Mỹ lên tiếng về căng thẳng Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp

Mỹ cho rằng các lời cảnh báo của Thổ Nhĩ Kỳ với Hy Lạp là "không hữu ích", kêu gọi hai đồng minh NATO giải quyết bằng ngoại giao.

 

"Trong khi Nga đang tiến quân tại một quốc gia châu Âu có chủ quyền, những tuyên bố có thể làm gia tăng căng thẳng giữa các đồng minh NATO là rất không hữu ích", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 6/9 trả lời khi được hỏi về những bình luận gần đây của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan.

"Mỹ tiếp tục khuyến khích các đồng minh NATO cùng phối hợp để duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực, giải quyết bất đồng bằng con đường ngoại giao", người phát ngôn cho biết thêm.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price tại thủ đô Washington hôm 10/3. Ảnh: Reuters.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price tại thủ đô Washington hôm 10/3. Ảnh: Reuters.

Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ là cựu thù trong lịch sử nhưng đều đang là thành viên NATO. Căng thẳng song phương gần đây gia tăng liên quan các quần đảo phía đông biển Aegean.

Số phận các quần đảo được định đoạt sau Chiến tranh Balkan 1912-1913 bởi các thỏa thuận giữa 6 bên gồm Áo - Hung, Anh, Pháp, Nga, Italy và Đức. Các cường quốc châu Âu năm 1914 quyết định quần đảo sẽ thuộc chủ quyền của Hy Lạp, chứ không phải Thổ Nhĩ Kỳ.

Chính quyền Erdogan lập luận các quần đảo trên biển Aegean được trao cho Hy Lạp theo hiệp ước năm 1923 và năm 1947 với điều kiện Athens không quân sự hóa khu vực, vì chúng nằm gần đất liền Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara đã nhiều lần cáo buộc Athens đưa vũ khí đến những đảo này.

Tổng thống Erdogan ngày 3/9 nói rằng Hy Lạp "đang chiếm đóng" các quần đảo, cảnh báo sẽ "có những hành động cần thiết vào đúng thời điểm, thời khắc phù hợp". Khi được hỏi về khả năng có hành động quân sự, ông Erdogan ngày 6/9 nhắc lại cách diễn giải đưa ra tuần trước.

Ông Erdogan còn cảnh báo Athens bằng cách đề cập việc Thổ Nhĩ Kỳ đã chiếm thành phố Smyrna, hiện nay là Izmir, từ Hy Lạp năm 1922 trong cuộc chiến giành độc lập của Ankara.

Tàu tuần tra của Hy Lạp tuần tra trên biển Aegean, gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 16/11/2021. Ảnh: Reuters.

Tàu tuần tra của Hy Lạp tuần tra trên biển Aegean, gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 16/11/2021. Ảnh: Reuters.

Trong khi đó, Hy Lạp bác cáo buộc từ Thổ Nhĩ Kỳ, cho rằng Ankara làm căng thẳng gia tăng, như thực hiện các chuyến bay qua các đảo của Athens. Ngoại trưởng Hy Lạp Nikos Dendias chỉ trích giới chức Thổ Nhĩ Kỳ nhiều ngày qua đã đưa ra "những bình luận thái quá".

"Tôi muốn khuyên bất cứ ai mơ mộng tấn công và chinh phục hãy suy nghĩ 3-4 lần", ông Dendias nói sau cuộc gặp Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna ở Athens ngày 6/9. "Chúng tôi đang ở vị thế sẵn sàng bảo vệ đất nước, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ".

Peter Stano, người phát ngôn của cao ủy về chính sách đối ngoại Liên minh châu Âu (EU), cho rằng những lời đe dọa và gây hấn là không thể chấp nhận và cần phải dừng lại.

"EU tái khẳng định kỳ vọng Thổ Nhĩ Kỳ hành động nghiêm túc để giảm căng thẳng, vì lợi ích của sự ổn định ở Đông Địa Trung Hải, và tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia thành viên EU", ông Stano nói ngày 5/9.

4 quần đảo phía đông biển Aegean được trao cho Hy Lạp theo các hiệp ước năm 1923 và 1947 với điều kiện phi quân sự hóa. Đồ họa: Wikimedia.

4 quần đảo phía đông biển Aegean được trao cho Hy Lạp theo các hiệp ước năm 1923 và 1947 với điều kiện phi quân sự hóa. Đồ họa: Wikimedia.

Theo: vnexpress.net

Tin cùng chuyên mục