Người Trung Quốc vẫn sợ sữa nội 10 năm sau bê bối melamine

Hơn một thập niên sau bê bối sữa bột nhiễm độc khiến 6 trẻ tử vong, các bậc cha mẹ Trung Quốc vẫn không tin tưởng hàng nội địa.

 

Cán bộ thị trường đổ bỏ sữa nhiễm melamine ở Thâm Quyến năm 2008. Ảnh: Reuters.

Cán bộ thị trường đổ bỏ sữa nhiễm melamine ở Thâm Quyến năm 2008. Ảnh: Reuters.

Bê bối sữa năm 2008 là bước ngoặt với người tiêu dùng Trung Quốc. Khoảng 300.000 trẻ em bị đầu độc khi các nhà cung cấp bổ sung melamine, hóa chất dùng trong sản xuất nhựa vào sữa bột để tăng chỉ số hàm lượng protein trong các cuộc kiểm tra. Ngày 22/1 đánh dấu 10 năm ngày tử hình những kẻ sản xuất hàng trăm tấn melamine để trộn vào sữa, theo Bloomberg.

Bê bối thúc đẩy một kỷ nguyên mới của ngành sữa Trung Quốc, khi mà người tiêu dùng luôn nghi ngờ hàng nội địa. Ngành công nghiệp sữa bột trẻ em trị giá 27 tỷ USD của Trung Quốc bị định hình lại. Dù chính phủ đã đổi mới quy định về sản xuất sữa bột phù hợp tiêu chuẩn quốc tế, nhưng những người tiêu dùng như Chen Jijie, mẹ hai con ở Bắc Kinh, sẽ không bao giờ quên.

"Tôi chưa từng nghĩ tới việc sử dụng sữa bột nội địa, dù 10 năm đã qua", Chen, người có một con hai tuổi và một bé sơ sinh, nói. "Bê bối khiến tôi mất lòng tin vào sữa bột trong nước".

Thị phần sữa công thức của hãng Nestle tại Trung Quốc tăng 4 lần sau bê bối, khiến công ty này trở thành nhà phân phối hàng đầu tại Trung Quốc. Ở nước ngoài, doanh thu sữa A2 hàng năm tại Australia và New Zealand tăng vọt từ 1 triệu USD lên gần 673 triệu USD. Sữa nước ngoài được người tiêu dùng cho rằng an toàn hơn, chất lượng cao hơn, đồng thời là dấu hiệu của sự khá giả.

Trong lúc đó, các nhà cung cấp sữa nội địa đang cố giành lại thị phần với giá rẻ hơn, nguồn cung khác. Cuộc chiến giành thị phần sẽ khốc liệt hơn khi chỉ một phần tư phụ nữ Trung Quốc cho con bú, thị trường sẽ mở rộng 21% lên 32 tỷ USD vào năm 2023.

Cả hai hãng Danone và Nestle đều tập trung vào các bậc cha mẹ ở những thành phố hạng hai. Danone thúc đẩy bán hàng bằng thương mại điện tử, vì có ít cửa hàng bán lẻ ở vùng nông thôn Trung Quốc, trong khi Nestle đang xem xét sản phẩm nào phù hợp nhất với nhu cầu ở những khu vực này.

Nestle tuyên bố chọn lựa cẩn thận nhà cung cấp. Công ty cũng mở một viện chăn nuôi bò sữa ở đông bắc Trung Quốc năm 2014, dạy nông dân sản xuất sữa an toàn, chất lượng cao.

Còn các công ty sữa Trung Quốc tìm hướng đi mới khi sử dụng bò nước ngoài để giành lại thị phần trong tương lai xa. Yili và Mengniu, hai tập đoàn sữa lớn nhất Trung Quốc, đều bị phát hiện có sữa nhiễm melamine 10 năm trước, đang chạy đua xây dựng nguồn cung cấp sữa ở nước ngoài để chiếm lại lòng tin của người tiêu dùng Trung Quốc.

Mengniu, một trong những công ty sữa lớn nhất Trung Quốc, giành lại thị trường bằng cách sử dụng nguồn bò sữa nước ngoài. Ảnh: SCMP.

Mengniu, một trong những công ty sữa lớn nhất Trung Quốc, giành lại thị trường bằng cách sử dụng nguồn bò sữa nước ngoài. Ảnh: SCMP.

Mengniu bán một loại sữa có tên Milk Deluxe giá cao, sản xuất ở New Zealand, với hộp thiếc in hình núi tuyết như dãy Alpe. 

"Về ngắn hạn, tìm kiếm nguồn sữa nước ngoài là cách hiệu quả nhất để các hãng sữa Trung Quốc lấy lại niềm tin của người tiêu dùng", Luo Yixin, chuyên gia phân tích thị trường ở công ty Hua Tai nhận xét.

Trong số các nhà sản xuất sữa bột Trung Quốc, công ty duy nhất không dính bê bối melamine là Feihe. Công ty này chiếm 8,6% thị phần trong nước năm 2017. Thành công của nó cũng gắn liền với một chiến dịch xây dựng thương hiệu mang nguồn gốc nước ngoài. Tới năm 2013, Feihe vẫn niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán New York với cái tên American Dairy. Sau khi tái sử dụng tên tiếng Trung và tư nhân hóa, dòng sản phẩm bán chạy nhất của công ty là Firmus luôn được nhấn mạnh có nguồn gốc từ bò Mỹ và Nhật Bản. Thực tế, những con bò của hãng được chăn nuôi ở tỉnh Hắc Long Giang, đông bắc Trung Quốc.

Sản phẩm sản xuất và đóng gói ở nước ngoài có thể bán giá gấp đôi so với sữa sản xuất trong nước. Ở Australia và New Zealand, những quốc gia vùng châu Á - Thái Bình Dương luôn quảng cáo niềm tin vào sản phẩm nông nghiệp của mình, bê bối năm 2008 giúp tạo ra một kênh thương mại mới, đó là bán sữa qua mạng Internet cho người Trung Quốc.

Các bậc cha mẹ Trung Quốc bế con chờ khám tại một trung tâm y tế ở Hợp Phì, sau khi 10% mẫu sữa của ba công ty hàng đầu Trung Quốc bị phát hiện nhiễm melamine. Ảnh: Reuters.

Các bậc cha mẹ Trung Quốc bế con chờ khám tại một trung tâm y tế ở Hợp Phì, sau khi 10% mẫu sữa của ba công ty hàng đầu Trung Quốc bị phát hiện nhiễm melamine. Ảnh: Reuters.

Từ Sydney tới Adelaide, những người chuyên mua hàng thuê vét sạch các kệ hàng ở siêu thị, bán kiếm lời cho các bậc cha mẹ ở Trung Quốc. Trong cuộc phỏng vấn năm ngoái, giám đốc điều hành hãng sữa A2 Jayne Hrdlicka cho biết nhìn thấy "cơ hội cực lớn" ở thị trường Trung Quốc và Mỹ. 

Trong lúc đó, các nhà sản xuất sữa nội địa Trung Quốc đang hy vọng tăng trưởng nhờ tầng lớp phụ huynh trẻ hơn, có thu nhập thấp, những người ít bị ảnh hưởng bởi bê bối melamine. Tuy nhiên, với những người tiêu dùng như Chen, các công ty Trung Quốc có thể sẽ mất khách hàng vĩnh viễn.

"Tiêu chí quan trọng với sữa bột trẻ em là an toàn. Tôi chỉ chọn thương hiệu quốc tế", Chen khẳng định.

Theo: vnexpress.net

Tin cùng chuyên mục