Giữ vị trí chủ tịch EU, Pháp xử lý quan hệ với Nga như thế nào?

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra tuyên bố rằng châu Âu cần phải đối thoại thẳng thắn với Nga về vấn đề an ninh. Pháp có thể được xem đối tác thân thiện nhất với Nga trong nội bộ các nước EU…

Vì sao Tổng thống Macron nhận định EU cần đối thoại thẳng thắn với Nga cho vấn đề Ukraine?

Trong bài phát biểu trước các Nghị sĩ châu Âu ngày 19/1, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra tuyên bố rằng châu Âu cần phải đối thoại thẳng thắn với Nga về vấn đề an ninh. Tuy nhiên, trong tuyên bố của ông Macron có một ý khác rất đáng chú ý, và đây mới là điểm mấu, đó là đối thoại này là của riêng Liên minh châu Âu – EU với Nga. Đây là chi tiết đặt ra hai vấn đề.

Thứ nhất, từ nhiều tuần qua, tất cả các lãnh đạo hàng đầu của Liên minh châu Âu  và các nước thành viên, trong đó có cả ông Emmanuel Macron đều nhiều lần tuyên bố không chấp nhận việc EU bị gạt ra bên lề các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Nga về an ninh châu Âu. Mặc dù cuộc họp của NATO và OSCE với Nga sau đó có sự góp mặt của các nước thành viên EU nhưng trong các cuộc họp đó, các quan chức lãnh đạo EU đều không được góp mặt. Do đó, đối với châu Âu thì đây là một thực tế không thể chấp nhận được, không chỉ vì các đàm phán với Nga liên quan trực tiếp đến cấu trúc an ninh tại châu Âu, có ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh châu Âu, mà còn vì EU đang có tham vọng xây dựng cho mình một vị thế địa chính trị lớn mạnh để cạnh tranh với các cường quốc Mỹ-Nga-Trung Quốc. Do đó, tuyên bố của ông Macron về việc EU cần đối thoại riêng là thể hiện phần nào tiếng nói bất mãn từ phía các lãnh đạo châu Âu. Trong ngày hôm qua, người đứng đầu Cơ quan Ngoại vụ của EU, ông Stefano Sannino cũng thừa nhận rằng Nga đang không xem trọng châu Âu và cố tình hạ thấp vai trò của châu Âu, vì thế, châu Âu cần cho Nga thấy rằng thái độ đó của Nga sẽ phản tác dụng.

Tuy nhiên, tuyên bố của ông Macron về việc EU đối thoại riêng với Nga cũng đặt ra thêm một vấn đề lớn thứ hai, đó là thể hiện có những rạn nứt nhất định trong quan hệ giữa Mỹ và EU, trong phối hợp giữa hai bên khi tiếp cận và đối phó với Nga. Ngay sau khi ông Macron phát biểu, một số nhà ngoại giao châu Âu đã lập tức lên tiếng giải thích rằng ông Macron đã không tham vấn trước với các đối tác châu Âu. Cao ủy phụ trách đối ngoại và an ninh của EU, ông Josep Borrell cũng đã ngay lập tức điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ, Anthony Blinken để khẳng định việc đoàn kết, chung quan điểm với Mỹ trong các đối thoại với Nga. Từ những động thái này có thể thấy, châu Âu một mặt có những bất mãn rõ ràng về việc bị Mỹ-Nga loại sang một bên dù hai cường quốc này thảo luận về an ninh của chính châu Âu, mặt khác, châu Âu cũng hết sức lo ngại đổ vỡ mặt trận quan điểm chung với Mỹ. Đây là thế khó với châu Âu nhưng qua phát biểu của ông Macron và chuyến đi của Ngoại trưởng Đức, bà Annalena Baerbock đến Nga, có thể thấy, châu Âu đang cố gắng xây dựng tư cách đối thoại cho riêng mình để tránh bị thua thiệt khi bị gạt ra bên lề các đàm phán Mỹ-Nga.

 

Đề xuất an ninh của EU

 

Theo Tổng thống Emmanuel Macron, các đề xuất an ninh của EU sẽ được đưa ra trong vài tuần tới, trong đó nhấn mạnh an ninh của toàn khối là vấn đề không thể chia rẽ.

