Tỷ phú vườn, rừng ở Thái Sơn

Ông Đinh Văn Dùng, thôn 31, xã Thái Sơn (Hàm Yên) cười khi chúng tôi hỏi tuổi ông. Ông bảo, không mấy người đến chơi nhà đoán trúng tuổi mình, bởi nhìn ông, nét khắc khổ in hằn trong từng nếp nhăn biến gương mặt của người đàn ông 54 tuổi này thành 70 tuổi. Ở tuổi của ông có người vẫn được chào bằng anh, nhưng nhìn thấy ông người ta chào bằng ông, “nhưng thôi - ông bảo - nông dân mà, cứ mượt mà, sáng láng thì làm gì mà giống nông dân nữa”.

Trở thành “nông dân lớn”

Nhưng ông Đinh Văn Dùng không hẳn là nông dân. Ông tự nhận mình là “nông dân nửa mùa”. Ông lý giải, mình có một đại lý xe máy nằm ngay km 29, thuộc thôn 2 - địa điểm được mệnh danh là sầm uất bậc nhất khu vực Thái Sơn, cũng là đại lý xe máy lớn nhất nhì khu vực này. Nghề này theo ông từ những năm 90 của thế kỷ trước. Bán xe máy, rồi làm quặng, làm gỗ… nguồn thu từ những nghề này đủ dư dả để ông tạo dựng cơ nghiệp cho 2 đứa con theo cách tốt nhất. 

Là chủ đại lý xe máy, nhưng ngày vắng khách, ông lại lang thang xách xe máy đến những nhà làm vườn, trồng cam trong xã để… ngắm. Ông bảo, chẳng hiểu sao, mình yêu cái nghề làm vườn này kinh khủng, lúc nào cũng chỉ ước có một mảnh vườn con con để trồng ít hoa quả, nuôi vài chục con gà để thỏa niềm yêu thích.  


Vườn cam Vinh của ông Đinh Văn Dùng.

Ước mơ thành sự thật, khi 2 người con lập gia đình, vợ chồng ông rủ nhau tìm mua đất làm trang trại để… dưỡng già. Ông tìm mua được một mảnh vườn ở thôn 31. Gọi là mảnh, nhưng diện tích cũng ngót nghét 4 ha. Ông Dùng cười, “như thế mới thỏa mong ước được làm nông dân bấy lâu của mình chứ!”.

Gọi là dưỡng già, nhưng ông bảo, tuổi mình mà ngồi nghỉ ngơi thì có lỗi với chính mình, nên ông nghĩ ra nuôi ít gà, trồng ít cam để có việc đi ra đi vào. Thế mà ham lúc nào không hay. Cả tuần ông quanh quẩn với đàn gà không về nhà. Ông bảo, làm rồi mới biết, cái “máu” làm nông dân của mình hóa ra nhiều hơn cái “máu” làm giàu. Nhưng làm nông dân lại không thể làm bừa theo kiểu không tính toán gì. Thế là ông bắt tay vào vạch vẽ đường đi nước bước. Ông chia trang trại của mình thành từng khu vực: Khu làm chuồng nuôi chim bồ câu, khu nuôi gà thả vườn, khu trồng cam, khu trồng rừng… Thiếu người thì ông về các xã vùng cao tìm người về ở lại, trông nom và trả lương theo năm. Cứ luôn chân luôn tay, cuốn theo từng mùa từng vụ, từ một “thương nhân nhỏ”, ông Đinh Văn Dùng trở thành một “nông dân lớn” từ lúc nào không hay. 

Thu tiền tỷ

4 ha vườn mua lúc đầu ông Đinh Văn Dùng để trồng cam Vinh, nuôi gà và chim bồ câu. Năm 2017, ông dồn tiền mua thêm 40 ha đất ở Thành Long (Hàm Yên) và Quý Quân (Yên Sơn). Trong đó, riêng đất trồng rừng là 30 ha, đất trồng cây ăn quả là 10 ha. Tại các trang trại này, ông nuôi thêm trâu bò vỗ béo, gà thả vườn, những ngày cuối năm thì chuyển sang nuôi gà thiến bán riêng vào dịp Tết. Ông tính toán, mỗi trang trại đều có ít nhất 2 người làm, đất rộng thì ông thả gà, cỏ cắt từ các vườn cam thì ông để dành nuôi trâu. Ông bảo, riêng gà mỗi lứa ông xuất bán từ 6-7 tấn, giá trung bình 90-100 nghìn đồng/kg. Mỗi năm nuôi túc tắc cũng xuất bán được 4 lứa gà. Năm nay, ông Dùng có hơn 20 ha rừng đến tuổi khai thác, tính nhanh ông cũng thu về 1,4 - 1,5 tỷ đồng. Rồi tiền bán chim bồ câu, mỗi tháng xấp xỉ 12 - 13 triệu đồng; cam Vinh mỗi vụ cũng thu khoảng 200 tấn quả… Từ mong ước được mở trang trại dưỡng già, giờ nguồn thu từ đồng đất này đã giúp ông chủ Đinh Văn Dùng vươn lên thành tỷ phú. 

Ông Đinh Văn Dùng tự nhận mình là người duy mỹ, khi trang trại nào ngoài tính hiệu quả ông cũng tính đến thẩm mỹ: Địa thế đẹp, đất bằng phẳng, quy hoạch khu vực trồng trọt, chăn nuôi hợp lý, hiệu quả… Ông bảo, mình phải “ngay ngắn” ngay từ lúc bắt tay vào đầu tư thì mọi việc sau đó mới thuận buồm xuôi gió được. Rồi ông khoe, riêng trang trại ở thôn 31, xã Thái Sơn đã có người đến đặt vấn đề mua lại với giá 7 tỷ đồng, nhưng ông bảo bao giờ “lỗ” mới tính đến chuyện bán trác, còn giờ mọi việc vẫn đâu vào đấy, nên mình cứ ung dung hưởng thành quả đã. 

Khi mua đất tại Quý Quân, Thành Long, ông Đinh Văn Dùng đều bỏ tiền hỗ trợ bà con làm đường bê tông. Mới đây, khi Nhà nước có chủ trương hỗ trợ xi măng để làm 100 mét đường vào thôn Phúc Long 3, ông hỗ trợ bà con hơn 20 triệu đồng để mua cát sỏi. Ông bảo, bà con có đường đi lại sạch sẽ, mình cũng thuận lợi hơn khi vào thăm vườn thăm đồi… Cho đi thì mới mong được nhận lại chứ, ông bảo thế.

Theo: TQĐT

Tin cùng chuyên mục