Xử lý nghiêm các trường hợp tung tin không đúng về tình hình dịch cúm Corona gây hoang mang trong cộng đồng

Tình hình nạn dịch viêm phổi virus Corona Vũ Hán (Trung Quốc) đang diễn biến phức tạp, các nguồn thông tin về dịch bệnh này xuất hiện hầu như trên khắp các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là trên các trang mạng xã hội.

Tuy nhiên, có những thông tin thất thiệt về dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona xuất hiện tại một số địa phương đang gây hoang mang cho người dân. Chính vì thế, song hành với nỗ lực phòng tránh, ngăn chặn và dập dịch, các thông tin về virus Corona đưa không đúng sự thật, gây nhũng loạn, hoang mang dư luận cũng được các cơ quan quản lý xử lí một cách quyết liệt.

Thời gian qua, có nhiều tài khoản facebook đã đăng tin không đúng sự thật về tình hình dịch cúm Corona xuất hiện tại Việt Nam đã thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng xã hội, gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng đến đời sống của người dân địa phương. Các cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra, yêu cầu các chủ tài khoản facebook lên làm việc gỡ bỏ các thông tin sai lệch và có những biện pháp răn đe, giáo dục.

Để chủ động phòng chống dịch, ngày 28/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an có trách nhiệm tổ chức xác minh và xử lý nghiêm các trường hợp tung tin không đúng về tình hình dịch, gây hoang mang trong cộng đồng. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan truyền thông đăng tải các bản tin về tình hình dịch chính xác, kịp thời và các biện pháp để người dân chủ động phòng, chống dịch, không hoang mang lo lắng, phối hợp với ngành y tế phòng, chống dịch hiệu quả.

Tin giả, tin nhiễu không chỉ gây tình trạng hoang mang trong cộng đồng, mà còn gieo nỗi sợ hãi cho xã hội, tạo kích động trong cộng đồng mạng. Dưới góc độ pháp lý, trong quá trình điều tra xác minh, nếu cơ quan chức năng có căn cứ xác định người tung tin thất thiệt nhằm gây thiệt hại tài sản cho tổ chức, doanh nghiệp hay cá nhân, thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự người đó về hành vi Vu khống, quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự với mức phạt tù cao nhất 7 năm. Người có hành vi thông tin sai sự thật gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Khoản 1, Điều 288 Bộ luật Hình sự về tội Đưa hoặc sử dụng trái phép mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet với mức phạt tù lên đến 3 năm.

Khoản 3, Điều 64 Nghị định 174/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện quy định, trường hợp phao tin đồn sai sự thật nhằm xuyên tạc, câu like hoặc phục vụ cho mục đích kinh doanh qua mạng,... thì người đăng tin sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền 20 - 30 triệu đồng đối với tổ chức, 10 - 15 triệu đồng đối với cá nhân.

Điều 8, Luật An ninh mạng cũng nghiêm cấm hành vi đưa thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại đến hoạt động kinh tế xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Còn nếu xác định tin đồn sai sự thật nhưng chưa đến mức nguy hiểm cho xã hội, không xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác và chưa ảnh hưởng lớn đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì người tung tin sẽ bị xử phạt hành chính.

Để hạn chế việc đưa thông tin sai sự thật lên mạng xã hội, hiểu đúng, hiểu đủ về công tác kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virut nCoV gây ra thì các cơ quan, đơn vị, chủ động đưa tin chính xác về tình hình dịch bệnh cùng những khuyến cáo cần thiết để người dân không hoang mang lo lắng và chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh khi cần thiết theo khuyến cáo của ngành Y tế.

Bên cạnh đó, mỗi người dân trên địa bàn huyện cần nâng cao trách nhiệm với những thông tin do mình đăng tải, chia sẻ lên môi trường mạng; cảnh giác, chọn lọc thông tin, không nên chia sẻ những thông tin chưa được xác thực, thiếu cơ sở; tiếp cận và chia sẻ thông tin từ các nguồn tin chính thống.

Trường hợp người dân phát hiện có tin đồn thất thiệt về dịch bệnh Corona thì thông báo ngay đến cơ quan Công an nơi xảy ra vụ việc để có biện pháp xử lý kịp thời./.

PV

Tin cùng chuyên mục