Hoài nghi với hệ thống pháp lý Nhật khi chủ tịch Nissan bị bắt

Carlos Ghosn được cho là sẽ bị giam ít nhất một năm trước khi xét xử và bị thẩm vấn mà không có luật sư.

 

Cựu chủ tịch Nissan Motor Carlos Ghosn. Ảnh: Reuters.

Cựu chủ tịch Nissan Motor Carlos Ghosn. Ảnh: Reuters.

Ngày 19/11, máy bay riêng của chủ tịch Nissan Motor Carlos Ghosn hạ cánh tại Tokyo. Ông dự kiến có một lịch trình dày đặc phía trước. Nhưng thay vào đó, Ghosn lập tức bị các công tố viên Tokyo bắt vì tình nghi gian lận tài chính, theo CNN.

Hai tháng sau, Ghosn vẫn bị giam. Ông bị truy tố một số tội danh, thất bại sau nhiều lần cố gắng để được tại ngoại và đã sụt hơn 9 kg, con trai ông cho biết.

Ghosn, người từng giữ vị trí lãnh đạo tại ba công ty sản xuất ôtô lớn nhất thế giới, trải qua nhiều tuần thẩm vấn mà không có luật sư cũng như bị cắt liên lạc với gia đình. Ông khẳng định mình vô tội, nhưng chỉ sau một thời gian dài im lặng, điều mà giới chuyên gia cho rằng rất phổ biến đối với các nghi phạm ở Nhật khi họ luôn gặp khó khăn trong việc kết nối với thế giới bên ngoài.

Sự việc của Ghosn khiến cộng đồng quốc tế chú ý đến cách chính phủ Nhật đối xử với những người bị tình nghi vi phạm pháp luật.

Trước Ghosn, Mark Karpeles, doanh nhân người Pháp lập nghiệp tại Nhật, cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Karpeles bị bắt với cáo buộc có hành vi sai trái liên quan đến tài chính.

Karpeles là cựu giám đốc điều hành kiêm chủ sở hữu của Mt. Gox, sàn giao dịch bitcoin lớn nhất thế giới một thời. Tuy nhiên, Mt. Gox sụp đổ sau khi gần 500 triệu USD biến mất khỏi sàn này. Số tiền bị mất khiến Mt. Gox phá sản, bỏ lại phía sau 30.000 nhà đầu tư giận dữ.

Karpeles, 33 tuổi, nói tin tặc đã tấn công và rút sạch ví tiền ảo của công ty, nhưng cảnh sát Nhật tập trung điều tra anh. Karpeles bị bắt năm 2015 với cáo buộc biển thủ khoảng 3 triệu USD và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Doanh nhân người Pháp ghi lại chi tiết hơn 11 tháng anh bị bắt giam tại Nhật và gọi đây là quãng thời gian "ác mộng". Karpeles kể cảnh sát thẩm vấn anh 50 ngày liên tục, không nghỉ. Anh từng nhiều lần có ý định nhận tội để cho qua mọi chuyện.

"Nghe thật hấp dẫn khi bạn bị bắt và đối mặt với một hệ thống mà mỗi sáng người ta đều bảo bạn rằng hãy hợp tác, mọi thứ sẽ đơn giản", Karpeles cho hay. "Bạn chỉ cần nương theo và nói: 'Được thôi, đúng vậy'".

Theo Karpeles, anh đã sụt gần 35 kg trong quãng thời gian bị giam. Sau quá trình thẩm vấn, anh bị biệt giam 7 tháng tại một trung tâm giam giữ trước khi xét xử ở Tokyo.

Karpeles nhớ từng chi tiết của căn buồng giam 6 m2 không cửa sổ, có sàn trải chiếu, một chậu rửa tay, một bồn vệ sinh và một chiếc bàn nhỏ, nơi anh để cuốn sổ tay ghi chép.

Karpeles nói anh bị buộc phải ngồi thẳng trong góc phòng khoảng 10 tiếng mỗi ngày. Nếu nhân viên an ninh nhìn thấy anh đang nằm hoặc ngủ trưa, họ sẽ la hét, đập vào cửa.

Một lần, Karpeles không tuân lệnh, anh bị đưa tới "phòng trừng phạt", nơi tay anh bị trói chặt ra sau lưng và bị giữ nằm im trên sàn nhiều giờ liền. Karpeles được bảo lãnh tại ngoại hơn hai năm trước nhưng anh cho biết bản thân vẫn chưa thể thích nghi với cuộc sống bên ngoài. Là một tội phạm bị buộc tội ở Nhật, việc tìm một căn hộ hay công việc là điều rất khó khăn.

Karpeles hiện làm giám đốc công nghệ cho một công ty Mỹ. Vì không được phép rời Nhật nên 6 năm qua, anh chưa thể gặp lại người mẹ ở Pháp đang lâm bệnh.

Phán quyết đối với Karpeles dự kiến được đưa ra vào tháng ba tới đây, gần 4 năm sau khi anh bị bắt. Karpeles vẫn khẳng định mình vô tội.

