Cựu Chủ tịch Nissan Carlos Ghosn: “Bỏ trốn hay là chết” ở Nhật Bản

Carlos Ghosn nói rằng việc bắt giữ ông là một phần trong âm mưu lật đổ vai trò lãnh đạo trong liên minh ô tô quyền lực nhất thế giới.

“Tôi không chạy trốn khỏi pháp luật. Tôi chạy trốn khỏi sự bất công” Cựu Chủ tịch Nissan Carlos Ghosn nói với báo giới ở thủ đô Beirut của Lebanon ngày 8/1. Đây là lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng kể từ sau khi ông bỏ trốn khỏi Nhật Bản, nơi ông dự kiến phải đối mặt với phiên tòa về những cáo buộc sai phạm tài chính.

cuu chu tich nissan carlos ghosn: "bo tron hay la chet" o nhat ban hinh 1
Cựu Chủ tịch Nissan Carlos Ghosn. Ảnh: AP

Ông Ghosn nói rằng ý định của ông trong cuộc họp báo này không phải là để nói về việc ông đã bỏ trốn như thế nào mà là để “làm sạch” tên tuổi của mình và giải thích vì sao lẽ ra ông “không nên bị bắt ở nơi đầu tiên”.

Ông Ghosn bị bắt lần đầu tiên ở Tokyo hơn 1 năm trước. Trong số các cáo buộc, các công tố viên cho rằng ông đã khai bớt thu nhập trong giai đoạn 5 năm và chuyển 5 triệu USD tiền của Nissan vào một đại lý ô tô mà ông kiểm soát.

Cựu lãnh đạo gã khổng lồ trong ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản nhiều lần bác bỏ cáo buộc này và ngày 8/1, ông đã lên tiếng chỉ trích hệ thống tư pháp “tội phạm” của Nhật Bản, điều mà ông cho là “vi phạm các quy tắc cơ bản nhất của con người”.

Ông nói rằng, khoảng thời gian đó, ông đã phải chịu đựng sự giam cầm cứng nhắc, bị thẩm vấn dồn dập mà không có sự tham dự của luật sư và không có một phiên tòa nhanh chóng. Các công tố viên Nhật Bản thường có ý định sử dụng các thông tin trong thời gian giam cầm lâu dài hơn là dựa trên việc xác định sự thật, ông nói.

Các công tố viên Tokyo trong một tuyên bố sau cuộc họp báo nói rằng, ông Ghosn “chỉ có thể đổ lỗi cho chính mình về sự bắt giữ và giam cầm” cũng như các điều kiện cho sự tại ngoại của ông.

Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản Masako Mori trong một tuyên bố cũng nói rằng ông Ghosn “đã gieo rắc [cho truyền thông-ND] cả ở Nhật Bản và quốc tế những thông tin sai lệch về hệ thống pháp lý Nhật Bản và sự thi hành pháp luật”.

“Đây là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được”, bà Mori nói.

“Tôi cảm thấy mình như một con tin”

Ông Ghosn nói rằng các luật sư của ông nói ông có thể bị giam giữ ở Nhật Bản tới 5 năm trước khi nhận được phán quyết của tòa án và ông có thể tin rằng mình sẽ chết ở Nhật Bản nếu không tìm cách tại ngoại.

“Tôi cảm thấy mình như một con tin ở đất nước mà tôi đã phục vụ suốt 17 năm”, Ghosn, người trở thành CEO của Nissan năm 2001, nói.

Theo ông Ghosn, việc bắt giữ ông là kết quả của âm mưu từ đế chế ô tô mà ông đã xây dựng giữa Nissan, Renault và Mitsubishi Motors. Các nhà lãnh đạo của Nissan đã bị đe dọa vì sự gia tăng ảnh hưởng của Renault trong mối quan hệ đối tác này.

“Không may là chẳng có sự tin tưởng, và một vài trong số những người bạn Nhật Bản của tôi nghĩ rằng cách tốt nhất để loại bỏ ảnh hưởng của Renault ở Nissan là loại bỏ tôi”, ông Ghosn nói.

Ông cũng cho biết ông thích sự liên kết lớn hơn giữa các công ty trong liên minh, trong đó có cả việc thành lập một công ty với một bên nắm đa số cổ phần để củng cố thị phần sản xuất ô tô dưới một cái tên. Theo ông Ghosn, ông không kêu gọi việc sáp nhập và vẫn muốn các công ty được điều hành riêng biệt.

 

Các công tố viên Tokyo bác bỏ việc họ “âm mưu” với Nissan để truy tố ông Ghosn.

Nissan và Renault từ chối bình luận. Trước đó, Nissan nói rằng hãng này vẫn theo đuổi “hành động pháp lý phù hợp” đối với ông Ghosn.

Bỏ trốn

Ông Ghosn né tránh các câu hỏi liên quan đến quá trình bỏ trốn của ông, điều mà ông đã thực hiện bất chấp điều kiện tại ngoại chặt chẽ, trong đó bao gồm cả yêu cầu ông phải ở Nhật Bản.

Giới chức Nhật Bản hiện đang điều tra ông Ghosn đã rời khỏi Nhật Bản bằng cách nào.

Ngày 5/1, Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản Mori cho biết ông Ghosn rời khỏi Nhật Bản “một cách bất hợp pháp thông qua các biện pháp không xứng đáng”. Bà đã yêu cầu Cơ quan di trú Nhật Bản siết chặt hơn nữa các quy định về việc rời khỏi nước này để không tái diễn trường hợp tương tự.

Trong khi đó, Lebanon tuần trước cho biết, ông Ghosn nhập cảnh nước này một cách hợp pháp.

Ông Ghosn có hộ chiếu Pháp, Brazil và Lebanon. Ba trong số các cuốn hộ chiếu đều do nhóm luật sư bào chữa của ông ở Nhật Bản nắm giữ để ngăn chặn khả năng ông rời khỏi nước này. Tuy nhiên, Junichiro Hironaka, luật sư người Nhật Bản của ông ngày 4/1 cho biết, ông Ghosn được giữ cuốn hộ chiếu Pháp thứ 2 với sự cho phép của tòa án. Luật sư Hironaka nói rằng cuốn hộ chiếu đó được cất trong một chiếc hộp trong suốt có khóa và chỉ các luật sư mới có thể mở.

Các công tố viên Nhật Bản ngày 7/1 đã phát lệnh bắt đối với vợ ông Ghosn, bà Carole, cáo buộc bà này đã khai không đúng sự thật trong một phiên tòa hồi tháng 4/2019. Bà Carole cũng tham dự cuộc họp báo của chồng mình tại Beirut trong ngày 8/1.

“Các bạn phát hiện điều này sau tận 9 tháng, một ngày trước cuộc họp báo? Thật trùng hợp”, bà Carole Ghosn nói. “Đây chính xác là cách mà nó diễn ra”.

Ông Ghosn bác bỏ các thông tin cho rằng các thành viên trong gia đình ông có liên quan đến việc giúp ông bỏ trốn.

Interpol đã phát “thông báo đỏ” với Ghosn xác nhận rằng ông đang bị cảnh sát Nhật Bản truy nã.

Ông Ghosn ngày 8/1 nói các luật sư của ông đang cân nhắc các bước đi tiếp theo. Ông cũng để ngỏ về một phiên tòa ở bên ngoài Nhật Bản.

“Diễn đàn đầu tiên nào nơi tôi có thể bày tỏ bản thân mình trước một phán quyết không thiên lệch, tôi sẽ tới”, ông nói./.

Theo: vov.vn

Tin cùng chuyên mục