Khủng hoảng nghiêm trọng giữa các đồng minh, NATO lên tiếng xoa dịu

Những căng thẳng giữa Pháp - Mỹ- Australia liên quan hành lập liên minh AUKUS vẫn chưa hạ nhiệt với việc Pháp cho rằng đang có khủng hoảng nghiêm trọng giữa các đồng minh.

Bất chấp việc NATO xoa dịu về sự gắn kết trong nội bộ khối, căng thẳng mới nhất này đang có tác động không nhỏ đến mối quan hệ liên minh xuyên Đại Tây Dương mới được cải thiện gần đây.

Chưa nguôi giận liên quan đến thỏa thuận Anh-Australia-Mỹ, phát biểu trên kênh truyền hình France 2 hôm qua, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đả kích "chủ nghĩa cơ hội thường trực" của chính phủ Anh, mà ông gọi là "bánh xe thứ ba" trong hiệp ước an ninh với Mỹ và Australia, đồng thời cáo buộc Australia và Mỹ lừa dối.

Ngoại trưởng Pháp cũng nhấn mạnh một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hiện đang diễn ra giữa các đồng minh: “Chúng ta không thể hành xử cách đó trong một liên minh. Chúng ta là đồng minh và khi là đồng minh chúng ta không đối xử tàn bạo với nhau, nhất là một đối tác lớn như Pháp".

Ngoại trưởng Pháp còn lưu ý rằng NATO phải tính đến những gì đã xảy ra khi khối này cân nhắc chiến lược trong tương lai.

Cố gắng giảm bớt căng thẳng giữa các đồng minh, Chủ tịch Ủy ban quân sự NATO Đô đốc Rob Bauer cho rằng việc này không có khả năng ảnh hưởng đến sự "hợp tác quân sự" trong khối. Trước hết, Australia là một đối tác nhưng không thuộc NATO. Có nhiều thỏa thuận giữa các quốc gia có thể ảnh hưởng đến NATO về mặt chính trị. Tuy nhiên hiện tại, thỏa thuận này không ảnh hưởng đến sự hợp tác quân sự trong khối.

Bất chấp trấn an của NATO, vụ việc này sẽ có tác động lớn đến mối quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương mà Tổng thống Joe Biden đã cố gắng cải thiện kể từ khi lên nắm quyền. Theo một số nhận định, thỏa thuận ba bên mới này một phần xuất phát từ sự thất vọng lẫn nhau giữa Mỹ và các đối tác EU. Theo quan điểm của Mỹ, EU quá mềm mỏng với Trung Quốc, trong khi châu Âu cho rằng, Mỹ đang hành động quá mạnh mẽ chống Trung Quốc. Do đó, EU đã phát triển chiến lược của riêng mình tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, làm sâu sắc thêm mối quan hệ với các nước trong khu vực.

Theo giới quan sát, có những lựa chọn khác nhau để vượt qua cuộc khủng hoảng này trong ngắn hạn và trung hạn. Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố cam kết hợp tác với Pháp ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhưng ông cũng cần thể hiện rõ việc sẵn sàng “giải quyết các hậu quả” như thế nào với Paris. Mời Tổng thống Pháp đến Mỹ để thảo luận về vấn đề này có thể là một bước đầu tiên tích cực, nhưng được cho là chưa đủ. Pháp chắc chắn sẽ tìm cách tận dụng để đạt được lợi ích nào đó, ngoài “phí bồi thường” dự kiến từ Australia.

Một triển vọng dễ đoán hơn khi châu Âu có thể coi sự kiện này khẳng định một thực tế là lợi ích của khối có nguy cơ bị ảnh hưởng thế nào trong cuộc cạnh tranh toàn cầu giữa Trung Quốc và Mỹ, qua đó thúc đẩy chiến lược tự chủ châu Âu. Pháp - quốc gia EU duy nhất có sự hiện diện quân sự thực sự ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng đang tìm cách hợp tác nhiều hơn với Đức và Hà Lan để thúc đẩy vấn đề này./.

Theo: vov.vn

Tin cùng chuyên mục