Khổ vì Vũ Hán 'cách ly nhầm hơn bỏ sót'

Ba tuần trước, luật sư Lisa Wang, 30 tuổi, bị sốt cao nhưng bệnh viện số ba Vũ Hán từ chối cho cô nhập viện vì đã quá tải.

 

Kết quả chụp CT lồng ngực cho thấy cô bị viêm phổi, có thể nhiễm nCoV. Nhưng thay vì nhập viện, cô được cho uống thuốc và được hướng dẫn cách tự cách ly tại nhà. Ngày 18/2, mặc dù được bác sĩ công nhận là khỏi bệnh, Wang bị buộc phải vào một trung tâm cách ly tạm thời được dựng lên ở công viên công nghệ, khiến cô có nguy cơ bị lây nhiễm chéo với hàng trăm bệnh nhân khác.

"Họ không cho tôi nhập viện khi tôi bị ốm. Giờ khi tôi bình phục thì họ buộc tôi vào bệnh viện", Wang nói. "Tôi rất tức giận, lẽ ra tôi không phải đến đây", cô nói.

Bệnh nhân tại bệnh viện Phương Thương được chuyển đổi từ một sân vận động ở Vũ Hán ngày 18/2. Ảnh: AFP.

Bệnh nhân tại bệnh viện Phương Thương được chuyển đổi từ một sân vận động ở Vũ Hán ngày 18/2. Ảnh: AFP.

Vũ Hán bị phong tỏa từ ngày 23/1, nhưng virus corona đã lan tới các tỉnh thành còn lại của đất nước. Trung Quốc thay thế bí thư tỉnh ủy Hồ Bắc và bí thư thành ủy Vũ Hán vào đầu tháng này, khi công chúng giận dữ về cách chính quyền ứng phó với dịch.

Ngay sau khi tân bí thư thành ủy Vũ Hán Vương Trung Lâm bắt tay vào làm việc, "vòng kim cô" kiểm dịch được siết chặt. Ông Vương ra lệnh trong ba ngày phải gom tất cả những người có thể nhiễm nCoV trên toàn thành phố để ngăn chặn lây nhiễm chéo trong gia đình và cộng đồng.

Kể từ 17/2, nhiều người bị cấm rời khỏi khu dân cư, dù họ chỉ muốn đi mua hàng. Các siêu thị không tiếp khách lẻ, chỉ chấp nhận "đơn đặt hàng theo nhóm" từ các khu dân cư.

Biện pháp này nhằm đưa tất cả bệnh nhân nhiễm nCoV đang tự cách ly vào các cơ sở y tế để điều trị, sau khi nhiều người phàn nàn rằng họ nhiễm bệnh nhưng không được nhập viện, chết tại nhà hoặc lây cho các thành viên khác trong gia đình.

Những bệnh nhân có triệu chứng nhẹ được đưa vào các bệnh viện dã chiến gọi là Phương Thương, được cải tạo từ sân vận động và trung tâm triển lãm, nơi họ được các bác sĩ và y tá chăm sóc y tế cơ bản. Tính đến 18/2, hơn 8.500 bệnh nhân được đưa vào 12 bệnh viện Phương Thương trên toàn thành phố.

Các trường hợp nghi ngờ, có tiếp xúc gần với những ca đã xác nhận hoặc bệnh nhân bị sốt được đưa vào các trung tâm cách ly được thiết lập trong khách sạn và ký túc xá đại học. Kể từ 19/2, cảnh sát Vũ Hán đưa hơn 22.000 người và bệnh viện và trung tâm cách ly.

Tuy nhiên, một số bệnh nhân đã bình phục như Wang cũng bị cuốn vào chiến dịch này và gặp rủi ro lây nhiễm chéo.

