Áp lực Trump - Tập đối mặt trong chiến tranh thương mại

Trump cần lấy lòng cử tri để nâng cơ hội tái đắc cử, còn ông Tập cần "chữa lành" vết thương chiến tranh thương mại gây ra với kinh tế Trung Quốc.

 

Tổng thống Mỹ Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh năm 2017. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh năm 2017. Ảnh: Reuters.

Trong nhiều thập kỷ, công ty Jasco Products ở Oklahoma, Mỹ đã thuê các nhà máy Trung Quốc gia công chuông cửa, đèn chiếu sáng và ổn áp. Nhưng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung trong năm qua đã khiến họ và hàng nghìn công ty, cả Mỹ và Trung Quốc, lo lắng.

Sau cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 cuối tháng trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hoãn kế hoạch áp thuế 25% với 300 tỷ USD hàng Trung Quốc và nối lại đàm phán thương mại, nhưng mức thuế 25% áp với hơn 200 tỷ USD sản phẩm Trung Quốc vẫn giữ nguyên.

Giới chuyên gia cảnh báo cuộc đấu giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có khả năng đẩy nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái nếu leo thang hơn nữa. Vì vậy, Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập đều đang phải đối mặt với áp lực gia tăng trong nước, thúc giục hai ông đưa ra giải pháp nhanh chóng cho vấn đề thương mại. Nhiều người lo ngại tình hình "đình chiến" có thể không kéo dài lâu vì ông Trump là người khó đoán.

Trump không thể ký một thỏa thuận thương mại bị người Mỹ coi là nhượng bộ Trung Quốc vì điều đó sẽ khiến các đối thủ chính trị có cớ công kích ông. Trong khi đó, ông Tập cũng không thể đồng ý với một thỏa thuận bị công chúng trong nước coi là không công bằng.

Tuy nhiên, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 đang đến gần và các tổn thương người Mỹ gánh chịu do chiến tranh thương mại có thể là rảo cản cho nỗ lực ở lại Nhà Trắng của Trump.

Tăng thuế đối với hàng tiêu dùng sẽ làm tăng lạm phát và nếu đồng nhân dân tệ không giảm giá trị, các nhà nhập khẩu Mỹ sẽ phải chịu chi phí cao hơn. Họ sẽ bản sản phẩm với giá cao hơn, khiến người tiêu dùng lĩnh hậu quả.

Trade Partnership, công ty nghiên cứu và tư vấn ở Washington, cho biết trong một báo cáo hồi tháng 6 rằng nếu các mặt hàng tiêu dùng phổ biến, bao gồm quần áo, đồ chơi và tivi, bị áp thuế 25%, hàng tỷ USD sẽ "bốc hơi" khỏi nền kinh tế Mỹ.

Theo ước tính, mức thuế 25% sẽ khiến giá bán các sản phẩm may mặc do Trung Quốc sản xuất ở thị trường Mỹ sẽ tăng 5%, khiến sức mua giảm 11% và kinh tế Mỹ mất khoảng 2,2 tỷ USD.

Rủi ro đối với Jasco khá cao vì 95% sản phẩm của công ty được gia công tại Trung Quốc rồi sau đó chuyển đến cho các nhà bán lẻ lớn nhất của Mỹ. Jasco, công ty sử dụng 400 nhân công ở Mỹ, tuần trước nói rằng họ sẽ buộc phải cắt giảm việc làm, loại bỏ các ưu đãi chia sẻ lợi nhuận cho nhân viên và giảm đáng kể số tiền quyên góp hàng năm cho hơn 100 tổ chức từ thiện nếu chính quyền Trump áp thuế với hầu hết hàng Trung Quốc. Họ đã phải hủy kế hoạch mở rộng sản xuất do chiến tranh thương mại.

Cử tri có thể quay lưng với Trump nếu giá tiêu dùng tăng cao. Vì vậy, ông chủ Nhà Trắng muốn giữ cho nền kinh tế êm đẹp trước thời điểm bầu cử. "Điều quan trọng nhất đối với Trump trong mùa bầu cử là giành chiến thắng. Nếu ông ấy có thể duy trì môi trường kinh tế ổn định với thị trường vốn mạnh mẽ, cơ hội ông tái đắc cử sẽ tăng lên", Jason Yu, nhà kinh tế trưởng của Securities Securities, nói.

Với Trung Quốc, vết thương từ cuộc chiến thương mại ngày càng trở nên rõ nét. Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) do Caixin và Markit công bố cho thấy PMI tháng 6 của Trung Quốc là 49,4, mức thấp nhất kể từ tháng một. Chỉ số PMI trên 50 điểm là dấu hiệu cho thấy hoạt động sản xuất ở các nhà máy tăng trưởng, ngược lại, nếu dưới 50 điểm có nghĩa là hoạt động sản xuất đang suy giảm.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế tháng trước giảm mức dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc từ 6,3% xuống còn 6,2% vào năm 2019 và 6,0% vào năm 2020, với lý do là ảnh hưởng từ thuế quan của Mỹ và tương lai không chắc chắn của cuộc chiến thương mại.

"Vết thương kinh tế của Trung Quốc rất nghiêm trọng", Lu Jiun-wei, từ Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan, nói. "Những quan chức theo lập trường cứng rắn có thể muốn tiếp tục chiến đấu với Mỹ và nâng cao tinh thần tự lực. Tuy nhiên, sự tự lực có giới hạn và áp lực về vốn đang gia tăng". Vì vậy, ông Tập cần cố gắng nhanh chóng đạt được thỏa thuận với Mỹ để cải thiện tình hình.

Mặc dù ông Tập đã thề sẽ chiến đấu với Mỹ đến cùng, Bắc Kinh có lập trường ôn hòa hơn trong các bình luận công khai với Washington kể từ sau hội nghị thượng đỉnh G20. Hồi đầu tuần, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường công bố một số thay đổi như giảm bớt các hạn chế với công ty nước ngoài và cam kết cải thiện bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Fabina Fedeli, từ công ty tài chính Robeco, cho biết việc giải quyết cuộc chiến thương mại và xóa bỏ thuế quan có ý nghĩa rất quan trọng đối với thị trường chứng khoán. "Mối lo ngại của Trump về việc mất cử tri và sự quan tâm của ông ấy với thị trường chứng khoán Mỹ có thể khiến ông ấy dịu giọng với Trung Quốc hơn", Fedeli nói.

Giới chuyên gia bày tỏ hy vọng Mỹ - Trung sớm giải quyết căng thẳng thương mại vì nếu quan hệ hai nước sụp đổ, hậu quả có thể vượt ra ngoài phạm vi thương mại và kinh tế. "Là những cường quốc thế giới, Mỹ và Trung Quốc cần hợp tác trên nhiều lĩnh vực, bao gồm các vấn đề như an ninh", Houze Song, nhà nghiên cứu tại Viện Paulson, nói.

"Cả hai đều cần nhận ra rằng Trung Quốc và Mỹ sẽ phải làm việc với nhau nếu có vấn đề toàn cầu nảy sinh", Song nói thêm.

Theo: vnexpress.net

Tin cùng chuyên mục