Phát triển vùng sản xuất hàng hóa

5 năm qua, kinh tế - xã hội huyện Hàm Yên đã có những bước chuyển tích cực. Nổi bật nhất là đã hình thành được những vùng chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần cải thiện đời sống của người dân.

Đến nay, huyện Hàm Yên hiện đã hình thành vùng chuyên canh cam, chè, gỗ nguyên liệu mang lại giá trị kinh tế cao. Trong đó, diện tích vùng cam sành là hơn 7.200 ha, sản lượng cam bình quân đạt 80.000 tấn/năm, giá trị sản phẩm đạt từ 650 đến 1.000 tỷ đồng/năm. Điểm nổi bật là tại khu vực 8 xã phía Bắc của huyện đã được quy hoạch thành vùng chuyên sản xuất cam với thương hiệu Cam sành nổi tiếng. Huyện đã phối hợp với các sở, ngành triển khai dự án xây dựng chỉ dẫn địa lý cho cam sành Hàm Yên. Đồng thời, thành lập các đoàn đi xúc tiến thương mại tại các tỉnh, thành phố nắm bắt thị trường; tăng cường quảng bá thương hiệu Cam sành trên các phương tiện thông tin đại chúng và tham gia quảng bá sản phẩm tại các hội chợ thương mại.


Vùng sản xuất thanh long VietGAP tại xã Yên Phú (Hàm Yên).

Gia đình chị Lý Thị Biển, thôn 1 Thuốc Thượng, xã Tân Thành trước đây là hộ nghèo trong thôn. Từ năm 2003 đến nay, chị Biển tập trung phát triển kinh tế từ trồng cam. Hiện, vườn cam của gia đình chị có 2.000 gốc, mỗi vụ thu hoạch 60 - 70 tấn cam, trừ chi phí còn lãi 200 - 300 triệu đồng. Cây cam đã giúp gia đình chị ngày thêm khấm khá, hiện là hộ giàu trong thôn. Từ trồng cam, gia đình chị còn xây được ngôi nhà trị giá hơn 1,4 tỷ đồng. Ông Hoàng Văn Vấn, Trưởng thôn 1 Thuốc Thượng hồ hởi nói: Toàn thôn có 70/72 hộ trồng cam, trong đó có 50 hộ mỗi năm thu lãi hơn 200 triệu đồng. Người dân trong thôn còn tham gia vào các tổ liên kết, tổ trồng cam VietGAP để chia sẻ kinh nghiệm và giúp nhau tiêu thụ sản phẩm.

Hàm Yên cũng đã xây dựng vùng sản xuất mía cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy Đường Tuyên Quang; phát triển vùng trồng chè trên 2.130 ha và vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao với sản lượng hàng năm đạt trên 53.000 tấn. Trong 5 năm qua, toàn huyện Hàm Yên trồng gần 13.000 ha rừng, tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn huyện đạt 60%; từng bước tăng diện tích rừng trồng bằng giống cây lâm nghiệp chất lượng cao. Trong đó, diện tích rừng trồng bằng giống cây keo mô, keo hạt nhập ngoại là 622 ha.

Nhờ có vùng sản xuất tập trung mà việc liên kết, bao tiêu sản phẩm trên địa bàn huyện được thực hiện dễ dàng và thuận tiện hơn. Nhà máy Bột giấy và Giấy An Hòa cung cấp toàn bộ cây giống và thu mua gỗ nguyên liệu cho người dân. Các Công ty Lâm nghiệp Hàm Yên, Tân Thành, Tân Phong ký kết hợp đồng giao khoán rừng và thu mua nguyên liệu theo giá cam kết, giúp người dân yên tâm trồng chăm sóc rừng nâng cao thu nhập. Đối với chuỗi liên kết sản xuất chè VietGAP tại xã Tân Thành, từ năm 2013 đến nay, HTX Chè Tân Thái 168 và HTX Chè xanh Làng Bát, xã Tân Thành đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với người dân thôn 3 và thôn 5 Làng Bát. Toàn bộ nguyên liệu chè búp tươi của người dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đều được các HTX thu mua, chế biến, đóng gói sản phẩm và xuất bán đi khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Ông Nguyễn Văn Tái, thôn 5 Làng Bát, người có 10 năm trồng chè chia sẻ, nhờ có sự liên kết phát triển và sự định hướng của các cấp chính quyền địa phương, ông đã chuyển đổi hơn 1 ha chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Năng suất chè được giữ ổn định, sức khỏe được đảm bảo mà giá bán chè lại cao hơn. Hơn 1 ha chè của nhà ông đến vụ thu hoạch đều được các HTX thu mua, sau khi trừ chi phí, mỗi năm thu lãi hơn 200 triệu đồng.

Từ việc hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, ngành Nông nghiệp huyện đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng nhãn hiệu hàng hóa và mở rộng xúc tiến thị trường tiêu thụ cho sản phẩm vịt bầu Minh Hương, chè Tân Thái 168, chè xanh VietGAP Luận Kỳ, Làng Bát; đang xây dựng thương hiệu Cá đặc sản Thái Hòa và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam sành Hàm Yên; từng bước thay đổi cơ cấu giống rừng trồng phát triển theo hướng bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng gỗ.

Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên Đinh Công Thơ cho biết, để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, UBND huyện khuyến khích người dân sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ chuyển đổi. Đến nay, trên địa bàn huyện có 756 ha cam VietGAP, 17 ha cam hữu cơ; trên 20 ha chè VietGAP; hơn 3.500 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC, theo kế hoạch hết năm 2020 toàn huyện có hơn 5.000 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC.

Theo: TQĐT

Tin cùng chuyên mục