Chân dung Suga - từ con số 0 tới Thủ tướng Nhật Bản

Ông Suga, xuất thân nông dân và thời trẻ phải đi làm thêm để có tiền đi học, đã trở thành tân Thủ tướng Nhật Bản sau bao nỗ lực.

 

Ngày 14/9, ông  Suga Yoshihide, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản đã “vượt mặt” hai ứng cử viên nặng ký khác, giành số phiếu cao trở thành Chủ tịch Đảng Tự do Dân chủ (LDP), và sau cuộc họp phê chuẩn tại cuộc họp Quốc hội dự kiến tổ chức vào ngày 16/9 sẽ trở thành Tân Thủ tướng Nhật Bản.

Sinh ra từ gia đình nhà nông và đi làm thêm

 

Ông Suga Yoshihide sinh ngày 6/12/1948 tại làng Akinomiya, nay thuộc thành phố Yuzawa, tỉnh Akita thuộc miền trung Nhật Bản. Gia đình ông vốn là nhà nông trồng dâu. Bố của ông Suga đã thành công trong việc nhân giống dâu có chất lượng cao, từng là Chủ tịch công đoàn hợp tác xã dâu Yuzawa. Bố của ông Suga mất năm 2010 thọ 93 tuổi. Ông Suga là con trai trưởng trong gia đình gồm 6 người, ông có 2 chị gái và 1 em trai.

Sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, cậu học sinh Suga đã nuôi giấc mơ nếu lên học tại Tokyo thì cuộc đời sẽ thay đổi. Nhưng cậu vẫn phải làm việc thêm tại một nhà máy.

Cậu bé đã nuôi ý chí học lên Đại học, và quyết tâm lên Tokyo. Trước tiên, cậu đi làm thêm buổi sáng tại chợ cá nổi tiếng Tsukiji, buổi chiều tại quán ăn uống có ở Shinjuku. Sau hai năm trụ tại Tokyo, cậu quyết định thi vào Khoa Luật trường Đại học Hosei. Trong thời gian học Đại học, cậu sinh viên Suga vừa chăm chỉ học vừa làm thêm nhiều việc khác nhau, khi ở cửa hàng bán Curry, khi ở tạp chí xuất bản báo chí…để có tiền sinh hoạt và đóng học phí, đồng thời cũng tham gia tích cực vào câu lạc bộ Karate của trường. Năm 1973, sinh viên Suga tốt nghiệp Đại học và làm việc tại Công ty cổ phần thiết bị xây dựng.

Chánh văn phòng Nội các tại nhiệm liên tục lâu nhất lịch sử

 

Năm 1975, Ông Suga bắt đầu hoạt động theo xu hướng chính trị khi làm Thư ký cho Hạ nghị sĩ Okinogi Hikosaburo thuộc Đảng Tự do Dân chủ (LDP). 11 năm sau khi Hạ Nghị sĩ Okonogi trở thành Bộ trưởng Thương mại và Sản nghiệp Nhật Bản, ông Suga trở thành Trợ lý của Bộ trưởng.

Năm 1987, ông Suga lần đầu tiên tham gia vào cuộc bầu cử Nghị sĩ thành phố Yokohama, tỉnh Kanagawa và thắng cử. Sau đó liên tiếp 2 nhiệm kỳ ông là Nghị sĩ của Thành phố.

Năm 2006, ông Abe Shinzo ra tranh cử chức Thủ tướng Nhật Bản và giành thắng lợi. Tháng 9/2006, Ông Suga lần đầu tiên được tham gia Nội các với tư cách là Bộ trưởng Nội vụ kiêm Bộ Tư nhân hóa Bưu chính.Tháng 12 cùng năm ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Phụ trách Nội các (làm nhiệm vụ cải cách phân quyền cho các địa phương).

Năm 2007, ông hoạt động với tư cách Tổng Cục trưởng chính sách bầu cử Đảng LDP. Tháng 12/2012, ông Abe Shinzo lần thứ 2 trở thành Thủ tướng Nhật Bản, ông Suga được bổ nhiệm làm Chánh văn phòng Nội các. Trong nhiệm kỳ lần này, Thủ tướng Abe 3 lần cải cách Nội các và cả 3 lần đều giữ ông Suga ở lại làm Chánh văn phòng Nội các. Ông Suga hiện là Chánh văn phòng tại nhiệm lâu nhất trong lịch sử của Đảng LDP.

