Liên minh cầm quyền Na Uy sụp đổ vì cô dâu IS

Liên minh cầm quyền Na Uy tan rã sau khi đảng Tiến bộ cánh hữu rời đi vì bất đồng về việc cho một nữ phiến quân IS hồi hương.

 

Lãnh đạo đảng Tiến bộ (FRP) Siv Jensen hôm 20/1 thông báo tại họp báo rằng bà sẽ đưa đảng của mình ra khỏi liên minh cầm quyền sau khi gặp Thủ tướng Na Uy Erna Solberg. "Tôi làm điều đó bởi nó là điều đúng đắn duy nhất cần làm", Jensen nói. 

Giải thích cho quyết định này, lãnh đạo FRP viện dẫn việc chính phủ Na Uy cho phép hồi hương một phụ nữ từng tham gia phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria. Chính phủ Na Uy cho biết nữ phiến quân này và hai con đã trở về Na Uy tuần trước.

"Chúng ta có thể chào đón những đứa trẻ, nhưng chúng tôi không thỏa hiệp với những người đã tự nguyện gia nhập tổ chức khủng bố và những người đang làm việc để phá bỏ tất cả các giá trị mà Na Uy đang xây dựng", bà Jensen nói.

Tuy nhiên, nữ chính trị gia "cam kết giải quyết vấn đề một cách có trật tự và sẽ có cuộc đối thoại nghiêm túc với Thủ tướng trong tương lai" về việc đảng của bà rời khỏi liên minh cầm quyền.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Ine Eriksen Soreide, thành viên đảng Bảo thủ trong liên minh cầm quyền, cho hay bà "hài lòng" khi giải quyết được một "vụ khó khăn" liên quan đến hồi hương nữ phiến quân này.

Soreide giải thích rằng việc hỗ trợ gia đình nữ phiến quân IS hồi hương là vì lý do nhân đạo do một con nhỏ của người này bị ốm nặng. "Người mẹ đã bị bắt khi trở về Na Uy, trong khi những đứa trẻ được chăm sóc sức khỏe và sẽ được cơ quan phúc lợi trẻ em giám sát", bà cho biết thêm.

Thủ tướng Na Uy  Erna Solberg phát biểu tại một sự kiện ở Paris, Pháp ngày 14/1. Ảnh: Reuters.

Thủ tướng Na Uy Erna Solberg phát biểu tại một sự kiện ở Paris, Pháp ngày 14/1. Ảnh: Reuters.

Trong một tuyên bố gửi CNN, Thủ tướng Solberg, lãnh đạo đảng Bảo thủ, giải thích chính phủ của bà đứng trước hai lựa chọn khó khăn, đó là cho ba mẹ con về nước, hoặc để một công dân Na Uy 5 tuổi chết vì bệnh tật. Chính phủ của bà sau đó quyết định đưa cậu bé về quê nhà, còn mẹ cậu sẽ bị bắt và bị truy tố.

"Tôi tôn trọng việc FRP có quan điểm khác. Đây là lựa chọn khó khăn. Nhưng đối với tôi, việc giúp cậu bé, con của một phiến quân IS, trở về Na Uy là điều đúng đắn", Thủ tướng Solberg nói.

Sau khi FRP rời đi khiến liên minh cầm quyền tan rã, chính phủ của Thủ tướng Solberg sẽ đối mặt với tương lai bất định khi chỉ chiếm thiểu số tại quốc hội với sự hỗ trợ của đảng Tự do và Dân chủ Công giáo theo một thỏa thuận đầu năm ngoái. Bà Solberg cam kết sẽ nỗ lực duy trì chính phủ đến năm 2021.

Không chỉ Na Uy, nhiều quốc gia châu Âu đang phải vật lộn khi phải đối mặt với vấn đề gọi là "cô dâu IS", những người phụ nữ từng đến Trung Đông để kết hôn với các tay súng IS và sau đó hồi hương khi nhóm phiến quân bị đánh bại.

Anh hồi tháng 2/2019 tước quyền công dân của Shamima Begum, người từng gia nhập IS ở Iraq và xin quay về Anh. Một tháng sau, con trai của Begum chết vì sức khỏe yếu.

Theo: vnexpress.net

Tin cùng chuyên mục