Dân số già Italy 'lĩnh đòn' trước Covid-19

Gần 1/4 dân số Italy trên 65 tuổi, vốn là những người dễ gặp biến chứng và tử vong nhất khi nhiễm nCoV, khiến số người thiệt mạng tăng cao.

Covid-19 đến nay đã giết chết 107 người ở Italy, phần lớn ở độ tuổi từ 63 tới 95 và đều mắc các bệnh lý nền nghiêm trọng trước đó. Với 23% dân số trên 65 tuổi, Italy là quốc gia có dân số già thứ hai thế giới sau Nhật Bản.

"Italy là quốc gia của người cao tuổi. Quốc gia này cũng có rất nhiều người già có bệnh từ trước. Tôi nghĩ rằng đó là lý do Italy có nhiều ca nhiễm nCoV nghiêm trọng hơn, trong khi hầu hết các ca nhiễm khác, đặc biệt ở thanh niên và trẻ em, đều có triệu chứng nhẹ và ít gây biến chứng nguy hiểm", giáo sư Massimo Galli, trưởng khoa bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Sacco ở thành phố Milan, cho biết.

"Người dân nước tôi có tuổi thọ thuộc nhóm cao nhất thế giới. Nhưng thật không may trong tình huống này, người già lại trở thành đối tượng gặp nhiều rủi ro hơn", ông nói thêm.

Nhân viên y tế chuyển quan tài của cụ bà 87 tuổi qua đời vì nhiễm nCoV ở Laigueglia, vùng Liguria hôm 1/3. Ảnh: AP.

Nhân viên y tế chuyển quan tài của cụ bà 87 tuổi qua đời vì nhiễm nCoV ở Laigueglia, vùng Liguria hôm 1/3. Ảnh: AP.

Italy có hơn 3.000 người nhiễm nCoV. Nhân viên y tế đã thực hiện tổng cộng hơn 25.900 xét nghiệm virus, số lượng khá khiêm tốn so với những quốc gia châu Âu khác. Trong số những người làm xét nghiệm có Giáo hoàng Francis, 83 tuổi, người buộc phải hủy các sự kiện chính trong tuần này vì cảm lạnh, nhưng có kết quả âm tính với nCoV, tờ Il Messaggero đưa tin hôm 3/3.

Hơn 1.500 ca nhiễm được ghi nhận ở vùng Lombardy, miền bắc Italy, nơi có 11 thị trấn bị phong tỏa hơn một tuần qua. Virus đã xuất hiện ở hơn một nửa trong số 20 vùng của Italy, bao gồm Tuscany, Puglia, Silicy và mới đây là Sardinia.

Giới chức cho biết phần lớn người dương tính với nCoV ở các nơi khác đều từng tới vùng Lombardy hoặc miền bắc Italy vài tuần trước khi dịch bùng phát. Trong số những ca nhiễm bệnh, hơn 1.000 người hiện được điều trị trong bệnh viện, trong đó 229 ca trong tình trạng nghiêm trọng, hơn 1.200 ca khác tự điều trị ở nhà. Số người khỏi bệnh ở Italy hiện là hơn 270.

Hai du khách (phải) đeo khẩu trang đứng bên ngoài nhà thờ St. Louis ở Rome hôm 1/3. Ảnh: AP.

Hai du khách (phải) đeo khẩu trang đứng bên ngoài nhà thờ St. Louis ở Rome hôm 1/3. Ảnh: AP.

Covid-19 vẫn bùng phát ở Italy, mặc dù đây là một trong những quốc gia đầu tiên "đóng cửa" với người dân Vũ Hán và đình chỉ toàn bộ chuyến bay tới Trung Quốc. 

"Vài quốc gia chỉ trích chúng tôi thực hiện những biện pháp quá quyết liệt. Nhưng thậm chí việc chủ động thực hiện các biện pháp đó dường như vẫn không đủ. Điều chắc chắn là chúng tôi không có cách nào dự đoán dịch bùng phát ở nơi được gọi là tâm dịch hoặc phát hiện ra nó trước khi có người nhiễm bệnh", Galli nói.

Galli cho rằng nhiều người từ những quốc gia không "đóng cửa" với Trung Quốc có thể tới Italy và thêm rằng những ổ dịch bùng phát ở các nước châu Âu khác có thể không phải có nguồn gốc từ quốc gia này. 

"Chúng ta hãy nhớ tới ca 'siêu lây nhiễm' quốc tịch Anh, người từng tới Singapore và sau đó tới thăm bạn bè ở Pháp rồi lây nhiễm nCoV cho họ. Nếu điều tương tự xảy ra tại các khu vực khác ở châu Âu, điều đó đồng nghĩa chúng ta sẽ có nhiều tâm dịch khác", Galli chia sẻ.

NgườiCovid-19 ở ItalyNhiễmChếtKhỏi31/16/222/223/224/225/226/227/228/229/21/32/33/34/35/301k2k3k4k29/2 Nhiễm: 888

Một bác sĩ Italy, người tự phục hồi ở nhà sau khi nhiễm nCoV, chia sẻ cô chỉ xuất hiện triệu chứng nhẹ. Cô sống cùng bố mẹ và em trai nhưng tất cả họ đều âm tính với virus. Cô sẽ được xét nghiệm lại vào ngày 6/3 tới sau hai tuần cách ly.

"Trong hầu hết trường hợp, mọi người sẽ tự khỏi bệnh. Vấn đề là chúng ta không có cơ chế bảo vệ những người dễ gặp nguy hiểm nhất: đó là người già và người có bệnh lý nền nghiêm trọng. Nhưng chúng ta cần nhìn nhận khách quan rằng sự gia tăng ca nhiễm mới không có nghĩa đó đều là các ca bệnh nghiêm trọng", cô nói. 

Theo: vnexpress.net

Tin cùng chuyên mục