Phi công Ukraine kể nỗi phấp phỏng mỗi lần xuất kích

Phi công Ukraine thừa nhận lực lượng trực thăng quá lạc hậu so với Nga khiến họ luôn trải qua tâm lý bất an mỗi lần cất cánh chiến đấu.

 

"Đây là trò đùa, không phải giáp bảo vệ", Anatoly, xạ thủ súng máy Ukraine 39 tuổi, nói hôm 27/3 trong lúc chỉ vào những tấm thép gia cường lắp bên trong khoang trực thăng đa dụng Mi-8.

Anatoly đã trải qua 300 nhiệm vụ chiến đấu kể từ khi xung đột bùng phát hồi tháng 2/2022. Anh thừa nhận trực thăng Ukraine tham chiến ở miền đông hiện nay đều ra đời từ thời Liên Xô, bị áp đảo hoàn toàn về công nghệ so với những phi cơ đời mới của Nga.

Trực thăng của Anatoly được chế tạo từ năm 1986. Dòng Mi-8 chủ yếu làm nhiệm vụ vận tải, có thể lắp vũ khí như súng máy và rocket để công kích mục tiêu mặt đất. Tuy nhiên, hỏa lực và khả năng phòng vệ của chúng thua kém nhiều so với các trực thăng vũ trang, khiến những chiếc Mi-8 dễ bị tổn thương trên chiến trường.

Trực thăng Mi-8 Ukraine cất cánh làm nhiệm vụ hôm 25/3. Ảnh: AFP

Trực thăng Mi-8 Ukraine cất cánh làm nhiệm vụ hôm 25/3. Ảnh: AFP

Ngay cả trực thăng tấn công chuyên biệt cũng luôn đối mặt với hiểm nguy trong mỗi chuyến xuất kích. "Mỗi lần cất cánh là một lần trải qua cảm giác bất an và lo sợ. Phía Nga luôn tìm ra những phương thức mới để tấn công và phá hủy phi cơ của chúng tôi", Vladyslav, phi công Mi-24, cho hay.

Trực thăng Ukraine luôn phải bay thấp, gần như sát mặt đất để tránh bị lực lượng Nga phát hiện. Dù vậy, Vladyslav nói rằng họ vẫn có thể bị tiêm kích đối phương bắn rơi từ khoảng cách 140 km.

"Các hệ thống trinh sát đối phương có thể chiếu laser để đánh dấu vị trí của chúng tôi và dẫn đường cho tên lửa tấn công. Trực thăng được trang bị mồi bẫy để đánh lừa tên lửa tầm nhiệt, đó là cách duy nhất để sống sót trên chiến trường", Vladyslav nói.

Trực thăng Mi-24 của Vladyslav đã vận hành được 35 năm, nhưng các binh sĩ vẫn coi đó là phi cơ "tương đối trẻ" khi so với những chiếc Mi-8 được biên chế từ 45 năm trước. Những máy bay cao tuổi luôn gặp tình trạng khung thân lão hóa và động cơ trục trặc, nhất là khi Ukraine không có dây chuyền chế tạo phụ tùng mới để thay thế.

"Máy bay của tôi có thể rơi chỉ bởi một phát đạn trúng đích. Chúng tôi cần trực thăng Black Hawk và Apache của Mỹ, chúng có nhiều nét tương đồng với Mi-8 và Mi-24, đồng thời sở hữu nhiều vũ khí hiện đại. Phi cơ Mỹ có thể thay đổi hoàn toàn tình hình hiện nay", Andriy, phi công Mi-8, khẳng định.

Những chiếc Mi-8 và Mi-24 Ukraine không chỉ gặp vấn đề về khả năng sống sót và duy trì vận hành, mà còn gặp nhiều khó khăn trong xác định vị trí mục tiêu của đối phương.

"Tháng đầu tiên như địa ngục. Chúng tôi không biết các hệ thống phòng không Nga ở đâu. Ngay lúc này, họ có thể giám sát một nửa không phận Ukraine, trong khi chúng tôi chỉ phát hiện được những thứ rất cơ bản", Andriy thừa nhận.

Một số quan chức phương Tây đã đặt câu hỏi về tính hiệu quả của việc cung cấp cho Ukraine các loại máy bay chiến đấu hiện đại hơn mà nước này đang yêu cầu, vì các phi công sẽ phải đào tạo trong một thời gian dài.

Trong khi đó, Vladyslav cho rằng có những điểm tương đồng giữa trực thăng Black Hawk, Apache và những loại họ đang sử dụng. "Sẽ chỉ mất nửa năm thôi. Khi bạn muốn sống, bạn sẽ học rất nhanh", Vladyslav nói.

Theo: vnexpress.net

Tin cùng chuyên mục