Mỹ tiết lộ hoạt động của tàu sân bay trên Biển Đông

Nhóm tàu sân bay Theodore Roosevelt vào Biển Đông để tiến hành các hoạt động huấn luyện, diễn tập nhằm thể hiện cam kết với tự do hàng hải.

 

"Tôi có thể xác nhận rằng nhóm tác chiến tàu sân bay Theodore Roosevelt đã tiến vào Biển Đông qua eo biển Malacca hôm 4/4 để thực hiện các nhiệm vụ thường kỳ", thiếu tá hải quân Jackie Pau, phát ngôn viên Nhóm tác chiến tàu sân bay số 9, trả lời câu hỏi của VnExpress hôm nay về hoạt động của nhóm chiến hạm Mỹ.

Hải quân Mỹ cho biết đây là lần thứ hai nhóm tác chiến tàu sân bay Theodore Roosevelt tiến vào Biển Đông trong đợt làm nhiệm vụ năm 2021. "Nhiệm vụ này nhằm tái khẳng định với các đồng minh và đối tác rằng chúng tôi vẫn duy trì cam kết với tự do hàng hải trên các vùng biển", chuẩn đô đốc Doug Verissimo, chỉ huy Nhóm tác chiến tàu sân bay số 9, cho hay.

Mỹ tiết lộ hoạt động của tàu sân bay trên Biển Đông
 

Tiêm kích F/A-18E cất cánh từ USS Theodore Roosevelt trên Biển Đông hôm 6/4. Ảnh: US Navy.

Nhóm tàu Theodore Roosevelt và phi cơ trên hạm sẽ thực hiện các hoạt động huấn luyện bay, diễn tập tiến công hàng hải, săn ngầm và hiệp đồng tác chiến trong thời gian hiện diện ở Biển Đông.

"Chúng tôi đã thể hiện cam kết với trật tự thượng tôn pháp luật ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bằng cách phối hợp với những người bạn từ Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia và Hàn Quốc. Chúng tôi mong muốn được tiếp tục hợp tác với những bên ủng hộ tầm nhìn chung về an ninh, ổn định ở một trong những khu vực quan trọng nhất thế giới", chuẩn đô đốc Verissimo nói thêm.

Nhóm tàu sân bay Mỹ đang triển khai ở Biển Đông gồm hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt, Không đoàn trên hạm số 11, tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill và tàu khu trục USS Russell.

"Tàu sân bay Mỹ vào Biển Đông không còn xa lạ với các nước trong khu vực. Nhóm tàu Theodore Rossevelt cũng có các hoạt động ở Biển Đông vào khoảng thời gian này năm ngoái. Chúng tôi chưa thấy có gì bất bình thường trong hoạt động của tàu sân bay này", Võ Ngọc Diệp, làm việc tại Viện Biển Đông thuộc Học viện Ngoại giao, cho hay.

Nhóm tác chiến tàu sân bay Roosevelt tới Biển Đông trong bối cảnh hơn 200 tàu Trung Quốc neo đậu trái phép tại bãi đá ngầm gần đảo Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Các tàu vỏ sắt cỡ lớn này thả neo tại chỗ, không có bất cứ hoạt động đánh bắt nào dù trời trong xanh và thời tiết thuận lợi.

Philippines khẳng định những tàu này do "dân quân biển Trung Quốc" điều khiển, song Trung Quốc phủ nhận, cho rằng đây chỉ là "tàu cá" đang neo đậu tránh thời tiết xấu. Sau nhiều ngày neo đậu, khoảng 210 tàu Trung Quốc đã tỏa đi các đá ngầm và đảo khác trong khu vực, 44 tàu vẫn ở bãi đá ngầm gần đảo Sinh Tồn Đông.

Nhiều nước đã lên tiếng bày tỏ lo ngại tình hình căng thẳng mới ở khu vực và phản đối động thái mang tính đe dọa của đội tàu Trung Quốc. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ và người đồng cấp Philippines hôm 31/3 cùng bày tỏ quan ngại về sự kiện này và cam kết "tiếp tục phối hợp chặt chẽ ứng phó với các thách thức ở Biển Đông".

Vị trí eo biển Malacca ở cửa ngõ Biển Đông. Đồ họa: Google Maps.

Vị trí eo biển Malacca ở cửa ngõ Biển Đông. Đồ họa: Google Maps.

Trong cuộc họp báo ngày 25/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, đồng thời yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hành động này.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao cho hay các lực lượng chấp pháp trên biển của Việt Nam đang thực hiện nghĩa vụ được quy định trong các luật của Việt Nam và luật pháp quốc tế.

Theo: vnexpress.net

Tin cùng chuyên mục