Tuân thủ quy hoạch để sản xuất nông nghiệp bền vững

Nhằm bảo đảm phát triển nông nghiệp ổn định, bền vững, năm 2014, UBND tỉnh đã phê duyệt một số quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp đến năm 2020. Những quy hoạch này được xem là lời giải cho bài toán “được mùa mất giá, mất mùa được giá” đeo đẳng người nông dân lâu nay.

 

Đảm bảo đủ lượng và chất

Quy hoạch phát triển chăn nuôi tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2012 - 2020 được UBND tỉnh phê duyệt ngày 14-6-2014. Theo quy hoạch này, đàn trâu được ưu tiên phát triển tại khu vực Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên và đàn bò được ưu tiên phát triển tại Yên Sơn, Sơn Dương. Trong đó, mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh có trên 122 nghìn con trâu, trên 27 nghìn con bò...


Vùng chè Làng Bát, xã Tân Thành (Hàm Yên) nằm trong quy hoạch phát triển cây chè của tỉnh. 

Sau 5 năm, trên địa bàn tỉnh đã hình thành vùng chăn nuôi đàn đại gia súc tuân thủ chặt chẽ quy hoạch đã phê duyệt. Tổng đàn đại gia súc trên địa bàn tỉnh hiện đạt trên 141 nghìn con, trong đó, tổng đàn trâu là gần 102 nghìn con, đàn bò trên 35,6 nghìn con, trong đó có trên 4 nghìn con bò sữa. Mặc dù số lượng đàn trâu có giảm so với 5 năm trước đây (giảm khoảng 8 nghìn con), nhưng sản lượng thịt hơi lại tăng. Riêng đối với đàn bò tăng mạnh cả về số lượng và sản phẩm, tăng hơn 18% so với năm 2015. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, điều này cho thấy việc chăn nuôi đại gia súc trên địa bàn tỉnh hiện đang chuyển dịch dần theo hướng sản xuất hàng hóa và ngày càng được người nông dân chú trọng về chất lượng sản phẩm. Để chủ động nguồn thức ăn, các địa phương cũng đã trồng trên 4 nghìn ha cỏ voi, VA06, Ghine, ngô dầy... làm thức ăn, với sản lượng tương ứng trên 39,5 nghìn tấn. 

Phát triển đàn đại gia súc theo quy hoạch, tỉnh cũng hình thành các chuỗi liên kết chăn nuôi bền vững. Đối với đàn trâu, bò, hiện Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Tiến Thành đang tham gia liên kết với 17 hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh. 

Riêng đàn bò sữa, tỉnh cũng thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia như Công ty chăn nuôi bò sữa kỹ thuật cao Hồ Toản, Công ty Bò sữa Việt Nam, Công ty TNHH Sữa Việt Nam Future Milk. 

Thực hiện Quy hoạch phát triển thủy sản tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2035, tỉnh cũng đã hình thành được vùng nuôi trồng thủy sản đáp ứng đủ số lượng và chất lượng. Giữa năm 2019, trong báo cáo đánh giá 3 năm tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt 11.000 ha, môi trường thuận lợi để nuôi một số loài cá đặc sản như dầm xanh, chiên, bỗng, lăng; sản lượng thủy sản trên 8.000 tấn, trong đó sản lượng cá đặc sản trên 480 tấn, sản lượng nuôi theo quy trình VietGAP 125,63 tấn. Trên địa bàn tỉnh hiện có 2 cơ sở nuôi trồng thủy sản, thực hiện kiểm soát theo chuỗi, được Bộ Nông nghiệp và PTNT đưa vào danh sách địa chỉ xanh cung cấp thực phẩm sạch. Giá trị sản xuất thủy sản đạt 236,6 tỷ đồng, tỷ trọng giá trị cá đặc sản/tổng giá trị sản phẩm thủy sản chiếm 15,93%.

