Yên Phú chuyển mình

Người dân ở xã Yên Phú (Hàm Yên) từ bao đời nay vẫn luôn tự hào về cái tên Yên Phú bởi họ cho rằng cái tên ấy do các cụ xa xưa để lại tượng trưng cho khát vọng bình yên và trù phú cho đời đời con cháu. Cũng vì khát vọng ấy mà người dân Yên Phú luôn nỗ lực vươn lên làm giàu, xây dựng nông thôn mới. Yên Phú đang chuyển mình mạnh mẽ, từng bước trở thành mảnh đất trù phú.

Năng động chuyển dịch cơ cấu cây trồng

Nhiều mô hình cây ăn quả, cây màu ra tấm ra món đã hình thành khắp các thôn ở Yên Phú. Theo Chủ tịch UBND xã Yên Phú Vũ Văn Sỹ, hiện toàn xã có 26 trang trại tổng hợp đã được chứng nhận và có khoảng trên 30 mô hình trồng cây ăn quả, cà chua, dưa chuột cho thu lãi hàng trăm triệu đồng trở lên mỗi năm.

Nếu như trước năm 2020, Yên Phú có 217 ha đất nông nghiệp trồng hai vụ lúa thì nay nhờ năng động chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng những loại cây có giá trị  kinh tế cao hơn, đất lúa đã được thay thế bằng nhiều loại cây trồng có giá trị cao hơn như cây phật thủ, thanh long đỏ, táo, cam sành, cà chua, dưa chuột, chanh tứ thì. Toàn xã hiện có 167 ha cây ăn quả và cây màu các loại.

Nhờ phát triển những loại cây có giá trị kinh tế cao, tỷ lệ hộ nghèo ở Yên Phú đã giảm đáng kể, đến nay chỉ còn 12,74% theo tiêu chí đa chiều. Thu nhập bình quân đầu người từ 39 triệu đồng/ người/năm (2021) đến nay đã tăng lên 41,2 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ gia đình ở nhà xây kiên cố đạt gần 90%. Cuộc sống của người nông dân ở đây đã nâng lên đáng kể.

Mô hình trồng cà chua thu nhập trên 300 triệu đồng/vụ của gia đình anh Nguyễn Văn Bách, thôn Làng Soi.

Đưa tôi đến tham quan mô hình làm kinh tế của gia đình anh Nguyễn Văn Bách, thôn Làng Soi, Chủ tịch UBND xã Vũ Văn Sỹ bảo: “Anh Bách là một nông dân chính hiệu bởi, anh luôn là người đi đầu trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Loại cây nào có giá trị kinh tế cao là anh làm”. Quả đúng như vậy, từ hàng trăm cây chanh tứ thì không cho giá trị cao nữa, anh Bách phá bỏ để chuyển sang trồng bí xanh. Mỗi năm bình quân anh thu 30 tấn bí xanh, thu lãi 200 triệu đồng/năm. Nhưng không dừng lại ở đó, anh tận dụng thời gian trước khi trồng bí để trồng 1 ha cà chua, ước tính một vụ cà chua, anh thu 20 tấn quả, với giá bán từ 15 đến 18.000 đồng/kg cà chua, anh Bách thu nhập trên 300 triệu đồng/vụ. Ngoài ra, anh Bách còn trồng 400 gốc mít Thái, anh đã thu hoạch 2 vụ mít Thái, mỗi vụ thu lãi 100 triệu đồng.

Những năm qua, nhận thấy tiềm năng phát triển cây ăn quả và cây màu, chính quyền xã đã triển khai hiệu quả nhiều nghị quyết, cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh về với người dân. Toàn xã hiện có 36 hộ được hỗ trợ theo Nghị quyết số 03 của HĐND tỉnh để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới với số tiền 6,8 tỷ đồng.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể

Yên Phú là địa phương phát triển mạnh kinh tế tập thể, từ đó tạo ra hiệu quả trong liên kết sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân. Hiện nay, xã Yên Phú có 3 hợp tác xã là Hợp tác xã Nông nghiệp Yên Phú, Hợp tác xã táo Động Tiên, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp sạch Minh Phú. Bên cạnh đó, xã còn hình thành 3 tổ hợp tác trồng táo, trồng thanh long đỏ và trồng chè với hàng trăm thành viên tham gia. Từ những mô hình hợp tác xã và tổ hợp tác này đã hình thành, nhân rộng các mô hình trồng cây ăn quả theo hướng VietGap. Yên Phú hiện có 47,2 ha cam và thanh long đỏ được trồng theo hướng VietGap.

