Thanh niên Myanmar giả chết để không phải gia nhập phiến quân

Làm lễ tang giả hay đưa con sang Trung Quốc là cách nhiều gia đình Myanmar làm để bảo vệ con trước các nhóm phiến quân.

 

Một phiến quân 15 tuổi thuộc Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Mynamar gần căn cứ quân sự ở khu vực Kokang hôm 11/3/2015. Ảnh: Reuters.

Một phiến quân 15 tuổi thuộc nhóm phiến quân Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Myanmar đang nạp đạn gần căn cứ ở khu vực Kokang hôm 11/3/2015. Ảnh: Reuters.

Ngồi trong một tu viện ở Mandalay, thành phố phía bắc Myanmar, Ake Xi dùng ứng dụng Skype quan sát gia đình rắc hoa lên ngôi mộ của mình. Ở bên kia, chị gái sinh đôi của cậu chĩa máy ảnh lấy nét vào tấm hình Ake Xi trên bia mộ.

Đó là tấm hình Ake Xi lúc trẻ hơn, khi còn là cậu bé lang thang trên những đồn điền trong làng cùng cha mẹ hái lá trà. "Tôi cảm thấy rất kỳ lạ, chỉ muốn hét lên mình còn sống", Ake Xi, nay 18 tuổi, nói.

Đã một năm trôi qua từ khi bố mẹ tổ chức lễ tang giả cho Ake Xi. Họ muốn xóa tên cậu khỏi hộ khẩu gia đình vì cậu có nguy cơ bị một nhóm phiến quân ở bang Shang, miền đông trung bộ Myanmar, chiêu mộ làm thành viên. Đám tang giả này tỏ ra có hiệu quả.

Ake Xi không còn dính dáng gì tới quê nhà. Cậu đã ở ngoài tầm với của những tay súng thuộc Hội đồng Khôi phục bang Shan, hay còn gọi là Quân đội Nam bang Shan (SSA-S), những người thường tuần tra quanh làng để chiêu mộ tân binh trẻ tuổi.

Xung đột kéo dài nhiều năm ở Myanmar khiến các nhóm vũ trang bị cáo buộc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng khi tuyển mộ các thiếu niên, thậm chí là trẻ em, vào hàng ngũ.

Báo cáo của Liên Hợp Quốc năm 2003 cáo buộc quân đội Myanmar sử dụng binh lính trẻ em. Khi Myanmar đạt được Thỏa thuận Ngừng bắn Toàn quốc (NCA) năm 2015, yêu cầu bảo vệ thường dân, bao gồm việc không cưỡng ép hoặc sử dụng trẻ em, quốc gia này vẫn nằm trong báo cáo của Liên Hợp Quốc về tình trạng sử dụng trẻ em trong xung đột.

UNICEF, cơ quan bảo vệ trẻ em của Liên Hợp Quốc, cho biết 924 trẻ em đã được quân đội Myanmar cho giải ngũ trong 7 năm qua. Tuy nhiên, việc ép buộc trẻ em gia nhập hàng ngũ vẫn diễn ra phổ biến trong các khu vực do các nhóm phiến quân kiểm soát.

SSA-S là một trong 7 nhóm phiến quân ở Myanmar nằm trong danh sách của UNICEF về sử dụng binh lính trẻ em trong thời gian dài. Tháng 9 năm ngoái, phái đoàn Tìm kiếm Sự thật của Liên Hợp Quốc ở Myanmar đã công bố báo cáo về việc chiêu mộ thanh thiếu niên của các nhóm phiến quân ở phía bắc bang Shan.

Đây là khu vực giáp biên giới Trung Quốc và chứng kiến giao tranh ác liệt từ cuối năm 2015, khi SSA-S di chuyển về phía bắc, đụng độ với hai nhóm phiến quân khác là Quân Giải phóng Quốc gia Ta'ang (TNLA) và Quân đội Bắc bang Shan.

Báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết các nhóm phiến quân thường xuyên sử dụng thủ đoạn bắt cóc, tra tấn và tống tiền để ép buộc các gia đình giao con trai cho chúng và biến những đứa trẻ thành chiến binh.

Gia đình Ake Xi bị đe dọa hồi tháng 6 năm ngoái. Bố mẹ cậu nhận được tối hậu thư của SSA-S với nội dung giao con trai hoặc trả 10 triệu kyat (7.000 USD) để tìm người khác thay thế. Nếu không, họ sẽ bị bắt làm con tin tới khi Ake Xi tự nộp mình.

"Họ khóa tay tôi cùng ba người khác, bịt mắt chúng tôi khi lái xe khỏi làng", Ake Xi nhớ lại. Cậu bị trói vào một cái cây và bị thẩm vấn tại căn cứ của SSA-S. "Chúng muốn biết trong làng có bao nhiêu gia đình đang giấu con trai".

