Mỹ muốn đặt 'mắt thần' ở Nhật đối phó tên lửa xuyên lục địa

Radar cảnh giới đặt tại Nhật có thể sớm phát hiện tên lửa đạn đạo phóng tới lãnh thổ Mỹ, giúp Washington tìm biện pháp đối phó.

 

Lá chắn tên lửa Aegis Ashore của Mỹ trong một cuộc thử nghiệm. Ảnh: AP.

Lá chắn tên lửa Aegis Ashore của Mỹ trong một cuộc thử nghiệm. Ảnh: AP.

Mỹ đang xem xét đề nghị Tokyo cho phép triển khai một đài radar cảnh báo tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) trên lãnh thổ Nhật Bản, nhằm tăng cường khả năng phát hiện và đánh chặn các mối đe dọa nhằm vào nước này, Yomiuri Shimbun hôm qua dẫn lời nguồn tin giấu tên trong chính phủ hai nước tiết lộ.

Chính phủ Mỹ dự kiến sớm thông báo kế hoạch này cho Nhật, trong đó đề cập tới nguy cơ bị tấn công bằng đòn phủ đầu từ Nga, Trung Quốc và Triều Tiên. Hệ thống Radar Phòng thủ Nội địa (HDR) sẽ được lựa chọn nếu hai bên đạt thỏa thuận.

Hệ thống HDR cũng có thể được dùng để theo dõi "vệ tinh sát thủ", vũ khí được thiết kế nhằm vô hiệu hóa mạng lưới vệ tinh Mỹ. Washington sẵn sàng chia sẻ dữ liệu từ HDR cho Lực lượng phòng vệ Nhật Bản.

Mỹ đã triển khai một tổ hợp HDR tại Hawaii với chi phí gần 600 triệu USD và dự kiến đưa vào hoạt động từ năm 2023, trong khi đài cảnh báo tại Nhật có thể đạt khả năng vận hành vào cuối năm 2025. Hai tổ hợp HDR sẽ giúp quân đội Mỹ sớm phát hiện và chuẩn bị phương án đánh chặn ICBM đối phương.

Mỹ sở hữu Hệ thống phòng thủ giai đoạn giữa trên mặt đất (GMD) để bảo vệ lãnh thổ trước đòn đánh bằng ICBM, bao gồm các tên lửa đánh chặn đặt tại bang Alaska và California, cùng mạng lưới radar cảnh giới ở nhiều khu vực quanh nước Mỹ.

Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ ICBM đòi hỏi Washington tìm ra phương án phát hiện chúng ngay sau khi rời bệ phóng. Việc triển khai hệ thống HDR, được coi là "mắt thần" chống ICBM, nằm trong tài liệu Đánh giá Phòng thủ Tên lửa (MDR) do Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố hôm 17/1, trong đó đề xuất tăng cường sức mạnh cho lá chắn tên lửa Mỹ.

Quân đội Mỹ đang triển khai các đài radar cảnh giới di động TPY-2 ở Nhật để theo dõi tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung. Tuy nhiên, chúng không thể vận hành liên tục như đài radar cố định, cũng như khó lòng phát hiện ICBM của đối phương.

Theo: vnexpress.net

Tin cùng chuyên mục