Ông Biden thừa nhận lỗ hổng trong đạo luật giảm lạm phát

Ông Biden thừa nhận có lỗ hổng trong Đạo luật Giảm lạm phát và cam kết sẽ điều chỉnh để xoa dịu bức xúc của các đồng minh châu Âu.

 

"Khi bạn soạn thảo một đạo luật khổng lồ, trong đó có khoản đầu tư lớn nhất trong lịch sử trị giá 368 tỷ USD ứng phó biến đổi khí hậu, rõ ràng sẽ có những lỗ hổng", Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu sau cuộc gặp tại Nhà Trắng ngày 1/12 với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron.

Tuyên bố được ông Biden đưa ra trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) lo ngại Đạo luật Giảm lạm phát (IRA), với tổng ngân sách 430 tỷ USD của Mỹ, là phản cạnh tranh và có thể cướp việc làm tại châu Âu khi thu hút các nhà sản xuất chuyển tới Mỹ.

IRA được Mỹ thông qua hồi tháng 8, chủ yếu tập trung vào các khoản đầu tư vì khí hậu và chi tiêu xã hội để kiểm soát lạm phát. Đạo luật còn miễn thuế tương đương 30% chi phí để xây mới hoặc nâng cấp các nhà máy sản xuất linh kiện phục vụ ngành năng lượng tái tạo.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron ở Nhà Trắng ngày 1/12. Ảnh: AFP.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron ở Nhà Trắng ngày 1/12. Ảnh: AFP.

"Mỹ không xin lỗi, tôi cũng không xin lỗi vì đạo luật mà bạn nhắc đến", ông Biden phản hồi câu hỏi từ phóng viên về việc các nước cáo buộc Mỹ đang trở nên "bảo hộ".

IRA được coi là một trong những nguyên nhân chính khiến các nước châu Âu và Mỹ hục hặc do hệ lụy từ cuộc khủng hoảng Ukraine.

Ông Biden khẳng định IRA không nhằm gây bất lợi cho các đồng minh của Mỹ. Thay vào đó, đạo luật hướng đến củng cố các chuỗi cung ứng với các đối tác như châu Âu để phòng vệ trước những lỗ hổng kinh tế xuất hiện trong đại dịch Covid-19 và xung đột ở Ukraine.

"Bản chất của đạo luật là chúng tôi muốn đảm bảo Mỹ, và tôi hy vọng cả châu Âu, có thể tiếp tục không phải phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của ai khác", ông Biden nói, thêm rằng Mỹ sẽ có những điều chỉnh với IRA để không làm tổn hại đến các đồng minh châu Âu.

Trước cuộc gặp, Tổng thống Macron cho hay mục đích tạo thêm việc làm và thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh của IRA cũng là "mục tiêu chung" của châu Âu. Nhưng ông nhận định chính sách trợ giá trong IRA có nguy cơ làm tổn thương các doanh nghiệp châu Âu, và vấn đề chính trong cuộc hội đàm với ông Biden là làm thế nào để hai bên phối hợp với nhau trong các chiến lược tương tự.

Sau hội đàm, Tổng thống Macron nói ông cảm thấy họ vẫn có chung ý định này. "Chúng tôi muốn thành công cùng nhau, không phải đối đầu", ông chủ Điện Elysee nói. Hai lãnh đạo không đề cập việc họ có nhất trí được biện pháp cụ thể nào hay không.

Hồi đầu tháng 11, Cao ủy Thị trường Nội bộ EU Thierry Breton dọa khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và cân nhắc "các biện pháp đáp trả" nếu Mỹ không đảo ngược chính sách trợ giá trong IRA.

Mỹ và Pháp ngày 1/12 thông báo thành lập nhóm làm việc chung giữa Mỹ và EU để giải quyết các tranh chấp thương mại liên quan các vấn đề về năng lượng sạch phát sinh từ IRA. Hai bên dự kiến giải quyết các vấn đề cụ thể trong cuộc gặp của Hội đồng Công nghệ và Thương mại Mỹ - EU ngày 5/12.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc họp báo với người đồng cấp Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng ngày 1/12. Ảnh: AFP.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc họp báo với người đồng cấp Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng ngày 1/12. Ảnh: AFP.

Theo: vnexpress.net

Tin cùng chuyên mục