 ha diện tích cam thực hiện sản xuất theo VietGAP, 17,2 ha thực hiện sản xuất cam hữu cơ); việc liên kết sản xuất, tiêu thụ mở rộng  thị trường sản phẩm còn hạn chế. 

 

 

Để duy trì và phát triển cây cam bền vững, huyện Hàm Yên đã xác định nhiều giải pháp cụ thể: Đất, nguồn giống; Chăm sóc, thu hái, bảo quản; Chế biến sản phẩm;… trong đó đặc biệt quan tâm tới vai trò của việc xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm.


Hiện huyện Hàm Yên đang triển khai xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Cam sành của huyện Hàm Yên. Qua đó góp phần nâng cao vị thế, danh tiếng, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường so với nông sản cùng loại. Đây sẽ là giải pháp quan trọng trong việc thúc đẩy quảng bá thương hiệu Cam sành đến đông đảo người tiêu dùng tại các thị trường trong và ngoài nước, đưa sản phẩm Cam sành Hàm Yên phát triển bền vững./.

Theo: TTV

Tin cùng chuyên mục