Những đoàn tàu chiến đấu để sinh tồn ở vùng nông thôn Nhật Bản

Ông Takemoto cẩn thận kiểm tra từng mặt đồng hồ cũ kỹ, điều khiển đoàn tàu hai toa qua những cánh đồng bắp cải ở vùng nông thôn Chiba.

 

Giống như nhiều tuyến đường sắt nhỏ trên khắp các vùng nông thôn Nhật Bản, đoàn tàu 60 tuổi chạy trên tuyến này đang thua lỗ, nhưng ông Katsuno Takemoto đã sáng tạo cách thức duy trì hoạt động kinh doanh mới để cố gắng sinh tồn.

Bằng chiến lược hợp tác với người nổi tiếng và bán quà lưu niệm, ông đã giúp công ty Tàu điện Choshi thoát nợ nần vào năm 2021, đồng thời giúp quảng bá hình ảnh địa phương.

"Tôi có cảm giác mạnh mẽ rằng đây là sứ mệnh của các tuyến tàu địa phương. Chúng tôi muốn đóng vai trò là phương tiện quảng bá cho cộng đồng", ông Takemoto, chủ tịch công ty Choshi, nói. "Các thị trấn không có tàu sẽ lụi tàn, nên chuyện tái thiết các chuyến tàu ở vùng nông thôn cần được xem như một phần trong nỗ lực xây dựng lại cộng đồng".

Nhưng công ty Tàu điện Choshi, doanh nghiệp 99 tuổi được ông Takemoto tiếp quản năm 2011, là một ngoại lệ hiếm hoi tại vùng nông thôn Nhật Bản, nơi có hàng trăm tuyến đường sắt đang thua lỗ.

Sụt giảm dân số, tỷ lệ sở hữu ôtô tăng và đại dịch Covid-19 đã làm giảm doanh thu của ngành đường sắt nông thôn.

"Nếu tình trạng hiện tại tiếp diễn mà không can thiệp, hệ thống giao thông công cộng bền vững của Nhật sẽ sụp đổ, ai cũng thấy rõ điều này", Bộ trưởng Giao thông Vận tải Saito nói hồi đầu năm 2022.

Chủ tịch Katsuno Takemoto tại đoàn tàu của công ty ở ga Nakanocho, tỉnh Chiba, Nhật Bản, ngày 20/10. Ảnh: AFP.

Chủ tịch Katsuno Takemoto trên đoàn tàu của công ty ở ga Nakanocho, tỉnh Chiba, Nhật Bản, ngày 20/10. Ảnh: AFP.

Các tuyến tàu nông thôn Nhật Bản là di sản từ thời kỳ bùng nổ kinh tế trong những năm 1970, song không thích ứng được với tình trạng suy giảm dân số tại khu vực này, khi người trẻ chuyển tới sống tại các thành phố.

Một số ngôi làng hoàn toàn bị bỏ hoang. Các cơ sở hạ tầng như tòa thị chính hoặc bệnh viện có xu hướng được xây dựng dọc theo các tuyến đường chính, khiến ôtô tiện lợi hơn đi tàu.

Trong số 95 tuyến đường sắt nhỏ hoạt động bên ngoài đô thị, Bộ Giao thông Vận tải Nhật Bản ghi nhận tới 91 tuyến thua lỗ trong năm ngoái.

Kết quả này trái ngược hoàn toàn với các tuyến đường xuyên đô thị như Central Japan Railway, đơn vị vận hành tàu cao tốc shinkansen giữa Tokyo và Osaka. Tập đoàn này đạt lợi nhuận ròng gần 400 tỷ yen (3 tỷ USD) trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Các "ông lớn" đường sắt có thể sử dụng nguồn lợi nhuận khổng lồ để hỗ trợ cho các dịch vụ tại nông thôn. Nhưng ngay cả tập đoàn JR East, phục vụ 13 triệu khách/ngày, cũng đang phải vật lộn với bài toán chi phí.

JR East đã lỗ 68 tỷ yen (490 triệu USD) trong năm 2021 đối với 66 tuyến đường sắt nông thôn gặp khó khăn nhất. Ở tuyến thua lỗ nhất, tập đoàn này phải trả hơn 20.000 yen cho mỗi 100 yen kiếm được.

"Chúng tôi đã làm tất cả những gì có thể để tăng lượt khách và cắt giảm chi phí", Takashi Takaoka, giám đốc điều hành JR East, nói. "Nhưng không tránh được thực tế là có những khu vực tàu không phải phương tiện di chuyển tối ưu".

Thống đốc hơn một nửa địa phương ở Nhật Bản đã đệ trình bản kiến nghị lên Bộ trưởng Saito, cảnh báo cắt giảm đường sắt nông thôn sẽ khiến ngành du lịch gặp nguy, đồng thời đòi hỏi các phương án thay thế như xe bus.

Nhưng theo giới chuyên gia, thay đổi là không thể tránh khỏi và các cộng đồng nông thôn cần nắm bắt những công nghệ mới thay cho tàu điện, có thể là phương tiện giao thông không người lái.

Một đoàn tàu đi qua tuyến đường sắt điện Choshi, ở tỉnh Chiba, Nhật Bản, ngày 20/10. Ảnh: AFP.

Một đoàn tàu đi qua tuyến đường sắt điện Choshi ở tỉnh Chiba, Nhật Bản, ngày 20/10. Ảnh: AFP.

Nhiều tuyến tàu nông thôn cũng đang chuyển sang các phương án mới để duy trì hoạt động. 80% doanh thu của công ty Tàu điện Choshi đến từ các hoạt động bên lề, như bán món bánh gạo ngâm tương nổi tiếng.

Công ty của ông Takemono bán mọi thứ, từ bánh ngô cho đến quà lưu niệm là những đoạn đường ray nhỏ, đồng thời tích cực quảng bá các dòng sản phẩm này trên truyền hình. Ông thậm chí phát triển dịch vụ "chuyến tàu ma ám" và "tuyến tàu đấu vật", nơi các võ sĩ biểu diễn trước mặt hành khách và tại các nhà ga.

Takemono cũng đẩy mạnh hợp tác với các ca sĩ nhạc pop, diễn viên hài, YouTuber. "Trớ trêu thay, chúng tôi phải tập trung vào các dịch vụ ngoài tàu để duy trì hoạt động của đoàn tàu", ông nói.

Bất chấp những nỗ lực của Takemono, công ty vẫn phụ thuộc vào các khoản vay và trợ cấp, trong khi lượng khách tiếp tục giảm sút.

"Có lẽ sẽ đến lúc tư cách là một công ty đường sắt không còn cần thiết. Nhưng không phải bây giờ", ông nói. "Chúng tôi bị 'dìm xuống đáy', nhưng vẫn còn nhiều điều phía trước có thể làm. Chúng tôi phải tiếp tục chiến đấu".

Theo: vnexpress.net

Tin cùng chuyên mục