Tích hợp đa giá trị trong sản xuất nông nghiệp

Bên cạnh việc duy trì cải thiện năng suất, sản lượng, các mô hình kinh tế trang trại huyện Hàm Yên đang chuyển đổi theo hình thức tích hợp đa giá trị. Đây được xem là hướng đi hiệu quả, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Thu nhập cao

Có mặt tại trang trại chăn nuôi, trồng trọt nằm ngay bên sườn đồi của gia đình anh Hoàng Văn Trưởng, thôn Minh Hà, xã Minh Khương, chúng tôi được anh Trưởng chia sẻ, năm 2010, ngay sau khi có kế hoạch phát triển kinh tế, gia đình anh đã cải tạo hơn 1 ha đất để trồng 300 gốc bưởi Hoàng, 140 gốc bưởi Diễn. Với quan điểm lấy ngắn nuôi dài, không để lãng phí nguồn tài nguyên đất nên anh đã xây dựng chuồng trại chăn nuôi thêm gà thả dưới tán bưởi. Nguồn phân từ gà được sử dụng để bón cho cây trồng. Anh Trưởng bảo, ban đầu ít vốn, anh chỉ nuôi 200 - 300 con/lứa.

Nhưng khó khăn nhất với gia đình anh khi đó là thiếu kinh nghiệm chăn nuôi nên gặp rủi ro vì dịch bệnh, có năm bị thua lỗ. Biết được trong hoạt động phát triển sản xuất muốn thành công thì những kỹ thuật rất quan trọng, ngoài tiếp cận các thông tin về khoa học kỹ thuật qua báo chí, truyền hình anh còn xin đăng ký theo học các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi do xã, huyện tổ chức. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Đến nay anh Trưởng đã xây dựng trang trại rộng 2,2 ha, trong đó 1,7 ha bưởi và 2 dãy chuồng nuôi 13.000 con gà/năm. Trừ chi phí, mỗi năm anh thu lãi gần 900 triệu đồng.

Vườn thanh long của gia đình anh Đỗ Văn Hưng, thôn 1 Minh Phú, xã Yên Phú (Hàm Yên) trở thành điểm "Check-in" được nhiều bạn trẻ yêu thích.

Mục sở thị vườn cây ăn quả của gia đình anh Nguyễn Văn Sơn, thôn 1 An Thạch, xã Thái Sơn (Hàm Yên), mới cảm nhận được hết những ý nghĩa của khái niệm tích hợp đa giá trị. Anh Sơn kể, trước đây anh mưu sinh với nhiều công việc khác nhau nhưng kinh tế vẫn không khấm khá lên được. Tận dụng diện tích 2 ha đất đồi của gia đình để lại, năm 2013, anh cải tạo đất trồng 400 gốc cam sành. Do vùng đất đồi cao khô hạn, để không phụ thuộc “nước trời”, anh Sơn xây dựng, lắp đặt hệ thống tưới nước thông minh để chủ động nguồn nước tưới cho cây.

Nhờ được chăm bón tốt, tuân thủ nghiêm quy trình kỹ thuật VietGAP nên cây cam sai quả, ổn định từ 70 - 75 tấn cam/năm, anh thu lãi khoảng 300 triệu đồng/năm. Năm 2017, có vốn, anh đầu tư 100 triệu đồng mua lại 2,5 ha rừng liền kề mở rộng quy mô vườn. Căn cứ vào địa hình, điều kiện thổ nhưỡng, anh Sơn quy hoạch trồng thêm 300 cây bưởi các loại, 300 gốc mận tam hoa, khu đất có độ dốc cao, anh trồng xoan lấy gỗ. Hiện cây mận cũng bước sang năm thứ 3 cho 6 tấn quả/năm, cây bưởi cũng năm thứ 2 cho khoảng 15.000 quả/năm. Thu nhập gia đình anh đạt trung bình 450 triệu đồng/năm.

Đồng chí Vũ Tất Thành, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hàm Yên cho biết, với những chính sách hỗ trợ đúng, trúng nguyện vọng của nhân dân, số trang trại của người dân huyện Hàm Yên không ngừng tăng. Hiện trên địa bàn huyện có 212 trang trại, trong đó nhiều trang trại tổng hợp, mang lại giá trị kinh tế lớn cho người nông dân, tạo vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa tập trung của huyện, như vùng cam ở các xã: Phù Lưu, Tân Thành, Yên Thuận, thị trấn Tân Yên; vùng thanh long ở xã Yên Phú; chăn nuôi lợn ở xã Thành Long, Tân Thành… Các trang trại này mang lại nguồn thu nhập hiệu quả từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng mỗi năm, giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động.

Trang trại cây ăn quả trên núi của gia đình anh Nguyễn Văn Sơn, thôn 1 An Thạch,
xã Thái Sơn (Hàm Yên) thu hút nhiều thanh niên đến trải nghiệm.

