Nga xác nhận tiêm kích Su-30 bị đồng đội bắn rơi

Tiêm kích Su-30M2 rơi sau khi trúng một phát đạn từ máy bay đồng đội khi tham gia diễn tập, theo nguồn tin trong cơ quan khẩn cấp tỉnh Tver.

 

"Theo điều tra sơ bộ, nguyên nhân dẫn tới tai nạn là một phát đạn vô tình bắn trúng chiếc Su-30 trong diễn tập. Một chiến đấu cơ khác đã khai hỏa viên đạn này", nguồn tin giấu tên trong cơ quan tình trạng khẩn cấp tỉnh Tver, phía tây nước Nga, tiết lộ hôm 23/9.

Phi cơ gặp nạn là chiếc Su-30M2 số hiệu 60 Đỏ mang mã số RF-95869, thuộc biên chế Trung đoàn Không quân Hỗn hợp số 3 của Quân khu miền Nam Nga, trong khi chiến đấu cơ bắn hạ nó dường như là tiêm kích đa năng Su-35S thuộc Trung đoàn Tiêm kích số 790 thuộc Quân khu miền Tây.

Tiêm kích Su-30M2 mã số RF-95869 hồi năm 2018. Ảnh: Russian Planes.
 

Tiêm kích Su-30M2 mã số RF-95869 hồi năm 2018. Ảnh: Russian Planes.

Máy bay Su-30 rơi xuống khu rừng ở vùng Vyshnevolovetsky, tổ lái phóng ghế thoát hiểm và được giải cứu, cả hai phi công đều trong tình trạng sức khỏe tốt. "Không có thiệt hại dưới mặt đất. Chúng tôi chưa nhận được yêu cầu hỗ trợ từ phía quân đội", chính quyền vùng Vyshnevolovetsky ra thông cáo cho hay.

Một số nguồn tin cho biết trước khi diễn tập, kỹ thuật viên mặt đất đã tháo toàn bộ tên lửa của tiêm kích Su-35S, nhưng quên không tháo đạn cho khẩu pháo GSh-30-1 cỡ nòng 30 mm.

Tuy nhiên, tài khoản Fighter Bomber của một phi công tiêm kích Nga cho biết đạn pháo không bao giờ được tháo khỏi máy bay, nhưng có nhiều cơ cấu an toàn để ngăn trường hợp khai hỏa ngoài ý muốn của phi công.

"Kỹ thuật viên phải thường ngắt công tắc và kết nối của hệ thống vũ khí trước những đợt diễn tập không có nội dung bắn đạn thật. Ngoài ra, phi công cũng không bật công tắc hỏa lực khi không chiến với đồng đội và tránh nhấn cò khi mục tiêu trong vòng ngắm. Pháo chỉ có thể khai hỏa khi toàn bộ những quy tắc này không được tuân thủ", phi công này cho hay.

Một nguồn tin khác cho biết các tiêm kích thường bám bắt nhau như trong không chiến thực sự, nhưng máy bay tấn công sẽ đổi hướng trước khi mô phỏng động tác khai hỏa để bảo đảm an toàn. "Quy trình này có trong tài liệu vận hành nhưng đã không được tuân thủ", người này cho biết.

Su-30M2 là tiêm kích được Nga phát triển từ biến thể xuất khẩu Su-30MK2, ban đầu được sử dụng để huấn luyện chuyển loại cho phi công Su-35S. Không quân Nga hiện nay thường sử dụng Su-30M2 làm mục tiêu huấn luyện tác chiến cho phi công Su-30SM và Su-35S.

Theo: vnexpress.net

Tin cùng chuyên mục