Xúc tiến tiêu thụ cam sành cuối vụ

Vụ cam 2020 - 2021, huyện Hàm Yên đạt sản lượng khoảng 75 - 80 nghìn tấn. Hiện tại, các nhà vườn mới thu hoạch được khoảng trên 65 nghìn tấn. Lượng cam sành cuối vụ chưa được thu hoạch còn lại khá lớn, do đó huyện đang tìm mọi giải pháp để tiêu thụ cam còn cho bà con.

 

Nguyên nhân sản lượng cam cuối vụ còn nhiều là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhất là ở một số thị trường tiêu thụ cam rất lớn cho Hàm Yên như Hải Dương, Quảng Ninh và thành phố Hà Nội. Thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, nhiều trang trại, nhà vườn có tâm lý giữ giá khiến sản lượng cam đến thời điểm này còn khá lớn, giá cam giảm sâu.

Vườn cam 5 ha của ông Mai Văn Đàm, thôn Nắc Con, xã  Yên Lâm (Hàm Yên) đã chín đỏ nhưng ông mới thu hoạch được khoảng 30% sản lượng. Ông Đàm chia sẻ, những năm trước cam cuối vụ rất được giá, điển hình như vụ cam năm 2017 - 2018 giá bán cam tại vườn từ 15.000 - 18.000 đồng/kg, vụ cam 2019 - 2020 rẻ nhất cũng được 9.000 - 10.000 đồng/kg nhưng đến năm nay đã xuống chỉ còn có 4.000 - 5.000 đồng tại vườn. Ông Đàm bảo, với giá như vậy tiền công thuê cắt mất 1.000 đồng/kg, ông chỉ còn được 3.000 đồng/kg, trừ chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sẽ không còn đồng công  nào, chưa nói đến lời lãi.

Cam sành Hàm Yên được bán tại Hội chợ OCOP Tuyên Quang 2021 và Công bố chỉ dẫn địa lý
Cam sành Hàm Yên.  Ảnh: Cảnh Trực

Các vườn cam sản xuất theo quy trình VietGap của người dân tổ dân phố Đồng Bàng, thị trấn Tân Yên (Hàm Yên) cũng chịu cảnh tương tự. Cam chín đỏ vườn nhưng cũng chỉ lác đác các đơn hàng nhỏ lẻ 1 - 2 tạ. Ông Nguyễn Trọng Lịch, tổ dân phố Đồng Bàng cho biết, gia đình ông có 2 ha cam, ước tính sản lượng đạt 30 tấn, tuy nhiên suốt từ tháng 11-2020 đến nay, gia đình mới chỉ thu hoạch được 10 tấn, hiện còn khoảng 20 tấn cam vẫn treo trên cây. Lo ngại cam rụng sẽ tổn thất, ông Lịch nhận tất cả các đơn hàng từ mua chọn, đến mua xô, được giá là bán. Theo ông Lịch, thu hoạch nhỏ giọt như hiện nay, sẽ ảnh hưởng xấu đến quá trình phục hồi, ra hoa của cam vụ sau nhưng cũng không còn cách nào khác bởi nếu cố giữ cam chín, gặp thời tiết nồm ẩm trút xuống còn xót xa hơn nhiều.

Ông Đỗ Tiến Thành, Bí thư Chi bộ tổ dân phố Đồng Bàng cho rằng, sản lượng cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của tổ vẫn còn khá lớn, ước đạt khoảng 150 tấn.

Trước thực trạng cam cuối vụ còn tương đối lớn, UBND huyện Hàm Yên yêu cầu Công ty Cam sành Hàm Yên, các hợp tác xã dịch vụ mở rộng thị trường tiêu thụ cam về các chợ đầu mối, siêu thị tại các thành phố lớn. Huyện cũng khuyến khích các tổ chức, cá nhân trên địa bàn đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm cam sành trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội Facebook, Zalo, Youtube để kết nối tìm kiếm thị trường tiêu thụ cam sành. UBND huyện phối hợp với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành Công thương tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại tiêu thụ cam. Trong tháng 1 vừa qua, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh đã kết nối thành công và ký biên bản ghi nhớ đôi bên giữa Công ty cổ phần Cam sành Hàm Yên và hệ thống Siêu thị Vinmart tại Hà Nội và Hợp tác xã Phong Lưu, xã Phù Lưu với Siêu thị BigC Hà Nội để tiêu thụ cam sành.

Người dân tổ dân phố Đồng Bàng, thị trấn Tân Yên (Hàm Yên) thu hoạch cam cuối vụ.

Ông Nguyễn Duy Kiên, Giám đốc Kinh doanh, Công ty cổ phần Cam sành Hàm Yên cho biết, theo hợp đồng trung bình mỗi ngày công ty cung ứng từ 5 - 7 tấn cam sành VietGAP vào hệ thống Siêu thị Vinmart.

Ông Nông Văn Nghiệp, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Phong Lưu, xã Phù Lưu (Hàm Yên) khẳng định, hiện tại HTX duy trì cung ứng 10 tấn cam vào thị trường Hà Nội, trong đó có 5 tấn vào siêu thị Big C và 5 tấn vào chợ đầu mối Long Biên. Ông Nghiệp cam kết, tiêu thụ hết sản lượng cam trên đất Phù Lưu, HTX sẽ chuyển sang các xã Yên Lâm, Bạch Xa những vùng có chất lượng cam tốt để tiêu thụ cam cho bà con.

Ông Phạm Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm cây ăn quả Hàm Yên mong muốn, bên cạnh sự vào cuộc của huyện và ngành liên quan, các thương lái, người tiêu dùng thay vì kinh doanh, sử dụng sản phẩm hoa quả nhập khẩu, ưu tiên lựa chọn sản phẩm cam sành Hàm Yên; người trồng cam cũng chủ động liên kết tìm kiếm bạn hàng để tiêu thụ, tuyệt đối găm hàng đợi giá. Bởi điều này sẽ làm giảm chất lượng cũng như giá trị cam.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm cam sành Hàm Yên, các địa phương, đặc biệt là người trồng cam phải sớm tính toán, có kế hoạch đầu tư sản xuất bài bản, thay vì chạy theo sản lượng, năng suất, cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm. Thực tế qua kiểm tra tại các trang trại, nhà vườn trồng cam, tỷ lệ cam loại A, tức cam đạt đủ 2 tiêu chuẩn mẫu mã và chất lượng không nhiều, khiến cho sức cạnh tranh của cam bị giảm sút. Cùng với đó, các nhà vườn cũng cần bổ sung các loại giống cam mới có chất lượng cao vào trồng để rải vụ, đa dạng hóa sản phẩm cam; mở rộng diện tích cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, bảo đảm không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng cam Hàm Yên. 

Theo: TQĐT

Tin cùng chuyên mục