Ngày thứ ba, chúng áp tải Ake Xi quay lại thị trấn, đợi cậu thu gom hết số vàng tiết kiệm của gia đình. "Chúng tôi không có lựa chọn nào khác", Ake Xi nói. "Mọi việc xảy ra như cơn ác mộng".

Một phiến quân tuổi vị thành niên tại trạm gác qua núi ở thị trấn Hsipaw. Ảnh: Al Jazeera.

Một phiến quân tuổi vị thành niên tại trạm gác qua núi ở thị trấn Hsipaw. Ảnh: Al Jazeera.

Tổ chức Ân xá Quốc tế ghi nhận 45 trường hợp bị TNLA và SSA-S bắt cóc ở bang Shan từ cuối năm 2015 tới cuối năm 2016 khi đụng độ giữa hai phe ngày càng khốc liệt.

Tổ chức này cho hay dân thường bị bắt cóc theo nhóm 5-8 người. Một số bị bắt cóc lúc đang đi đường, nhiều người bị phiến quân ập vào nhà đưa đi và không bao giờ trở lại. Cha mẹ họ cũng bị giam tới khi con trai đồng ý gia nhập hàng ngũ của phiến quân.

Trên tay của Lay Sai Nge, 43 tuổi, vẫn còn dấu dây thừng khi bị trói suốt 4 tuần trong căn cứ của SSA-S. Ông cùng 9 người khác bị bắt cóc ở làng Man Li khi giao tranh nổ ra ở thị trấn Hsipaw hồi cuối tháng 2.

Hình ảnh ông bị trói và đánh đập được đăng trên báo chí địa phương, khiến nhóm phiến quân cuối cùng phải trả tự do cho Lay Sai Nge. Nhưng 6 người khác, trong đó có những đứa trẻ vị thành niên, vẫn chưa về nhà. Họ xuất hiện trong ảnh của SSA-S trên Facebook, trên người mặc quân phục và cầm súng.

Ba tháng sau khi được thả, Lay Sai Nge đưa 60 trẻ em đang trong độ tuổi đi học tới sống ở một tu viện tại Ayeyarwady, tây bắc đất nước. Giống nhiều phụ huynh ở khu vực nông thôn bang Shan, ông tin rằng ở đây các cháu sẽ được an toàn.

Các tổ chức nhân đạo cho hay từ cuối năm 2016, số lượng thanh niên nông thôn di cư tăng đột biến vì lo ngại phải gia nhập phiến quân ở phía bắc bang Shan. Matthew Maguire, một nhân viên cứu trợ, cho hay số thanh thiếu niên trốn sang Trung Quốc tăng đột biến.

"Thanh thiếu niên chạy sang biên giới để làm việc trước nguy cơ bị chiêu mộ hoặc bị ép phải phục vụ trong một nhóm vũ trang nào đó", Maguire nói. "Họ không có nhiều lựa chọn, hoặc là chuyển tới thành phố, hoặc là sang Trung Quốc tìm việc".

Bà Yar San Taw, 43 tuổi, đã hy sinh rất nhiều để bảo vệ con khỏi mối nguy gia nhập phiến quân. "Thằng bé khóc khi chúng tôi đưa nó sang Trung Quốc tìm việc lúc học xong, nhưng nó không có lựa chọn nào khác, tôi sẽ không để nó ở đây", bà nói, cầm ảnh con trai 15 tuổi trong một tu viện, nơi cậu bé được học hành và nuôi nấng từ năm 9 tuổi.

"Dù nó về thăm nhà, chúng tôi vẫn lo phiến quân sẽ đưa nó đi", bà nói với giọng lo lắng, nhìn ra ngoài cửa sổ. "Không ai muốn con cái gia nhập phiến quân cả".

Lay Sai Nge trước khi bị bắt và đánh đập. Đây là bằng chứng ông bị SSA-S áp bức và buộc nhóm phiến quân phải trả tự do. Ảnh: Al Jazeera.

Lay Sai Nge khi bị phiến quân SSA-S bắt và đánh đập. Ảnh: Al Jazeera.

Trong báo cáo mới nhất về nhân quyền ở Myanmar, Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay việc sử dụng trái phép binh lính trẻ em hoặc ép người lớn và trẻ em lao động cưỡng bức của các nhóm phiến quân "hiếm khi bị điều tra hoặc truy tố".

"Tôi có thể tha thứ cho con vật cắn mình bởi chúng không biết luật", Lay Sai Nge nói. "Nhưng những phiến quân đó đã ký vào Thỏa thuận Ngừng bắn Toàn quốc. Chúng tra tấn tôi, tước đi tự do của tôi. Tôi không thể tha thứ cho chúng".

Theo: vnexpress.net

Tin cùng chuyên mục