Mark Karpeles, cựu giám đốc điều hành kiêm nhà sáng lập trang giao dịch bitcoin Mt. Gox. Ảnh: CNN.

Mark Karpeles, cựu giám đốc điều hành kiêm nhà sáng lập trang giao dịch bitcoin Mt. Gox. Ảnh: CNN.

Giống với Karpele, Ghosn không ít lần khẳng định mình vô tội. Ông đã bị sa thải khỏi Nissan và Mitsubishi Motors. Những ngày ở vị trí lãnh đạo tại Renault của Ghosn giờ đây có lẽ cũng đếm trên đầu ngón tay.

Trong hai tháng kể từ thời điểm bất ngờ bị bắt, Ghosn bị giam tại một cơ sở giam giữ tiền xét xử. Trước khi bị truy tố, Ghosn sẽ phải đối mặt với những cuộc thẩm vấn kéo dài 8 tiếng mỗi ngày mà không có luật sư. Ông bị từ chối yêu cầu bảo lãnh tại ngoại trước hàng loạt cáo buộc, bao gồm không khai báo khoản thu nhập 80 triệu USD và vi phạm tín nhiệm vì chuyển khoản đầu tư thua lỗ cá nhân cho Nissan hồi năm 2008, giữa lúc cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang lên tới đỉnh điểm.

Trong lần xuất hiện trước tòa vừa qua, Ghosn phủ nhận mọi cáo buộc, cho rằng chúng không có căn cứ.

Luật sư riêng của Ghosn cho hay ông có thể bị giam khoảng một năm, trong lúc chờ xét xử. Quãng thời gian này đặc biệt đáng chú ý bởi Ghosn có thể bị các công tố viên tác động tâm lý tới mức nhận tội, giới quan sát nhận định.

Carole, vợ Ghosn, đã gửi một bức thư dài 9 trang tới Tổ chức Giám sát Nhân quyền trụ sở Tokyo, phàn nàn về tình trạng của chồng mình. "Không ai nên bị giam trong điều kiện khắc nghiệt chỉ để phục vụ mục đích duy nhất là cưỡng ép một lời nhận tội", Carole viết.

Trong lúc chờ xét xử, Ghosn dường như sẽ phải sống với điều kiện tương tự Karpeles: Bị biệt giam nhiều tháng và tiếp cận hạn chế với thế giới bên ngoài. Giới chuyên gia pháp lý thống kê hơn 99% người bị cáo buộc phạm tội ở Nhật cuối cùng đều bị tuyên có tội.

Buồng biệt giam theo phác thảo của Karpeles. Ảnh: CNN.

Buồng biệt giam theo phác thảo của Karpeles. Ảnh: CNN.

Trước những ý kiến trái chiều, Shuji Yamaguchi, lãnh đạo công ty luật Okabe & Yamaguchi trụ sở Tokyo, khẳng định hệ thống pháp lý của Nhật Bản hoàn toàn công bằng và Ghosn được đối xử như những nghi phạm khác.

"Tôi cho rằng các ý kiến chỉ trích được đưa ra bắt nguồn từ sự hiểu lầm", Yamaguchi nói. "Hệ thống pháp lý của chúng tôi tương đối hiện đại, nhưng nhiều người lại nghĩ nó theo hướng khác".

"Tôi hiểu những lời chỉ trích nhưng tôi muốn nói một điều rằng hệ thống của chúng tôi được người dân ủng hộ", Yamaguchi quả quyết. "Và tỷ lệ phạm tội vẫn giảm qua các năm nên tôi nghĩ hệ thống của chúng tôi hoàn toàn ổn".

Shin Kukimoto, phó công tố viên Tokyo, tuần trước trong một cuộc họp báo lên tiếng bảo vệ cách mà văn phòng của ông xử lý vụ Ghosn. "Chúng tôi là cơ quan thực thi pháp luật chứ không phải cơ quan lập nên hệ thống pháp lý", ông nói. "Cuộc điều tra và quá trình thẩm vấn được thực hiện phù hợp với luật pháp".

Các công tố viên "không bao giờ tiến hành điều tra khi có mục đích cụ thể trong tư tưởng", Kukimoto nhấn mạnh và thêm rằng họ sẽ không trì hoãn quá trình tố tụng nhằm "kéo dài thời gian giam giữ để quấy rối nghi phạm".

Khi được hỏi về điều kiện giam giữ của các nghi phạm, Kukimoto cho hay ông tin họ được đối xử công bằng. Ghosn có thể đối diện với mức án 15 năm tù nếu bị tuyên có tội.

"Mọi quốc gia đều có nền tảng, lịch sử và văn hóa của riêng mình", Kukimoto nói trong cuộc họp báo hồi tháng 11 về vụ bắt chủ tịch Nissan. "Tôi tự hỏi liệu có công bằng không khi hệ thống tư pháp Nhật bị chỉ trích vì nó khác với đất nước của các bạn".

Theo: vnexpress.net

Tin cùng chuyên mục