Cuộc sống của Wang đảo lộn kể từ khi chồng bị sốt ngày 22/1. Cô chăm sóc cho anh tại nhà trong ba ngày trước khi anh nhập viện. Đến lúc đó, Wang cũng bị sốt. Wang bắt đầu tự cách ly vào ngày 28/1 sau khi bị bệnh viện Số ba Vũ Hán từ chối cho nhập viện. Sau một tuần, cô cắt sốt.

Tổ dân phố đưa cô đi xét nghiệm axit nucleic hai lần và cả hai đều cho kết quả âm tính với nCoV. Dù vậy, họ vẫn chuyển cô đến "khách sạn cách ly". Wang một lần nữa được chụp lồng ngực ngày 16/2, cho thấy tình trạng viêm phổi đã biến mất và một bác sĩ xác nhận cô đã bình phục. Wang cảm thấy nhẹ nhõm.

Tuy nhiên, tổ dân phố ngày 18/2 thông báo rằng cô không thể về nhà. Thay vào đó, cô phải đến bệnh viện Phương Thương vì không có giấy ra viện. Wang phản đối, giải thích cô không thể nào có giấy ra viện vì cô chưa từng được nhập viện. "Họ nói nếu tôi không chấp hành thì cảnh sát sẽ đến, cưỡng chế tôi đến khu cách ly", Wang kể.

Tối hôm đó, Wang được đưa đến Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Thung lũng Quang học cùng với hơn 40 người từ khách sạn. Trung tâm được đài truyền hình trung ương CCTV giới thiệu khi khai trương vào tuần trước với hình ảnh cơ sở vật chất mới tinh, sàn nhà sáng bóng. "Chúng tôi muốn tạo ra một môi trường ấm cúng như trong bệnh viện và cung cấp các dịch vụ y tế đầy đủ. Chúng tôi hy vọng tất cả bệnh nhân sẽ sớm hồi phục", Wu Yingchun, một quan chức phụ trách trung tâm triển lãm, nói.

Tuy nhiên, điều kiện thực tế không như vậy. Những túi rác đựng vỏ cơm hộp và khẩu trang đã sử dụng chất đống trên sàn nhà. Không có thuốc hay phương pháp điều trị nào được cung cấp cho bệnh nhân ngoài việc kiểm tra thân nhiệt hàng ngày, theo Wang. "Hai bác sĩ phụ trách 200 bệnh nhân", cô nói.

Không có hệ thống sưởi trung tâm. Thay vào đó, chăn sưởi được cung cấp cho bệnh nhân để giữ ấm. Nhà vệ sinh di động và phòng tắm được đặt ngoài trời, trong cái lạnh buốt giá. "Điều kiện ở đây rất tệ", Wang nói và cho biết thêm rằng cô không dám sử dụng vòi hoa sen vì sợ lây nhiễm chéo.

Wang lo ngại các bệnh do virus khác, như cúm thông thường, có thể dễ dàng lây lan trong trung tâm này, nơi xếp đầy những dãy giường mà không phân vùng. "Họ thà cách ly nhầm 10.000 người còn hơn bỏ sót 100".

Tối 20/2, Wang gọi điện đến trung tâm chỉ huy chống dịch của thành phố để khiếu nại. Sáng hôm sau, một bác sĩ thông báo tin tốt: cô có thể rời đi. Wang rời trung tâm trên một chiếc xe buýt với 6 người khác. Nhưng thay vì được về nhà, họ lại bị đưa đến một khách sạn cách ly. Wang không biết mình còn phải ở đây bao lâu.

Cô không phải là người duy nhất bị cuốn vào tình cảnh này. Ngày 18/2, Bo Hanlin, nhiếp ảnh gia ngoài 30 tuổi, suýt phải đi cách ly tại bệnh viện đã từ chối tiếp nhận vợ anh hai tuần trước.

Vợ anh sau đó được xác nhận nhiễm nCoV và cuối cùng được đưa vào một bệnh viện khác, sau khi bài đăng trên mạng xã hội cầu xin giúp đỡ của cô được xem hàng trăm nghìn lần và thu hút sự chú ý của giới chức. Cô đã bình phục và được xuất viện vào tuần trước.