Vẫn thiếu công nghiệp chế biến

Tuyên Quang hiện đã hoàn thiện hầu hết các quy hoạch, từ quy hoạch thủy sản, quy hoạch chăn nuôi, quy hoạch trồng trọt, quy hoạch thủy sản, quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng… Đánh giá của ngành nông nghiệp, việc tuân thủ các quy hoạch này được các địa phương thực hiện tương đối nghiêm ngặt, chặt chẽ, hạn chế tối đa tình trạng nuôi trồng phá rào quy hoạch. Các quy hoạch này đều chỉ rõ, việc hình thành các vùng chuyên canh nuôi, trồng phải gắn liền với việc thu hút các doanh nghiệp chế biến sản phẩm. Thế nhưng, nhìn từ thực tế, số lượng các dự án, nhà máy chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh chưa tương xứng với sản lượng thực tế của sản phẩm.  

Cuối năm 2017, đầu năm 2018, tổng đàn lợn của tỉnh đạt gần 600 nghìn con, nhưng thị trường hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào xuất khẩu tiểu ngạch sang phía Trung Quốc. Khi thị trường này bão hòa, giá lợn hơi “lao dốc”, người chăn nuôi nhiều nơi phá sản. Giữa năm 2019, thị trường này một lần nữa rơi vào khủng hoảng khi dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào tỉnh và gây ra hậu quả nặng nề. Để giải cứu người chăn nuôi, giải pháp của ngành nông nghiệp là xây dựng một số cửa hàng tiêu thụ bình ổn giá lợn do Trung tâm Khuyến nông thực hiện (thời điểm giá lợn hơi lao dốc) và … khuyến cáo người tiêu dùng không quay lưng với thịt lợn sạch (khi xuất hiện dịch tả lợn châu Phi). 

Thời điểm này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có đề xuất tiến hành cấp đông cũng như kêu gọi các doanh nghiệp chế biến thu mua lợn của người dân để dự trữ. Thế nhưng, giải pháp được cho là sẽ “giải cứu” nhanh người chăn nuôi này lại không thể thực hiện. Nguyên nhân, do số doanh nghiệp có kho lạnh cũng như doanh nghiệp chế biến quá ít ỏi không đủ để giải quyết lượng lợn hơi còn tồn. Ngay cả một doanh nghiệp từng có thời điểm mở cửa hàng bán thịt lợn sạch như Công ty TNHH Thành Trung Tuyên Quang cũng buộc phải kêu gọi “giải cứu” đàn lợn hơi từ các tiểu thương và người tiêu dùng. 

Để nông nghiệp phát triển bền vững phải giải quyết được các bài toán về sản xuất, chế biến và thị trường. Tiếc rằng, hiện nay mới chỉ làm khá tốt khâu sản xuất, còn thị trường và đặc biệt là chế biến thì còn rất yếu. Công nghiệp chế biến không chỉ giúp đa dạng hóa các mặt hàng nông sản thay vì xuất thô, từ đó nâng cao giá trị mà còn có thể là “cứu cánh” cho nông sản khi cung lớn hơn cầu. 

Tuyên Quang là địa phương có nhiều mặt hàng nông sản có sản lượng lớn so với khu vực và cả nước. Tuy nhiên, công nghiệp chế biến các mặt hàng này vẫn khiêm tốn. Toàn tỉnh hiện có 25 nhà máy, cơ sở chế biến lớn của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông, lâm thủy sản. Trong đó có 4 doanh nghiệp chế biến lâm sản, 12 doanh nghiệp chế biến chè, 2 nhà máy chế biến đường, 5 doanh nghiệp chế biến sữa, thức ăn chăn nuôi và 2 doanh nghiệp chế biến nông sản. Trong tổng số trên 17 nghìn cơ sở ngành nghề nông thôn, cũng có rất ít cơ sở chế biến nông sản. Trong khi những nông sản có sản lượng lớn, như cam, lạc lại hầu như không có mặt doanh nghiệp chế biến nào.  

Để người nông dân thực sự sống được trên mảnh đất của mình, ngoài việc quy hoạch chặt chẽ, cần tính đến việc thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào lĩnh vực chế biến. Có như vậy, sản xuất nông nghiệp mới thực sự bền vững, hiệu quả.

Theo: TQĐT

Tin cùng chuyên mục