Quyết liệt khống chế dịch tả lợn châu Phi

Xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) là địa phương đầu tiên của tỉnh xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. 4 ngày sau khi dịch ập đến, các con đường dẫn vào xã đã được phủ 1 lớp vôi, phun thuốc sát trùng. Lực lượng chức năng, chính quyền, người dân địa phương đã chủ động khoanh vùng dịch, hạn chế đến mức thấp nhất dịch lan rộng.

 


Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Quang kiểm tra khu vực chôn lấp lợn mắc dịch tả lợn châu Phi tại thôn Vĩnh Bảo, xã Vinh Quang (Chiêm Hóa).   

Đầu đường dẫn vào thôn Vĩnh Bảo nơi ghi nhận ổ dịch đầu tiên, chốt trực tạm thời đã được dựng lên. Các lực lượng công an, quân đội, thú y ứng trực 24/24 để kiểm soát, phun thuốc khử trùng đối với tất cả người và phương tiện đi ra, đi vào vùng dịch. Do tính chất đặc biệt nghiêm trọng của dịch bệnh nên lợn thịt hay sản phẩm chế biến từ thịt lợn đều được nghiêm cấm đưa vào cũng như đưa ra khỏi thôn để hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh phát tán và lây lan.

Tại trang trại chăn nuôi của gia đình bà Nguyễn Thị Thái, ngoài 166 con lợn, hơn 1 tấn cám còn dư thừa cũng được tiêu hủy sạch sẽ để ngăn chặn các nguồn lây nhiễm bệnh ra bên ngoài. Vôi bột, thuốc khử trùng liên tục được rắc và phun để khống chế, tiêu diệt mầm bệnh trong phạm vi hộ.
Ở những hộ chăn nuôi chưa ghi nhận lợn bị mắc bệnh, người dân cảnh giác ở mức cao nhất. Trang trại chăn nuôi lợn của ông Trần Ngọc Tú cùng thôn Vĩnh Bảo, cách ổ dịch chừng 500 m luôn được trông chừng rất cẩn thận, ngoài gia chủ vào chăm sóc đàn lợn và lực lượng chức năng thì không 1 người nào được phép đến gần. Ngay cả bản thân ông  Tú khi vào cho lợn ăn, dọn chuồng trại ông đều khử trùng, mặc quần áo bảo hộ để hạn chế đến mức thấp nhất vi rút bệnh xâm nhiễm. 


Gia đình bà Nguyễn Thị Thái, thôn Vĩnh Bảo, xã Vinh Quang (Chiêm Hóa)
rắc vôi khử trùng chuồng nuôi lợn.

Khu vực chôn xác lợn mắc dịch dù được bố trí xa khu dân cư và để bảo đảm an toàn, chính quyền địa phương đã cho quây rào kín và cắm biển cảnh báo nghiêm cấm người, phương tiện không có nhiệm vụ đi vào. Ông Phạm Văn Cầu, Phó Chủ tịch UBND xã Vinh Quang chia sẻ, dịch “ập” đến bất ngờ đã khiến bà con chăn nuôi lợn không chỉ thôn có lợn bị nhiễm bệnh mà cả xã gặp khá nhiều khó khăn trong việc bảo vệ đàn lợn khỏi dịch bệnh cũng như trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Nhưng khó khăn nhất phải kể đến đời sống của các hộ dân trong vùng đã phát dịch. Theo thống kê sơ bộ tại thôn Vĩnh Bảo tổng đàn lợn đang ở mức trên 500 con, chủ yếu là lợn đến kỳ xuất chuồng và lợn nái. Hộ bị dịch bệnh xâm nhiễm vẫn còn chưa hết thẫn thờ, phần vì tiếc của, phần lo lắng vì chưa biết phải làm gì trong thời gian sắp tới. 

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi và Thú y, Tuyên Quang là tỉnh cuối cùng ở khu vực phía Bắc bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, thời tiết nóng ẩm diễn biến dịch bệnh rất phức tạp và có xu hướng lây lan nhanh sẽ gây rất nhiều khó khăn cho công tác phòng chống dịch. 


Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh lấy mẫu lợn chết không rõ nguyên nhân tại thôn Tiên Quang, xã Vinh Quang (Chiêm Hóa).

Ông Vũ Minh Thảo, Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, đơn vị đã bổ sung trên 400 lít thuốc khử trùng lên vùng dịch để hướng dẫn bà con phun khử trùng. Đồng thời, phân công cán bộ nằm vùng tại ổ dịch, vùng bị dịch uy hiếp (phạm vi 3 km xung quanh ổ dịch) để theo dõi diễn biến nếu phát hiện đàn lợn bị bệnh có triệu chứng lâm sàng của dịch không nhất thiết phải chờ có kết quả xét nghiệm cũng thực hiện tiêu hủy trong vòng 48 giờ để ngăn chặn dịch bệnh phát tán.

Hiện công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi cũng đang được đẩy lên ở mức cao nhất. Đã có thêm 2 chốt kiểm dịch động vật liên ngành được thành lập nâng tổng số lên 5 chốt được bổ sung lực lượng để bảo đảm các chốt được túc trực 24/24, kiểm soát chặt chẽ, phun thuốc khử trùng đối với các phương tiện đi vào, đi ra khỏi địa bàn. Cơ quan chức năng khuyến cáo, thời tiết âm u, độ ẩm cao, điều kiện để dịch tả lợn châu Phi phát tán trên diện rộng, người chăn nuôi cần rắc vôi, phun thuốc khử trùng. Những người đã đến vùng dịch tuyệt đối không được đến các khu chăn nuôi nếu không được bảo hộ cẩn thận; theo dõi sát diễn biến sức khỏe đàn lợn, phát hiện dấu hiệu bất thường phải báo cáo ngay với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.    

Theo: TQĐT

Tin cùng chuyên mục