Tích hợp đa giá trị

Dù đang trong giai đoạn triển khai ý tưởng trở thành mô hình du lịch trải nghiệm vườn thanh long song trang trại của gia đình ông Đỗ Văn Hưng ở thôn 1 Minh Phú, xã Yên Phú đã bắt đầu có tiếng ở huyện. Ông Hưng cho biết, hơn chục năm trước, gia đình chủ yếu trồng cam sành. Tình cờ qua một người bạn đã trồng thành công thanh long ruột đỏ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, ông quyết định chuyển đổi sang loại cây trồng mới này. Lấy lãi tích lũy từ trồng cam những niên vụ trước, ông đầu tư trồng 7.000 trụ thanh long ruột đỏ trên diện tích 7 ha. Ông Hưng so sánh, nếu trồng cam sành, một năm chỉ cho thu một vụ nhưng trồng thanh long ruột đỏ thì được thu tới 8 lần/năm.

Sở hữu bí quyết giữ được tai quả vẫn cứng sau 18 - 20 ngày nên quả thanh long nhà ông Hưng rất được giá, có những thời điểm giá tại vườn lên tới 28 - 30 nghìn đồng/kg. Hình ảnh về một trang trại thanh long xanh mướt, ngay hàng thẳng lối, nở hoa, kết trái và chín đỏ rực quanh năm đã tạo cảm hứng để gia đình ông Hưng nghĩ đến một ý tưởng mới là kết hợp trồng trọt với làm du lịch trải nghiệm.

Nghĩ là làm, gia đình ông Hưng tự bỏ tiền làm đường bê tông cho ô tô, xe máy đi vào tận nơi, xây dựng lầu ngắm vườn thanh long từ trên cao, mắc hàng nghìn bóng điện cho các trụ cây để du khách ngắm cảnh đêm, làm đường hoa. Ông cũng dự tính xây nhà sàn, nuôi gà, vịt để phục vụ nhu cầu ăn uống của du khách… Ông Hưng bảo, du khách ở nhiều nơi về đây vãn cảnh Động Tiên rồi thăm vườn thanh long, mua quả về làm quà, chụp ảnh selfie, điều này vô tình giúp ông được hưởng lợi khi chính du khách là những người quảng bá sản phẩm thanh long của gia đình ông đến bạn bè, người thân.

 Du khách thích thú với cảnh quan vườn thanh long ruột đỏ Hưng Thịnh của gia đình ông Đỗ Văn Hưng, thôn 1 Minh Phú, xã Yên Phú (Hàm Yên).

Là sinh viên năm thứ 2 của trường Đại học FPT (Hà Nội), Nguyễn Trung Hiếu được nhà trường cho đi thực tế trải nghiệm tại trang trại thanh long Hưng Thịnh. Hiếu hào hứng cho biết, đây là lần đầu được trải nghiệm những công việc như: cắt tỉa mầm hoa, làm cỏ cho cây thanh long, được hít thở bầu không khí trong lành và chụp cho mình những bức ảnh lưu niệm thật ưng ý. Trở về, em sẽ giới thiệu cho gia đình, bạn bè thật nhiều cảnh đẹp, quả ngon ở huyện vùng cao Hàm Yên.

Theo đồng chí Ma Phúc Dự, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên, ngoài các thế mạnh về phát triển nông nghiệp, các trang trại đều có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Hiện không chỉ mô hình của nhà ông Hưng, còn có mô hình trải nghiệm vườn cam của hộ ông Trình Ngọc Huynh (thôn Km 65, xã Yên Lâm); vườn cây ăn quả tổng hợp của ông Bùi Huy Xếp (thôn Làng Soi, xã Yên Phú), hộ anh Nguyễn Văn Sơn (thôn 1 An Thạch, xã Thái Sơn), nhóm hộ Nguyễn Văn Thắng, Bùi Văn Phòng và Nguyễn Việt Phong (thôn Đồng Danh, xã Đức Ninh)... cũng đang trong giai đoạn chỉnh trang khuôn viên, trồng hoa, xây dựng các chòi dừng chân, các điểm check-in để phục vụ khách du lịch. Huyện đang có những chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện, động lực cho người dân có nhu cầu, mạnh dạn đầu tư, phát triển các sản phẩm lợi thế, góp phần hình thành các điểm du lịch trang trại, gia trại, miệt vườn… để du khách trải nghiệm, mua sắm hàng hóa.

Tận dụng lợi thế, quy hoạch đất đai phù hợp, các mô hình kinh tế trang trại tích hợp đa giá trị đang bước đầu mở ra hướng đi mới, bền vững, tăng giá trị sản xuất hơn cho người nông dân, giúp huyện sớm về đích xây dựng nông thôn mới.

Theo: TQĐT

Tin cùng chuyên mục