Nga ra sắc lệnh đình chỉ INF cho đến khi Mỹ ngừng vi phạm

Tổng thống Nga Vladimir đã ký sắc lệnh đình chỉ Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), sau quyết định tương tự của phía Mỹ hồi tháng 2.

Theo sắc lệnh mà điện Kremlin công bố ngày 4/3, “Hiệp ước INF có thể được hồi sinh nếu Mỹ chấm dứt tất cả những vi phạm đối với Hiệp ước này. Nếu không nó sẽ hết hạn và không còn hiệu lực”. Mỹ sẽ được thông báo chính thức về quyết định của Nga.

nga ra sac lenh dinh chi inf cho den khi my ngung vi pham hinh 1
Tên lửa Iskander-M và tên lửa 9M729 của Nga bị Mỹ cáo buộc vi phạm INF. Ảnh: Sputnik

Hiệp ước INF có hiệu lực từ năm 1988, theo đó cấm cả Liên Xô (nay là Nga) và Mỹ phát triển và triển khai các loại tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn 500-5.500km. Thỏa thuận được ký kết nhằm giảm căng thẳng ở châu Âu, nơi cả 2 nước đã từng triển khai hàng chục tên lửa, làm dấy lên mối đe dọa về một cuộc chiến tranh hạt nhân. Các loại tên lửa này chỉ cần vài phút để có thể trúng mục tiêu, và khiến đối phương chỉ có thời gian ngắn ngủi để đưa ra quyết định và phản ứng.

Suốt 10 năm qua, việc duy trì Hiệp ước INF gặp nhiều nguy cơ khi cả 2 Nga và Mỹ liên tục cáo buộc lẫn nhau vi phạm điều khoản của hiệp ước. Mỹ cho rằng Nga đã bí mật phát triển loại tên lửa vi phạm INF. Trong khi Nga bác bỏ các cáo buộc này.

Nga cũng cáo buộc tương tự, cho rằng Mỹ sử dụng tên lửa tầm trung trong việc phát triển công nghệ phòng thủ tên lửa, trong đó có hệ thống AEGIS Ashore.

Mỹ khẳng định các bệ phóng AEGIS Ashore ở Romania và Ba Lan là hoàn toàn mang tính phòng thủ, những Nga lại coi đây là mối đe dọa đối với lãnh thổ Nga.

Năm 2018, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, nếu Nga không phá hủy kho tên lửa mà Mỹ cho là vi phạm INF, Mỹ sẽ rút khỏi hiệp ước này. Các cuộc đàm phán giữa 2 bên đã không giải quyết được tình hình và Mỹ đã tuyên bố chính thức dừng thực thi Hiệp ước này hồi đầu tháng 2/2019.

Ngay sau đó, Nga cũng tuyên bố sẽ làm điều tương tự, cáo buộc Mỹ chơi trò 2 mặt và cho rằng Mỹ đã sử dụng những cáo buộc với tên lửa Nga làm cái cớ để hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân khi không còn cảm thấy hài lòng với nó.

Nga khẳng định nước này không có ý định xây dựng và triển khai các tên lửa tầm trung có khả năng hạt nhân trên mặt đất nếu Mỹ không làm điều đó trước. Nhưng nếu Mỹ làm điều đó, Nga có cả công nghệ lẫn năng lực sản xuất để đáp trả nhanh chóng. Trong thông điệp liên bang mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo, các tên lửa Nga sẽ nhằm vào không chỉ các tên lửa của Mỹ ở châu Âu, mà còn cả “các trung tâm quyết định” phát đi lệnh tiến hành một cuộc tấn công nhằm vào Nga./

Theo: VOV.VN

Tin cùng chuyên mục