Lý do Trung Quốc quyết dập dịch đến cùng

Chuyên gia Trung Quốc cho rằng chiến lược mở biên, sống chung với Covid-19 như Singapore không phải mô hình hữu hiệu với quốc gia 1,4 tỷ dân.

 

"Không dễ để xây dựng được mạng lưới an toàn bảo vệ sức khỏe cho 1,4 tỷ người. Chúng tôi không thể từ bỏ như vậy vậy được", Li Ling, chuyên gia Trường Phát triển Quốc gia thuộc Đại học Bắc Kinh, ngày 20/10 cho biết, đề cập đến chiến lược "không Covid" của Trung Quốc.

Trung Quốc từ lâu đã áp dụng chiến lược này để dập dịch, bao gồm các đợt phong tỏa thần tốc và liên tục xét nghiệm diện rộng mỗi khi phát hiện một cụm dịch trong cộng đồng. Trung Quốc tới nay vẫn kiên trì theo đuổi chiến lược này, dù 76% dân số được tiêm ít nhất một mũi vaccine Covid-19 và 71% đã hoàn thành liệu trình, theo Our World in Data.

Trong khi đó, Singapore, nơi 83% dân số đã được tiêm chủng, quyết định dỡ bỏ các hạn chế tụ tập từ tháng 8, cho phép người dân được dùng bữa tại nhà hàng và nhân viên trở lại làm việc tại văn phòng. Đây là một phần trong kế hoạch trong chiến lược "sống chung với Covid-19" của Singapore, coi virus như một loại bệnh đặc hữu.

Tuy nhiên, Singapore đã phải tái áp đặt một số hạn chế hồi cuối tháng 9, sau khi số ca nhiễm tăng cao gây áp lực lên các bệnh viện. Những hạn chế này ban đầu dự kiến hết hạn hôm 18/10, song được gia hạn tới ngày 21/11, sau khi nước này ngày 19/10 ghi nhận mức kỷ lục 3.944 ca nhiễm mới.

Dân Singapore ngồi nghỉ dưới tán cây tại khu tài chính ngày 21/10. Ảnh: AFP.

Dân Singapore ngồi nghỉ dưới tán cây tại khu tài chính ngày 21/10. Ảnh: AFP.

Chuyên gia Li cho rằng chiến lược của Singapore đã không thể kiềm chế được số ca nhiễm mới. Nếu tình trạng tương tự xảy ra ở Trung Quốc, đất nước có 1,4 tỷ dân, "con số không chỉ dừng ở 3.000 ca nhiễm mới mỗi ngày".

Li nhận định chìa khóa để Trung Quốc mở cửa trở lại là đại dịch và các biến chủng mới được kiểm soát ở nước khác. "Chừng nào một đất nước chưa thể kiểm soát được virus, không một quốc gia nào có thể tránh nguy cơ lây nhiễm", chuyên gia này cho biết.

Trong khi đó, Trung Quốc ít đối mặt với áp lực mở cửa. "Chiến lược lưu thông kép giúp nền kinh tế Trung Quốc phục hồi ổn định", Li nói, nhắc đến nỗ lực kích cầu kinh tế thông qua tiêu dùng và nhu cầu trong nước của Trung Quốc. "Nhu cầu mở cửa trở lại của Trung Quốc ít cấp bách hơn Singapore. Trung Quốc nên đặt sức khỏe của người dân lên hàng đầu".

Li cho rằng là một trung tâm tài chính quốc tế nhỏ hơn, Singpore chịu áp lực mở cửa với thế giới lớn hơn, trong khi hiện nay dư luận Trung Quốc có ít dấu hiệu ủng hộ cách tiếp cận kiểu Singapore.

Trước đó, nhà virus học Trung Quốc Trương Văn Hoành hồi tháng 7 đề xuất mọi quốc gia phải tìm cách sống chung với Covid-19 do dữ liệu cho thấy nCoV tiếp tục lây lan bất chấp tiêm chủng rộng rãi.

Cựu bộ trưởng y tế Trung Quốc Cao Cường sau đó lên tiếng ngầm chỉ trích ý kiến của Trương Văn Hoành, cho rằng việc một vài chuyên gia nước này tự mâu thuẫn khi vừa cảnh báo nguy cơ lây nhiễm của biến chủng Delta, vừa đề xuất sống chung với đại dịch.

Tuy nhiên, Trung Quốc gần đây xuất hiện một số dấu hiệu cho thấy nước này có thể đang cân nhắc việc mở cửa trở lại với thế giới. Chung Nam Sơn, chuyên gia hàng đầu về các bệnh đường hô hấp, và giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc Cao Phúc đề xuất điều kiện mở cửa trở lại là ít nhất 85% dân số được tiêm vaccine và tỷ lệ tử vong ở mức thấp.

Nhân viên y tế Trung Quốc lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho một người phụ nữ ở thành phố Tương Đàm, tỉnh Hồ Nam ngày 20/10. Ảnh: AFP.

Nhân viên y tế Trung Quốc lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho một người phụ nữ ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây ngày 20/10. Ảnh: AFP.

Bất chấp việc sử dụng mã QR để giám sát hoạt động di chuyển của dân chúng, Trung Quốc tiếp tục ghi nhận một số đợt bùng phát lẻ tẻ. Sau một thời gian im ắng, các ổ dịch lại tiếp tục bùng phát ở Cam Túc, Thiểm Tây, Quý Châu, thủ đô Bắc Kinh và các khu tự trị Hồi Ninh Hạ và Nội Mông những ngày qua.

Trung Quốc báo cáo thêm 21 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng ca nhiễm lên 96.622, trong đó 4.636 ca tử vong. 9 ca nhiễm cộng đồng được báo cáo ngày 19/10 và 17 ca ngày 20/10 nằm trong chuỗi lây nhiễm liên quan đến một đôi vợ chồng sống tại Thượng Hải.

Hai người này có kết quả âm tính với nCoV trước khi bay từ Thượng Hải tới Tây An, tỉnh Thiểm Tây rồi nối chuyến tới Trương Dịch, Cam Túc. Hai vợ chồng sau đó đi du lịch tại Cam Túc và Nội Mông, rồi nhận kết quả dương tính với nCoV. Họ tiếp xúc với 6 người khác trong chuyến đi, những người sau đó đều nhận kết quả dương tính.

Theo: vnexpress.net

Tin cùng chuyên mục