Thách thức với Ukraine khi đối phó UAV Nga

Ukraine gần đây đối phó hiệu quả hơn với các đòn tập kích bằng UAV của Nga, nhưng phải dùng các loại tên lửa có chi phí gấp 7 lần mục tiêu.

 

Những máy bay không người lái (UAV) tự sát bay chậm, ồn ào và tương đối dễ bắn hạ gần đây thường xuyên xuất hiện trên bầu trời Ukraine. Quân đội Ukraine tuyên bố bắn hạ khoảng 500 UAV từ tháng 9/2022, trong đó có toàn bộ 80 chiếc mà Nga dùng để tập kích các mục tiêu ở nước này vào đêm 31/12.

"Chúng tôi trước đây chưa bao giờ đạt được kết quả như vậy", một phát ngôn viên không quân Ukraine tuần trước tuyên bố về hiệu quả tác chiến của lưới phòng không trong đối phó UAV Nga.

Tuy nhiên, một số chuyên gia quân sự đặt câu hỏi liệu phương án đối phó UAV này của quân đội Ukraine có bền vững hay không. Họ đánh giá Ukraine ngày càng thuần thục kỹ năng bắn hạ UAV, nhưng cán cân chi phí ngày càng tăng khi nhiều khí tài họ sử dụng có giá cao hơn nhiều so với UAV Nga, điều có thể mang lại lợi thế cho Moskva về lâu dài.

Artem Starosiek, lãnh đạo công ty tư vấn Molfar của Ukraine, ước tính giá trị một tên lửa Ukraine khai hỏa cao gấp 7 lần chi phí một chiếc UAV mà Nga sử dụng. Một số chuyên gia phương Tây cho rằng đây có thể là tính toán của Điện Kremlin nhằm làm cạn kiệt nguồn lực phòng không Ukraine.

Máy bay không người lái của Nga chuẩn bị lao xuống mục tiêu ở thủ đô Kiev, Ukraine tháng 10/2022. Ảnh: AFP.
 

Máy bay không người lái của Nga chuẩn bị lao xuống mục tiêu ở thủ đô Kiev, Ukraine tháng 10/2022. Ảnh: AFP.

Tổng thống Volodymyr Zelensky gần đây cảnh báo Nga đang lên kế hoạch tập kích lâu dài bằng UAV nhằm "làm kiệt quệ con người, hệ thống phòng không và hạ tầng năng lượng" của Ukraine.

Công ty Molfar ước tính Nga đã phóng khoảng 600 UAV vào các mục tiêu của Ukraine từ tháng 9/2022, khiến nhiều tỉnh thành Ukraine mất điện và nước, hệ thống sưởi không hoạt động trong bối cảnh thời tiết lạnh giá, đẩy người dân vào tình cảnh vô cùng khó khăn.

Trong khi đó, Nga tuyên bố các đợt tập kích làm đình trệ hoạt động sản xuất và bảo dưỡng vũ khí của Ukraine, cũng như ngăn đối phương chuyển khí tài, đạn dược và binh sĩ ra tiền tuyến bằng đường sắt.

Giới chuyên gia phương Tây đánh giá UAV Geran-2 của Nga, với ngoại hình và kích thước tương đồng mẫu Shahed-136 do Iran phát triển, là thiết bị tương đối đơn giản với giá thành khá rẻ. Một UAV tự sát được cho là có giá khoảng 20.000 USD khi sản xuất hàng loạt.

 

Trong khi đó, các loại khí tài dùng để bắn hạ chúng đắt hơn rất nhiều. Một quả đạn phòng không S-300 từ thời Liên Xô có giá khoảng 140.000 USD, trong khi đạn tên lửa của tổ hợp NASAMS do Mỹ sản xuất và chuyển giao cho Ukraine có giá lên tới 500.000 USD.

Cảnh sát Ukraine đứng cạnh mảnh vỡ của chiếc UAV Geran-2 bị bắn hạ ở Kiev tháng 12/2022. Ảnh: Reuters.