Lo lắng về sức khỏe của mình, Bo đã chụp lồng ngực và kết quả cho thấy không có dấu hiệu bị bệnh. Anh cũng làm xét nghiệm dịch ngoáy họng hai lần theo yêu cầu của tổ dân phố và cả hai đều cho kết quả âm tính, nhưng anh không được thông báo kết quả vào thời điểm đó.

Ngày 18/2, sau khi anh đã tự cách ly 11 ngày, tổ dân phố yêu cầu anh làm xét nghiệm axit nucleic lần ba. Bo cảm thấy hoang mang. Ban đầu Bo từ chối, yêu cầu được biết kết quả xét nghiệm trước đó. Nhưng tổ dân phố đã gọi cảnh sát để đưa anh lên xe cứu thương đến bệnh viện.

Bo sau đó bị sốc khi nhận ra rằng "xét nghiệm lần ba" chỉ là cái cớ để dụ anh ra khỏi nhà. Thực tế, anh bị cách ly cùng với 5 người khác cũng không có triệu chứng và âm tính với nCoV. Họ đã khiến nại với một quan chức nhưng 6 người đàn ông bị cảnh sát mặc đồ bảo hộ bao vây. "Giống như họ định cưỡng chế cách ly chúng tôi vậy", Bo nói.

Một số bác sĩ của bệnh viện được gọi đến để thuyết phục họ đi cách ly. Các bác sĩ kiểm tra kết quả xét nghiệm và "hoàn toàn không thốt nên lời", Bo mô tả.

"Các bác sĩ hét lên với quan chức: "tất cả những người này đều âm tính, sao lại đưa họ đi cách ly?", anh kể. Quan chức giải thích Bo và 5 người kia nằm trong trong danh sách trực tuyến những người được xét nghiệm virus và được coi là nghi nhiễm. Các bác sĩ trả lời rằng danh sách này đã lỗi thời vì nó bao gồm cả những người âm tính.

Cuối cùng họ được phép về nhà. Bo gọi vào đường dây nóng của thị trưởng để phàn nàn. "Tôi khá tức giận. Hiện có rất nhiều người chưa được nhập viện và không có đủ giường cho họ, tại sao lại cách ly những người khỏe mạnh trong khi cần giường cho những người có triệu chứng?".

Số ca liên quan đến nCoV tại Việt Nam
Nơi khởi bệnh Nhiễm Tử vong
TP Hồ Chí Minh 3 -
Khánh Hòa 1 -
Thanh Hóa 1 -
Vĩnh Phúc 11 -
16
0
15
Cập nhật: 20:00, 23/2Nguồn: Bộ Y Tế
    • Việt Nam
    • Thế giới

Một cô gái cho biết cả gia đình của chú cô được đưa vào một khách sạn cách ly hôm 19/2, một tháng sau khi người chú nhiễm nCoV được xuất viện. Không ai trong số 6 thành viên gia đình có triệu chứng trong tháng qua, khi họ tự cách ly tại nhà. Người chú cũng đã chụp lồng ngực vài lần sau khi xuất viện.

Khi nói chuyện với CNN một ngày trước khi được đưa đi cách ly, cô lo lắng về ông bà đã ngoài 80 tuổi và em họ 10 tuổi. "Tất cả đều nằm trong nhóm dễ bị tổn thương vì có hệ thống miễn dịch yếu, làm sao họ có thể chịu đựng được những điều này?", cô gái nói.

Nhưng ngày 19/2, cô cho biết cả gia đình "tự nguyện" được đưa đến khách sạn cách ly, để "hy sinh" vì lợi ích lớn hơn của Vũ Hán. "Không còn cách nào khác, đây là chính sách hiện nay. Chúng tôi chỉ có thể tuân theo và tin tưởng vào chính quyền", cô nói.

Theo: vnexpress.net

Tin cùng chuyên mục