Hải quân Nga, Trung Quốc và Iran diễn tập chung

Chiến hạm Nga, Trung Quốc và Iran tham gia diễn tập chung kéo dài 5 ngày, trong đó có huấn luyện bắn đạn thật.

 

Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 15/3 thông báo hải quân nước này tham gia diễn tập Đảm bảo An ninh 2023 với lực lượng Nga và Iran trên vịnh Oman, dự kiến kết thúc ngày 19/3. Cơ quan này cho biết cuộc diễn tập chung "sẽ giúp làm sâu sắc thêm hợp tác thực chất giữa lực lượng hải quân các nước tham gia".

Diễn tập Đảm bảo An ninh 2023 được phát triển từ các cuộc huấn luyện giữa hải quân ba nước vào năm 2019 và 2023. Lực lượng ba nước tham dự sẽ tham gia huấn luyện khoa mục "tìm kiếm bằng đường không, cứu nạn trên biển, di chuyển theo đội hình và một số nhiệm vụ khác".

Bộ Quốc phòng Nga cùng ngày cho biết trong giai đoạn đầu của diễn tập, hải quân ba nước sẽ huấn luyện trên sa bàn và họp bàn chiến thuật. Giai đoạn huấn luyện trên biển diễn ra ngày 16-17/3, các chiến hạm sẽ cơ động thành lập nhóm tác chiến hải quân đa quốc gia và huấn luyện bắn đạn thật.

Chiến hạm tham gia diễn tập chung gữa hải quân Nga, Trung Quốc và Iran trên Vịnh Oman tháng 12/2019. Ảnh: AP.

Chiến hạm tham gia diễn tập chung gữa hải quân Nga, Trung Quốc và Iran trên Vịnh Oman tháng 12/2019. Ảnh: AP.

Trung Quốc điều khu trục hạm Nam Ninh với lượng giãn nước 7.500 tấn tham gia diễn tập. Khu trục hạm Nam Ninh thuộc lớp Type-052D, mang theo radar tích hợp tiên tiến và 64 ống phóng đứng tương thích với nhiều loại tên lửa phòng không, hành trình, diệt hạm và chống ngầm.

Hộ vệ hạm Đô đốc Gorshkov mang tên lửa siêu vượt âm Zircon nằm trong số các chiến hạm thuộc Hạm đội phương Bắc của Nga tham gia diễn tập. Hải quân Iran điều hộ vệ hạm Sahand và Jamaran, hộ vệ hạm cỡ nhỏ Bayandor và một số chiến hạm khác.

Hoạt động của hải quân Nga, Trung Quốc và Iran diễn ra trùng thời điểm Mỹ cùng đồng minh tổ chức Diễn tập Hàng hải Quốc tế 2023 tại Vùng Vịnh ngày 2-20/3. Hơn 50 quốc gia, 7.000 binh sĩ, 35 tàu hải quân và 30 hệ thống không người lái và trí tuệ nhân tạo tham dự sự kiện.

Vịnh Oman là nơi tuyến hàng hải và vận tải năng lượng quan trọng đi qua, kết nối các nước sản xuất dầu mỏ tại Trung Đông với thế giới. Căng thẳng tại khu vực những năm qua leo thang sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký với Iran cùng 6 cường quốc, đồng thời tăng cường trừng phạt quốc gia Trung Đông.

Trong khi đó, Trung Quốc được nhận định ngày càng mở rộng ảnh hưởng tại Trung Đông. Trung Quốc gần đây làm trung gian giúp Iran và Arab Saudi nối lại quan hệ sau 7 năm bất hòa, thỏa thuận được kỳ vọng mở ra khả năng cho nền hòa bình lâu dài ở Trung Đông.

Vị trí eo biển Hormuz và vịnh Oman. Đồ họa: CSIS.

Vị trí eo biển Hormuz và vịnh Oman. Đồ họa: CSIS.

Theo: vnexpress.net

Tin cùng chuyên mục