Lý do thành phố này ở Nhật cấm du khách vừa đi vừa ăn

Vì nhiều lí do, thành phố Karakuma của Nhật Bản vừa đưa ra một sắc lệnh yêu cầu du khách không được ăn uống trên đường phố.

 

Ẩm thực đường phố là một nét văn hóa đặc trưng ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên điều đó có đồng nghĩa với việc bạn nên mua và ăn đồ ăn ngay trên đường không? Nhật Bản đang gặp khó khăn trong việc trả lời câu hỏi này, đặc biệt là với những vùng du lịch nổi tiếng.

Kamakura, thành phố thuộc vùng thủ phủ Kanagawa, là một trong số đó. Vào tháng 4 vừa qua, thành phố này đã đưa ra một sắc lệnh chính thức yêu cầu du khách không được ăn trong lúc đi bộ.

Một vấn đề gây e ngại lớn là rác thải từ bao bì và đồ ăn thừa, có thể sẽ thu hút động vật và tạo ra những đống bừa bộn mà người dân địa phương sẽ phải lau dọn.

Lý do thành phố này ở Nhật cấm du khách vừa đi vừa ăn
Karakuma là nơi có bức tượng Phật nổi tiếng thế giới.

Karakuma nằm cách Yokohama – thành phố lớn thứ 2 Nhật Bản khoảng 30km về phía Tây Nam. Thành phố này là quê hương của nhiều trong số những ngôi chùa được biết đến nhiều nhất ở Nhật Bản, thêm vào đó là những bãi biển tuyệt đẹp.

Một đại diện của thành phố Karakuma nói với hãng tin CNN rằng, sắc lệnh áp dụng với những khu vực công cộng này được đưa ra nhằm nâng cao nhận thức về vấn đề, chứ không phải để phạt du khách. Sẽ không có hình phạt hay cảnh cáo nào được đưa ra đối với những người không tuân thủ yêu cầu này.

Đặc biệt, Komachi-dori, một con phố sầm uất với nhiều cửa hàng, thường là tâm điểm của sự chú ý mỗi khi nhắc đến việc ăn uống ngoài đường phố. Mặc dù là một khu vực thương mại, con phố này là điểm đến của nhiều tour ẩm thực địa phương. Tờ Japan Today báo cáo rằng mỗi ngày có khoảng 50.000 đến 60.000 người đến thăm Komachi-dori. Con số này đặc biệt ấn tượng khi con phố này chỉ dài 350 mét.

Tuy nhiên, những lo ngại về việc ăn uống khi đi lại không chỉ xuất phát từ việc vương vãi và rác thải.

 

Nhiều người Nhật cho rằng, việc đi lại hoặc thực hiện các hoạt động khác khi ăn thể hiện sự thiếu tôn trọng, vì điều đó có nghĩa là bạn không thực sự nhận thức rõ ràng và biết ơn thứ mình đang ăn. Với nhiều người, quan niệm này có nguồn gốc từ Thế chiến thứ 2, khi thực phẩm còn khan hiếm và quý báu, chứ không hề tầm thường.

Vấn đề từ việc du khách ăn uống trên đường phố không chỉ là mối lo ngại ở riêng Nhật Bản. Ở thành phố Florence, Italy, một phần của trung tâm thành phố có lệnh nghiêm cấm tuyệt đối việc ăn uống trên vỉa hè, lòng đường, trước cửa các cửa hàng và nhà dân. Nó không phải chỉ là vấn đề vệ sinh, mà còn bởi đây là một khu vực đông đúc. Nếu mọi người ngồi xuống ăn uống trên vỉa hè, thì sẽ gây khó khăn cho những người qua lại.

Lý do thành phố này ở Nhật cấm du khách vừa đi vừa ăn
Thành phố Florence, Italy.

Trong trường hợp của Florence, lệnh cấm này có mức phạt rất cao, lên tới 500 Euro.

Trong khi đó, một thành phố có thể được coi là nổi tiếng nhất về ẩm thực đường phố - Bangkok, lâu nay đã và đang cố gắng tìm ra giải pháp về những khu chợ và quầy hàng thực phẩm ngoài trời.

Nhiều người dân địa phương muốn giới hạn và thậm chí là đóng cửa chúng, nhưng nhiều người khác tin rằng có thể tìm ra giải pháp cho một văn hóa ẩm thực đường phố nhộn nhịp mà không làm ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người dân.

Theo: vietnamnet.vn

Tin cùng chuyên mục