Cảnh sát Ukraine đứng cạnh mảnh vỡ của chiếc UAV Geran-2 bị bắn hạ ở Kiev tháng 12/2022. Ảnh: Reuters.

Khi Nga tiến hành các cuộc tập kích ồ ạt bằng UAV vào Ukraine hồi đầu tháng 9/2022, lực lượng phòng không Ukraine đã gặp nhiều khó khăn và lúng túng. Họ sau đó dần rút kinh nghiệm, sử dụng thuần thục các loại pháo phòng không rẻ tiền để bắn hạ UAV hoạt động vào ban ngày.

Michael Kofman, chuyên gia về quân đội Nga thuộc viện nghiên cứu CNA có trụ sở tại Mỹ, nhận định sử dụng pháo phòng không là chiến thuật hiệu quả để đối phó UAV, bởi Ukraine sở hữu nhiều loại pháo phòng không từ thời Liên Xô và đạn của chúng có chi phí rất rẻ.

Pháo phòng không cũng có thể tiêu diệt các loại UAV bay thấp, có tốc độ chậm, nhưng chỉ có thể phát huy hiệu quả khi tác chiến ban ngày, thời điểm xạ thủ có khả năng quan sát được mục tiêu bằng mắt thường.

Nga sau đó thay đổi chiến thuật, chuyển sang tập kích vào ban đêm, khiến hệ thống pháo phòng không gần như không còn hiệu quả. Điều này buộc Ukraine phải dựa hoàn toàn vào các hệ thống tên lửa phòng không, trong đó có tổ hợp NASAMS, để đối phó.

George Barros, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh của Mỹ, cho rằng việc khai hỏa các tổ hợp tên lửa đắt tiền là phương án bắt buộc hiện nay với Ukraine, bởi chi phí bỏ ra thấp hơn nhiều so với sửa chữa một nhà máy điện bị UAV phá hủy. Đây là lý do Ukraine đang triển khai các hệ thống phòng không phức tạp, đắt tiền được phương Tây viện trợ để bảo vệ hạ tầng quan trọng và nhạy cảm.

Cột khói bốc lên sau cuộc không kích thủ đô Kiev tháng 10/2022. Ảnh: Reuters.

Cột khói bốc lên sau cuộc không kích thủ đô Kiev tháng 10/2022. Ảnh: Reuters.

Mathieu Boulegue, cố vấn viên Chương trình Nga và Á - Âu thuộc viện nghiên cứu Chatham House tại Anh, cho biết điều quan trọng với Ukraine hiện nay là phương Tây duy trì nguồn vũ khí viện trợ để giúp họ đủ năng lực đối phó mối đe dọa từ UAV Nga.

"Cái giá phải trả không đáng kể nếu phương Tây tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Vấn đề với Kiev là thời điểm họ không còn đủ đạn phòng không để hạ số UAV nói trên", ông Boulegue nói.

Giới chức Ukraine ngày càng lo ngại nguy cơ các đồng minh phương Tây trở nên mệt mỏi vì chi phí hỗ trợ quốc phòng tăng cao, trong khi Nga duy trì chiến thuật "bào mòn" nguồn lực phòng không của họ.

Nhà Trắng cho biết họ đã nhận thông tin rằng Moskva và Tehran đang tìm cách thiết lập dây chuyền sản xuất UAV tại Nga. Chuyên gia Boulegue nhận định điều này về lâu dài cho phép Nga có thể triển khai nhiều UAV hơn trong các đợt tập kích.

Giới chuyên gia phương Tây nhận định đây là lý do Ukraine điều chỉnh chiến thuật của họ, trong đó có tập kích các căn cứ nằm sâu trong lãnh thổ Nga."Mục tiêu của của chiến thuật này là nhằm tăng cường năng lực răn đe để giảm bớt sức ép với lực lượng phòng không Ukraine", ông Boulegue nói.

Theo: vnexpress.net

Tin cùng chuyên mục