Ngày 1/4/2019, ông được Thủ tướng ủy quyền là người công bố thời khắc đổi Niên hiệu Bình Thành (Heisei) sang Lệnh Hòa (Reiwa). Hiện nay, người dân Nhật Bản vẫn hay gọi ông với cái tên trìu mến là “Ông Lệnh Hòa”.

Từ ngày 9-11/5/2019, ông Suga thăm Mỹ, gặp gỡ và hội đàm với nhiều nhà lãnh đạo cao cấp của Mỹ trong đó có Tổng thống Donald Trump. Chuyến thăm này rất đặc biệt góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Ngày 29/8/2019, Thủ tướng Abe từ chức vì lý do sức khỏe và ông Suga quyết định tham gia vào cuộc tranh cử Thủ tướng mới của Nhật Bản với một số nhân vật nổi tiếng khác như ông Ishiba Shigeru, Cựu Tổng thư ký Đảng LDP, ông Kishida Fumio, Trưởng Ban nghiên cứu chính sách Đảng LDP.

Trong thời gian làm Chánh văn phòng Nội các với khoảng thời gian 7 năm 8 tháng cùng thời gian tại nhiệm Thủ  tướng của ông Abe Shinzo, ông Suga đã tiến hành 3213 cuộc họp báo bày tỏ những quan điểm, lập trường, quyết sách của Nhật Bản với tư cách là người phát ngôn hàng đầu của chính phủ. Mỗi cuộc họp báo với ông là “cơ hội quí báu”. Và sáng ngày 14/9/2020 ông đã họp báo lần cuối với tư cách là Chánh văn phòng Nội các.

Làm Thủ tướng bắt đầu từ số O

 

Ngay sau khi ông Abe tuyên bố từ chức vào ngày 28/8 vì lý do sức khỏe, ông Suga đã có một số phát ngôn bày tỏ mong muốn sẽ ra tranh cử Thủ tướng,và ông chỉ công bố chính thức vào ngày 2/9 khi đã lần lượt thăm dò ủng hộ từ các phái trong Đảng. Trước đó, dư luận vẫn luôn đặt cược vào các ứng cử viên khác như ông Kishida Fumio, Trưởng Ban nghiên cứu chính sách của Đảng, và ông Taro Kono, Bộ trưởng Ngoại giao sẽ là Thủ tướng Nhật Bản trong nhiệm kỳ tiếp theo khi ông Abe kết thúc vào tháng 9/2021.

Tuy nhiên, việc ông Abe đột ngột từ chức, khiến chính trường Nhật Bản có chút “hoang mang”. Và để ổn định ngay tình hình, với phương châm không để “khoảng trống” về chính trị, nhiều phái trong Đảng đã tỏ ý ủng hộ mạnh mẽ ông Suga tranh cử Thủ tướng. Tuy nhiệm kỳ còn lại của ông Abe chỉ còn 1 năm, nhưng cần có người gánh vác ngay. Ông đã được nhiều phái lớn trong Đảng ủng hộ, như phái Hosoda, Nikai, Aso, Takeshita…

Tuy vẫn phải trải qua bầu cử chính thức, nhưng do có hậu thuẫn lớn, nên ông Suga gần như giành lợi thế hoàn toàn ngay từ đầu. Và ông đã trở thành Tân Thủ tướng Nhật Bản với số phiếu cao.

Trong phát biểu của mình, ông Suga mong muốn tạo ra một chính phủ làm việc vì dân. Bắt đầu từ số không nhưng vẫn có thể trở thành Thủ tướng là một điều có thực tại Nhật Bản.

Suga Yoshihide đã đi vào lịch sử Nhật Bản. Trong một nền văn hóa mà chính trị vốn coi trọng nguồn gốc xuất thân, từ một người bình thường, nỗ lực hết sức và không ngừng nghỉ, trở thành Thủ tướng ở tuổi 71 là một điều phi thường. Nhưng cũng có thể khẳng định, một người bình thường cũng có thể làm điều hết sức vĩ đại./.

Theo: vov.vn

Tin cùng chuyên mục