Mỹ loại công nghệ nhạy cảm trên xe tăng chuyển cho Ukraine

Mỹ quyết định loại bỏ linh kiện chứa công nghệ nhạy cảm trên xe tăng M1 Abrams trước khi giao cho Ukraine, do lo ngại chúng lọt vào tay Nga.

 

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 2 chấp thuận chuyển xe tăng chủ lực M1 Abrams cho Ukraine sau nhiều tháng nước này đề nghị. Tuy nhiên, số xe tăng này phải mất vài tháng nữa mới tới Ukraine và không thể tham gia vào đợt phản công quy mô lớn sắp diễn ra.

Nguyên nhân là Mỹ đang chỉnh sửa số xe tăng M1 Abrams này, loại bỏ các linh kiện có công nghệ nhạy cảm trước khi chuyển cho Ukraine để đề phòng trường hợp chúng rơi vào tay quân đội Nga. Các quan chức và chuyên gia quân sự Mỹ cho biết đây là biện pháp phòng ngừa nhằm ngăn Nga thu được thông tin về công nghệ tối mật trên xe tăng Mỹ.

Mỹ thường sản xuất phiên bản vũ khí xuất khẩu riêng với một số tính năng bị lược bỏ, chỉ có quân đội Mỹ vận hành biến thể có tính năng đầy đủ và cao cấp nhất.

Xe tăng chủ lực M1A2 SEPv2 Abrams của Mỹ tại căn cứ Fort Benning, bang Georgia tháng 7/2021. Ảnh: US Army

Xe tăng chủ lực M1A2 SEPv2 Abrams của Mỹ tại căn cứ Fort Benning, bang Georgia tháng 7/2021. Ảnh: US Army

Các quan chức và chuyên gia quân sự Mỹ nhận định một trong những vấn đề phức tạp khi viện trợ xe tăng M1 Abrams cho Ukraine là khả năng một vài chiếc bị lực lượng Nga tịch thu trên chiến trường. Colin Smith, chuyên gia tại hãng tư vấn RAND, nhận định Nga có thể thử nghiệm và tìm kiếm điểm yếu trên M1 Abrams nếu thu được mẫu xe tăng này.

Theo chuyên gia Smith, Nga sẽ rất quan tâm đến lớp giáp bảo vệ trên biến thể M1 Abrams mới hơn để chế tạo vũ khí xuyên phá. Không giống mẫu máy bay không người lái (UAV) MQ-9 Reaper rơi trên Biển Đen hồi tháng 3, Nga có thể khôi phục gần như nguyên vẹn một chiếc M1 Abrams bị hư hỏng.

Hai quan chức Mỹ khẳng định biển thể M1A1 Abrams mà Ukraine sắp nhận được không chứa linh kiện nhạy cảm mà Nga có thể thu thập thông tin. Biến thể M1A1 sử dụng cùng pháo 120 mm với M1A2, song không có những thiết bị tiên tiến hơn như hệ thống ngắm mục tiêu.

Lầu Năm Góc hồi tháng 3 công bố kế hoạch chuyển biến thể M1A1 ít phức tạp hơn cho Ukraine để đẩy nhanh tốc độ chuyển giao, giải thích rằng họ có thể rút số xe tăng này từ kho niêm cất và tân trang nhanh hơn.

Đại tá Martin O'Donnell, phát ngôn viên bộ tư lệnh Lục quân Mỹ tại châu Âu và châu Phi, khẳng định dù chuyển gấp số xe tăng này, binh sĩ Ukraine không thể lập tức đưa chúng vào giao tranh với lực lượng Nga. Các binh sĩ Ukraine phải trải qua khóa huấn luyện kéo dài 10 tuần, dự kiến bắt đầu cuối tháng 5 tại Đức.

Tuy nhiên, một số chỉ huy quân đội Mỹ cảnh báo xe tăng không phải "vũ khí tối thượng" giúp Ukraine giành chiến thắng trước Nga. Đại tướng Mark Milley, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, nhận định xe tăng M1 "sẽ hoạt động rất hiệu quả trên chiến trường", song không tạo ra lợi thế mang tính quyết định cho Ukraine.

Mỹ phát triển M1 Abrams năm 1972-1975 và vận hành mẫu xe tăng này từ năm 1980 tới nay. Xe tăng M1 được trang bị pháo 120 mm, súng đồng trục 7,62 mm và súng 12,7 mm, có thể đạt vận tốc tối đa 67 km/h. Kíp lái của M1 Abrams có 4 người, gồm trưởng xe, pháo thủ, nạp đạn và lái xe.

Xe tăng M1 Abrams được đánh giá là một trong những chiếc xe tăng tốt nhất thế giới hiện nay. Tuy nhiên, phiên bản xuất khẩu cho một số nước không được trang bị những loại giáp như bản của quân đội Mỹ, khiến chúng có nguy cơ tổn thương cao hơn trước nhiều loại tên lửa chống tăng phổ thông.

Theo: vnexpress.net

Tin cùng chuyên mục