Thực hiện đúng cam kết với người trồng mía

Cuối tháng 7 vừa qua, Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương đã hoàn thành chi trả tiền mua mía nguyên liệu cho người dân. Như vậy, sau 3 tháng kết thúc vụ ép, công ty đã thực hiện theo đúng cam kết, điều này đã củng cố niềm tin để người dân yên tâm trồng mía.

 


Cán bộ khuyến nông xã Thái Hòa (Hàm Yên) kiểm tra diện tích mía nguyên liệu tại thôn Cây Vải.

Nhận đủ 80 triệu đồng tiền bán mía nguyên liệu cho Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương, anh Phạm Hồng Thái, thôn Cây Vải, xã Thái Hòa (Hàm Yên) rất phấn khởi, tin tưởng và cam kết sẽ tiếp tục đồng hành với công ty vượt qua giai đoạn khó khăn. Anh Thái tính toán, số tiền bán mía anh sẽ dành một khoản tiết kiệm, mua sắm vật dụng trong gia đình, số còn lại tái đầu tư chăm sóc diện tích mía lưu gốc.

Theo anh Thái, gia đình anh có hơn 1 ha mía trồng trên đất soi bãi, đầu tư chăm sóc đúng kỹ thuật nên mía phát triển tốt, mỗi năm gia đình anh thu khoảng 100 tấn mía. Năm nay, giá mía rẻ hơn nhưng so với một số cây trồng khác cây mía ổn định đầu ra, vì lẽ đó anh Thái không chuyển đổi trồng cây khác mà tiếp tục ký hợp đồng trồng mía với công ty. 

Cùng thôn Cây Vải, xã Thái Hòa, gia đình anh Triệu Văn Tám cũng rất phấn khởi khi nhận đủ số tiền bán 30 tấn mía hồi đầu tháng 2 cho Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương. Công ty đã giữ đúng cam kết, thanh toán đúng, đủ trong thời gian sớm nhất. Vừa nhận tiền về anh Tám đã dành một khoản mua thêm phân bón, bón thúc cho mía. Trước đó, anh Tám đã đầu tư vốn chăm sóc diện tích mía lưu gốc. Anh Tám cho rằng, trồng mía 1 năm thu 3 năm và dù giá mía có giảm nhưng nếu chăm sóc tốt mía cho năng suất cao người trồng mía vẫn có lãi, hơn nữa đầu ra sản phẩm rất ổn định nên anh Tám và nhiều bà con trong thôn Cây Vải yên tâm gắn bó với cây mía. 

Tại xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa) hơn 300 hộ dân cũng đã nhận đủ số tiền bán mía cho Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương. Ông Triệu Quang Hải, Chủ tịch UBND xã cho biết, việc thanh toán kịp thời đã ngăn chặn được tình trạng phế canh cây mía, khích lệ bà con tiếp tục đầu tư chăm sóc cho vụ mía tới. Xã Phúc Thịnh hiện vẫn duy trì được trên 60 ha mía nguyên liệu và là xã có diện tích mía phế canh thấp nhất huyện, trong hơn 1 năm qua, diện tích mía phế canh của xã khoảng 10 ha. 

Ông Ngụy Như Tiến Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương cho biết, từ vụ ép mía 2017-2018 giá đường đã giảm sâu từ 16.000 đồng/kg xuống còn 11.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm xuống mức 10.000 đồng/kg. Dù gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh nhưng công ty vẫn thực hiện đúng cam kết, thu mua hết mía nguyên liệu trong dân và thực hiện thanh toán tiền mía nguyên liệu cho bà con trong thời gian sớm nhất. Ngày 25-7 vừa qua, công ty đã hoàn tất việc thanh toán, với tổng số tiền chi trả là 283,2 tỷ đồng, trong đó, Nhà máy đường Sơn Dương 119,6 tỷ đồng, Nhà máy đường Tuyên Quang tại xã Bình Xa (Hàm Yên) 163,6 tỷ đồng. Như vậy, sau 3 tháng kết thúc vụ ép, công ty đã thực hiện đúng cam kết, chi trả đầy đủ tiền cho người trồng mía. 

Phó tổng Giám đốc Ngụy Như Tiến Dũng cho rằng, đây là giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử của ngành sản xuất mía đường trong nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng. công ty rất cần sự chung tay giúp đỡ của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là sự chia sẻ khó khăn của người dân trong việc duy trì chăm sóc, ổn định vùng mía nguyên liệu. Thực tế, tại một số địa phương nằm trong vùng nguyên liệu ngay khi giá đường giảm xuống, bà con đã đồng loạt phế canh, khiến diện tích mía trong vùng nguyên liệu của nhà máy giảm mạnh. Hiện tại, diện tích mía nguyên liệu toàn vùng chỉ còn trên 4.000 ha, với con số này niên vụ tới chỉ đáp ứng đủ cho 1 nhà máy hoạt động. Đó là chưa kể đến tình trạng bà con “bỏ rơi” cây mía không tập trung đầu tư chăm sóc đúng kỹ thuật dẫn đến năng suất, sản lượng sụt giảm. 

Duy trì sản xuất, Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương đã tái đầu tư 34 tỷ đồng phát triển vùng nguyên liệu. Sự cố gắng, nỗ lực của công ty hy vọng sẽ nhận được sự chia sẻ, đồng hành và sự hợp tác tích cực của người trồng mía trong giai đoạn khó khăn nhất của ngành mía đường.

Theo: TQĐT

Tin cùng chuyên mục