Thượng đỉnh Normandy: Giải pháp cho cuộc xung đột ở miền đông Ukraine

Đây là lần đầu tiên sau hơn 3 năm, hội nghị thượng đỉnh của “nhóm bộ tứ” về tình hình Ukraine được tiến hành.

Các nhà lãnh đạo Pháp, Đức, Nga và Ukraine vừa tiến hành hội nghị thượng đỉnh “Nhóm Bộ tứ Normandy” tại thủ đô Paris (Pháp) để thảo luận về tình hình Ukraine. Đây là lần đầu tiên sau hơn 3 năm, hội nghị thượng đỉnh của “nhóm bộ tứ” về tình hình Ukraine được tiến hành. Mặc dù, sẽ khó có thỏa thuận hòa bình toàn diện nào được mong đợi từ cuộc họp này, nhưng các nhà ngoại giao hy vọng rằng cuộc họp sẽ là “cơ hội tốt nhất” từ trước đến nay để có thể tìm được giải pháp cho cuộc xung đột tại Ukraine.

thuong dinh normandy: giai phap cho cuoc xung dot o mien dong ukraine hinh 1
Thượng đỉnh Normandy về Ukraine diễn ra tại Pháp ngày 9/10. Ảnh: France 24.

Lệnh ngừng bắn toàn diện ở miền Đông Ukraine

Vào nửa đêm 9/12 theo giờ Paris, cuộc gặp bộ Tứ giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Ukraina Zelenskiy, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kết thúc tại Phủ Tổng thống Pháp. Các bên đã ra một tuyên bố chung, trong đó đáng chú ý nhất là việc Ukraine và Nga nhất trí sẽ thực thi một lệnh ngừng bắn toàn diện tại miền Đông Ukraine trước khi kết thúc năm 2019, tức chỉ trong 1-2 tuần tới. Đây là một tiến bộ lớn trong việc giải quyết dứt điểm các xung đột ở miền Đông Ukraine bởi muốn thực thi bất cứ giải pháp nào thì việc đầu tiên là các bên cần chấm dứt các xung đột vũ trang trực tiếp.

Tổng thống Nga, Vladimir Putin cho biết ông muốn Ukraine thay đổi Hiến pháp để có thể trao cho khu vực Donbass của Ukraine một quy chế tự trị đặc biệt, đồng thời mở thêm nhiều điểm qua lại tại các đường chiến tuyến ở miền Đông Ukraine nhằm phục vụ các hoạt động dân sự và nhân đạo. Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine, Zelenskiy cho biết chính quyền của ông cần phải kiểm soát toàn bộ lãnh thổ Ukraine.

Tổng thống nước chủ nhà Pháp, Emmanuel Macron cho biết, các bên vẫn còn bất đồng trong việc lên lịch cho một cuộc bầu cử tại miền Đông Ukraine nhưng cam kết trong vòng 4 tháng tới sẽ tìm ra giải pháp chính trị và an ninh đảm bảo điều kiện cho một cuộc bầu cử.

Nhìn chung, cả 4 lãnh đạo tham gia cuộc gặp đều nhận xét là cuộc gặp đã diễn ra tích cực và là một bước tiến mới nhưng còn rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết và các bên hứa hẹn sẽ gặp nhau nhiều lần nữa trong tương lai.

Quan điểm đàm phán của Ukraine

Hội nghị thượng đỉnh của nhóm bộ tứ Normandy diễn ra trong bối cảnh, Ukraine là nước liên quan trực tiếp đến cuộc điều tra luận tội Tổng thống Donald Trump một cách bất đắc dĩ. Quan hệ giữa Mỹ và Ukraine cũng vì thế mà bị tổn hại. Bối cảnh này có những tác động nhất định tới quan điểm đàm phán của chính quyền Ukraine.

Trên thực tế, từ năm 2014, khi xảy ra cuộc chính biến, hay còn gọi là cách mạng ở quảng trường Maidan ở Ukraine, sự quan tâm của Mỹ giành cho Ukraine ngày càng ít đi. Sau khi nổ ra cuộc khủng hoảng Ukraine, Mỹ mặc dù đi đầu trong việc kêu gọi trừng phạt Nga nhưng chính quyền của Tổng thống Barack Obama rồi Tổng thống Donald Trump đã từng bước rút khỏi vấn đề Ukraine và để các nước châu Âu, cụ thể là Pháp và Đức, đứng lên tuyến đầu.

