Sản xuất hữu cơ: Vì sức khỏe người sản xuất và sử dụng

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã bắt đầu thực hiện trên địa bàn tỉnh từ năm 2016. Sau nhiều năm dài lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật... sản xuất hữu cơ đã trở nên cấp thiết, khi đây là mô hình mà sức khỏe người nông dân được đặt lên hàng đầu, nhờ cách thức sản xuất cân bằng hệ sinh thái, bảo vệ môi trường.

 

Năm 2019, Sơn Dương lần đầu tiên ban hành một đề án về sản xuất nông nghiệp hữu cơ và phát triển các sản phẩm nông sản hữu cơ giai đoạn 2019 - 2025. Ông Phạm Hữu Tân, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho rằng, sản xuất hữu cơ giờ đã trở thành xu hướng sản xuất của thế giới, việc bắt nhịp xu hướng này không ngoài mục đích cân bằng lại hệ sinh thái và đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất. Sau khi đề án ban hành, Sơn Dương đã lựa chọn 2 sản phẩm là chè và lúa để thử nghiệm. Trước đó, tại các khu vực này đã có thời gian hơn 1 năm canh tác chuyển đổi (bỏ hoàn toàn phân bón hóa học, một số diện tích đã áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP). 


Ông Đỗ Đình Hân, thôn 1 Minh Phú, xã Yên Phú (Hàm Yên) trồng thanh long theo hướng hữu cơ.

Tân Trào vốn đã nổi tiếng với sản phẩm gạo chất lượng cao Tân Trào. Sau nhiều năm xây dựng được thương hiệu và được khách du lịch ưa chuộng, Sơn Dương mong muốn đưa sản phẩm này nâng tầng lên một giá trị cao hơn - đó là hình thành sản phẩm gạo đặc sản hữu cơ Tân Trào. Ông Bế Xuân Tô, Giám đốc Hợp tác xã nông lâm nghiệp Tân Trào cho biết, vụ mùa này mô hình sản xuất gạo hữu cơ bắt đầu được đưa về xã và giao cho Hợp tác xã làm đầu mối để thực hiện. Mô hình này có nhiều điểm mới hơn so với sản xuất kiểu cũ: Cũng với diện tích 3,7 ha, trước đây khu ruộng này là của gần 40 hộ dân, thì giờ được dồn đổi lại, chỉ còn của 8 hộ nên việc áp dụng các tiến bộ về máy móc trong lúc làm đất, thu hoạch cũng được tốt hơn. Toàn bộ phân bón vô cơ giờ được thay thế bằng phân bón hữu cơ vi sinh và bổ sung thêm phân bón làm từ giun quế. 

Xã Tân Trào hy vọng, mô hình này sẽ góp phần nâng cao giá trị, chất lượng của sản phẩm gạo đặc sản Tân Trào và trở thành điểm nhấn trong thu hút khách du lịch trong thời gian tới đây. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sơn Dương Phạm Hữu Tân cho biết, cùng với mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại Tân Trào, vụ mùa năm 2019, Sơn Dương thực hiện đồng thời 1 mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại Minh Thanh, với 5 ha. Đối với cây chè, huyện lựa chọn 2 mô hình tại Trung Yên (3 ha) và Hợp Thành (1 ha). Theo ông Tân, để người dân có thể nắm bắt được đầy đủ quy trình sản xuất hữu cơ, từ cuối năm 2018, Sơn Dương đã phối hợp với Hội Nông nghiệp hữu cơ Tuyên Quang tổ chức tập huấn 3 tháng (kiến thức kết hợp thực hành) cho người dân các xã, thị trấn về quy trình, kỹ thuật canh tác hữu cơ, cách chế biến phân vi sinh và thuốc trừ sâu bệnh từ tỏi, ớt... Mục tiêu của huyện Sơn Dương là đến năm 2025, mỗi xã, thị trấn có ít nhất 1 mô hình sản xuất hữu cơ. Sản phẩm hữu cơ sẽ được ưu tiên xúc tiến thị trường và hỗ trợ kết nối đưa đến các siêu thị và các thị trường khó tính. Phục vụ cho mục tiêu này, trên địa bàn huyện Sơn Dương hiện đã có 1 doanh nghiệp là Công ty cổ phần Hồng Minh Landlight chuyên sản xuất các loại phân bón hữu cơ, chế phẩm vi sinh từ các loại phân chuồng, rác thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp… với 7 loại phân hữu cơ đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép lưu hành, 2 chế phẩm vi sinh đã công bố với  Bộ Khoa học và Công nghệ. 


Mô hình chè của người dân xã Trung Yên được lựa chọn là 1 trong 2 mô hình chè sản xuất hữu cơ của huyện Sơn Dương trong năm 2019.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có 17,2 ha cam sản xuất hữu cơ và một số mô hình chè, thanh long, bưởi sản xuất theo hướng hữu cơ. Anh Hoàng Đức Hùng, thôn 3, xã Tân Thành (Hàm Yên) hiện có hơn 3 ha cam trồng theo hướng hữu cơ. Toàn bộ khu vực trồng cam, anh chăm chút cho cỏ mọc tự nhiên để tạo ra một khu vườn sinh thái gần gũi tự nhiên, để chính những cây cỏ này giữ ẩm cho đất, rồi lại trở thành chất bón hữu cơ. Như thế, anh vừa không phải mất chi phí nhân công làm cỏ, vừa không phải tốn chi phí thuốc diệt cỏ. Theo anh Hùng, nếu so với trước đây thì trồng cam hữu cơ mất nhiều thời gian hơn, tỉ mẩn hơn, nhưng bù lại, cây trồng khỏe hơn và quan trọng hơn là bản thân mình cũng khỏe hơn khi hạn chế tiếp xúc với các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Với anh Hùng, đây là điều quan trọng nhất để bản thân tiếp tục duy trì, chăm sóc vườn cam của gia đình theo tiêu chuẩn hữu cơ. 

Tuy nhiên, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khó khăn hiện nay trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ chính là mọi yếu tố đầu vào, từ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học vẫn chiếm đa số. Thêm vào đó, việc phân định sản phẩm hữu cơ với sản phẩm thông thường trên thị trường vẫn chưa thực sự rõ ràng, khiến nhiều nông dân chưa thực sự yên tâm khi chuyển hướng sang hướng sản xuất mới này. Ông Phạm Hữu Tân, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Dương kỳ vọng, chỉ khi vấn đề đầu ra được đảm bảo tương xứng với công sức bỏ ra, và sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được làm tốt khâu thị trường, thì kết quả sẽ không dừng lại ở mục tiêu mỗi xã có ít nhất một mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ như đề án ban đầu. 

Theo: TQĐT

Tin cùng chuyên mục