Mỹ điều tra lại cái chết của George Floyd

Bộ Tư Pháp Mỹ đang mở lại hồ sơ điều tra và kêu gọi nhân chứng mới về vụ người da màu George Floyd bị cảnh sát ghì chết.

 

New York Times hôm 23/2 đưa tin Bộ Tư pháp Mỹ đã thành lập một bồi thẩm đoàn mới trong cuộc điều tra về Derek Chauvin, cựu cảnh sát bị buộc tội ghì chết người da màu George Floyd ở Minneapolis hồi tháng 5/2020.

Cựu cảnh sát Chauvin, 44 tuổi, đang được tại ngoại, đã không thừa nhận tội giết người cấp độ hai và tội ngộ sát cấp độ hai do các công tố viên cấp bang đưa ra trước đó.

Cuộc điều tra về Chauvin được Bộ Tư pháp Mỹ khôi phục sau khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức hồi tháng trước. Cơ quan này cũng đã triệu tập thêm các nhân chứng mới liên quan cuộc điều tra.

Đám đông biểu tình đòi công lý sau cái chết của người đàn ông da màu George Floyd tại Brooklyn, New York, hồi tháng 6/2020. Ảnh: Reuters.

Đám đông biểu tình đòi công lý sau cái chết của người đàn ông da màu George Floyd tại Brooklyn, New York, hồi tháng 6/2020. Ảnh: Reuters.

Các thủ tục tố tụng của bồi thẩm đoàn được giữ bí mật và Bộ Tư pháp Mỹ cùng Benjamin Crump, luật sư của gia đình Floyd, chưa bình luận về thông tin.

Phiên tòa cấp bang xét xử Chauvin dự kiến bắt đầu ở Minneapolis vào ngày 8/3 và thành phố đang chuẩn bị các biện pháp nhằm đối phó các cuộc biểu tình trong khoảng thời gian này.

Nếu Chauvin được tòa án cấp bang tuyên trắng án, vụ án có thể được chuyển sang quy trình tố tụng liên bang, trong đó các điều tra viên sẽ xem xét liệu Chauvin có vi phạm các quyền công dân của Floyd hay không.

Cảnh sát trưởng Michael Moore tại Los Angeles hôm 23/2 cho biết một số sĩ quan trọng đơn vị của ông đã đăng tải hình ảnh chế nhạo cái chết của Floyd. Ông cảnh báo bất cứ sĩ quan nào bị phát hiện làm như vậy sẽ phải chịu kỷ luật.

Ngoài Chauvin, ba cựu sĩ quan khác, gồm J. Alexander Kueng, Thomas Kiernan Lane và Tou Thao, cũng đã bị buộc tội hỗ trợ và tiếp tay giết người. Cả 4 cảnh sát đều bị sa thải sau cái chết của Floyd.

Việc người đàn ông da màu Floyd bị cảnh sát da trắng ghì chết đã châm ngòi cho phong trào biểu tình "Mạng người da màu quan trọng" lan khắp nước Mỹ và nhiều nơi khác trên thế giới trong suốt năm qua.

Theo: vnexpress.net

Tin cùng chuyên mục