Chị Hoàng Thị Ánh, thôn Làng Soi là thành viên của tổ hợp tác trồng, chăm sóc cam sành theo hướng VietGap. Được tham gia tổ hợp tác, gia đình chị đã chuyển toàn bộ diện tích trồng cam sành theo phương pháp thông thường sang trồng cam theo hướng VietGap để vừa cho sản phẩm cam an toàn ra thị trường vừa tận dụng để phát triển du lịch miệt vườn.

Mô hình trồng cam theo hướng VietGap của chị Hoàng Thị Ánh, thôn Làng Soi.

Chị Ánh bảo: “Từ khi tham gia tổ hợp tác, mình được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng cây ăn quả, mở mang cái đầu ra nhiều lắm!”. Từ trồng cam VietGap trên diện tích 3 ha, nuôi cá, trồng táo, thanh long đỏ và làm du lịch, đón khách tham quan, trải nghiệm đồi cam, mỗi năm gia đình chị thu lãi trên 300 triệu đồng.

Theo Chủ tịch UBND xã Vũ Văn Sỹ, việc thành lập các hợp tác xã và tổ hợp tác nông nghiệp trên địa bàn xã đã tạo ra sự năng động, dám nghĩ, dám làm, thúc đẩy sự liên kết giữa các hộ gia đình trong phát triển kinh tế, từng bước hình thành vùng chuyên canh cây ăn quả, cây màu và đảm bảo khâu bao tiêu sản phẩm.

Đóng góp chủ lực xây dựng nông thôn mới

Kinh tế phát triển, đời sống và thu nhập của người dân trong xã được nâng cao. Từ đó đã đóng góp tích cực và chủ lực trong xây dựng nông thôn mới. Năm 2022, Yên Phú đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và đang chờ được phê duyệt.

Trong xây dựng hạ tầng nông thôn như đường trục xã, trục thôn, nội đồng, kênh mương, nhà văn hóa, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước là nguồn đối ứng, đóng góp rất lớn của nhân dân. Nhiều tuyến đường trục thôn do nhân dân hiến đất, đóng góp tiền để thực hiện. Chỉ trong năm 2022, Yên Phú đã hoàn thành bê tông hóa gần 2 km đường trục thôn, trên 5 km đường ngõ xóm, 1,2 km đường trục xã. Đến nay, xã đã kiên cố hóa trên 83% kênh mương nội đồng và 66% đường giao thông nội đồng. Đặc biệt, trong năm 2022, toàn xã có 5 nhà văn hóa thôn xuống cấp đã được chỉnh trang, nâng cấp, trong đó, mỗi nhà văn hóa, nhân dân đóng góp 150 triệu đồng.

Con đường bê tông dài trên 1km đưa chúng tôi vào thôn 1 Minh Phú vừa mới hoàn thành cuối năm 2022 rộng tới 5 mét. Để hoàn thành tuyến đường này, hàng chục hộ dân trong thôn đã hiến hơn 1 nghìn m2 đất vườn, đất đồi, đất trồng cây ăn quả để thôn mở rộng, nắn tuyến. Giờ đây, ô tô có thể vào tận thôn để thu mua nông sản, người dân có hàng hóa không sợ bị thương lái ép giá vì đường sá đi lại khó khăn nữa.

Về Yên Phú hôm nay mới thấy bức tranh nông thôn mới đã thực sự mang lại khởi sắc. Những vườn cam đã được thu hái đang ra hoa, những vườn táo đã được đốn tỉa để chuẩn bị cho vụ mới, vụ nối vụ, ấm no hiện hữu…

Theo: TQĐT

Tin cùng chuyên mục