Từ trước đến nay, Pháp là một trong số ít các nước tại châu Âu luôn nhấn mạnh quan điểm rằng Nga là một bộ phận của châu Âu và bất cứ một cấu trúc an ninh nào tại châu Âu, nếu muốn cân bằng và bền vững, thì đều cần phải có sự tham gia của Nga. Do đó, khi phát biểu trước Nghị viện châu Âu về “an ninh không thể chia rẽ của châu Âu” thì ông Macron không chỉ muốn nhấn mạnh đến tính đoàn kết của các nước EU mà còn đề cập đến một thực tế rằng Nga không thể bị tách rời khỏi an ninh tại châu Âu. Quan điểm này được các đời chính phủ Đức gần đây chia sẻ, nhưng một số nước thành viên khác của EU, đặc biệt các quốc gia Đông Âu và Baltic, như Ba Lan, CH Czech, 3 nước Baltic… thì đều luôn muốn châu Âu là một khối tách riêng, không có Nga, và an ninh của khối này có trụ cột là NATO và Mỹ. Thực tế này đã tồn tại trong suốt nhiều năm qua và luôn là một trong những yếu tố gây chia rẽ lớn trong nội bộ EU cũng như NATO.

Do đó, đề xuất an ninh riêng mà EU xây dựng chắc chắn cũng sẽ cần nỗ lực đối thoại, thỏa hiệp rất nhiều giữa các nước EU. Tuy nhiên, qua những động thái từ tất cả các bên trong thời gian qua, có thể thấy, trọng tâm trong đề xuất an ninh mà EU xây dựng sẽ dựa trên quan điểm chủ đạo hiện nay của hai cường quốc Pháp-Đức, đó là hồi sinh định dạng “Bộ Tứ Normandy” và tìm cách thuyết phục Nga quay trở lại đối thoại cùng Ukraine thông qua định dạng này, với vai trò trung gian của Pháp và Đức. Đối với việc đáp ứng các đòi hỏi an ninh của Nga, gồm việc không cho phép các nước như Ukraine, Gruzia gia nhập NATO, rút lực lượng NATO khỏi các nước gia nhập sau năm 1997, phía EU có rất ít tiếng nói và khó có thể đưa ra các quyết định lớn. Trong vấn đề này, EU gần như sẽ tiếp tục kiên trì với quan điểm được Mỹ và NATO công bố với Nga tuần trước, đó là không thể chấp nhận đòi hỏi của Nga, nhưng vẫn sẽ cố gắng thuyết phục Nga đàm phán tiếp.

Tác động của Pháp lên quan hệ châu Âu – Nga

Pháp có thể nói là đối tác thân thiện nhất với Nga trong nội bộ các nước EU. Năm 2019, trong thời điểm quan hệ Nga-phương Tây lao dốc, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã mời Tổng thống Nga Vladimir Putin đến thăm Pháp ngay trước thềm Thượng đỉnh G7 tổ chức ở thành phố Biarritz (Pháp). Pháp đã đưa ra sáng kiến tái khởi động lại quan hệ với Nga, lập ra cơ chế đối thoại 2+2 mỗi năm về an ninh và đối ngoại, bất chấp các chỉ trích từ nhiều thành viên EU. Ngoài các lợi ích lớn về kinh tế, Pháp và Đức luôn cho rằng Nga là một cường quốc châu Âu và cần phải lôi kéo Nga can dự tích cực vào các vấn đề của châu Âu thay vì đẩy Nga về phía đối địch. Quan điểm này được ông Macron và cựu Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel thể hiện rất rõ. Hiện tại, khi bà Merkel đã rời chính trường và quan điểm của chính phủ liên minh mới tại Đức chưa rõ ràng, nước Pháp và cá nhân Tổng thống Emmanuel Macron có thể được xem là các đối tác đối thoại đủ uy tín hiếm hoi với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trên thực tế, Pháp cũng đang dùng vị thế Chủ tịch luân phiên của EU để thúc đẩy các nỗ lực đối thoại nhiều hơn với Nga. Ngay đầu năm 2022, từ trước khi diễn ra các cuộc gặp giữa Nga với Mỹ, NATO và OSCE, hai cố vấn ngoại giao cấp cao của Pháp và Đức đã đến Moscow để thuyết phục Nga quay trở lại đàm phán với Ukraine trong định dạng Normandy nhưng bất thành.

Tuy nhiên, ở vai trò Chủ tịch luân phiên EU, Pháp có tiếng nói lớn trong việc lên nghị trình hoạt động cho EU và trong thời gian tới, Pháp có thể sẽ tiếp tục các nỗ lực giúp châu Âu hành động độc lập, tự chủ hơn. Tuyên bố vừa đưa ra của Tổng thống Macron là một ví dụ. Trong thời gian tới, Pháp cũng sẽ tổ chức Thượng đỉnh Quốc phòng EU tại Pháp và chắc chắn quan hệ với Nga khi đó sẽ là một chủ đề trọng tâm. Về tổng thể, Pháp theo đuổi cách tiếp cận thiên về ngoại giao, tương đối tích cực với Nga. Tuy nhiên, những diễn biến sắp tới trong quan hệ giữa Nga và Ukraine, đặc biệt là nguy cơ xung đột quân sự, sẽ mang tính chất quyết định trong việc đẩy mối quan hệ EU-Nga đi về hướng nào./.

Theo: vov.vn

Tin cùng chuyên mục