Sáng kiến đầu tiên của cuộc gặp bộ Tứ Normandy chính là đến từ sau một cuộc gặp tại Pháp và Pháp và Đức là hai nước tích cực nhất trong việc giúp Nga và Ukraine đạt được thoả thuận tại Minsk dù sau đó thảo thuận này đã bị đóng băng cho đến nay.

Có thể nói là không chỉ đến khi cuộc luận tội ông Donald Trump diễn ra vì các liên hệ đến chính quyền Ukraina mà từ trước đó, vai trò của Ukraine trong chính sách đối ngoại của Mỹ đã sụt giảm đáng kể. Ở thời điểm này, chính quyền Mỹ càng muốn tránh các liên hệ đến Ukraine bởi nó chỉ càng khiến cho dư luận Mỹ thêm chú ý đến cuộc luận tội Tổng thống Donald Trump.

Với Ukraine, đó sẽ là một bất lợi đáng kể khi không có các trợ lực mạnh từ Mỹ. Tuy nhiên, với Tổng thống Ukraine Zelenskiy thì yếu tố ảnh hưởng lớn hơn đến cuộc gặp bốn bên ở Paris là các sức ép từ dư luận trong nước. Trước khi ông Zelenskiy lên đường sang Paris thì các cuộc biểu tình lớn đã diễn ra ở Kiev nhằm gây áp lực không cho phép ông nhượng bộ phía Nga quá nhiều.

Đây là một bài toán khó với một Tổng thống trẻ và chưa có kinh nghiệm chính trường nhiều như ông Zelenskiy, dù so với người tiền nhiệm là ông Porochenko, rõ ràng là ông Zelenskiy thể hiện một thiện chí thực sự trong việc nối lại các đàm phán với Nga để giải quyết dứt điểm cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine.

Quan điểm của châu Âu

Từ năm 2014, sau sự kiện Crimea, Liên minh châu Âu trên nguyên tắc luôn giữ thái độ nhất quán với Nga, đó là không thừa nhận các hành động của Nga và tiếp tục duy trì các lệnh trừng phạt kinh tế. Tuy nhiên, thực tế chính trị luôn có những tính toán không đi theo nguyên tắc.

Nhiều nước châu Âu, mà đứng đầu và nổi bật nhất là Pháp, Italy giữ quan điểm rằng nước Nga là một phần của châu Âu và không phải kẻ thù của châu Âu. Quan trọng hơn, các nước này cho rằng dù Nga có thể không phải là một đối tác thân thiết nhưng với vị trí địa lý và tiềm lực quân sự hàng đầu thế giới của mình, Nga là nhân tố không thể thiếu trong cấu trúc an ninh tại châu Âu. Nói cách khác là dù muốn hay không thì châu Âu cũng không thể không đối thoại với Nga nếu muốn duy trì một không gian an ninh ổn định tại châu lục này.

Theo hướng tư duy đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là người đi đầu trong việc xây dựng lại mối quan hệ với Nga, bất chấp các hoài nghi và chỉ trích từ các đồng minh châu Âu. Trong gần 1 năm qua, Pháp-Nga đã nối lại hầu như toàn bộ các đối thoại chiến lược cấp cao và để chuẩn bị cho cuộc gặp bộ Tứ tại Paris tối qua thì hồi tháng 8/2019, ông Macron đã mời Tổng thống Nga, Vladimir Putin đến Pháp ngay trước khi diễn ra Thượng đỉnh G7. 

Cuộc gặp bộ Tứ để bàn về hồ sơ Ukraine được xem là bài thử đầu tiên cho chính sách mới của Pháp với Nga. Vì thế, châu Âu quan sát và nhìn nhận kết quả cuộc gặp ở Paris với thái độ rất thận trọng, để xem liệu cách tiếp cận mới với Nga mà Pháp đang thực thi có hiệu quả hay không. Điều này thực ra với châu Âu quan trọng hơn là những gì liên quan đến hồ sơ Ukraine bởi quan hệ với Nga là mối quan hệ chiến lược phức tạp có tác động lớn về mặt địa chính trị với châu Âu.

Về vấn đề Ukraine thì từ trước cuộc gặp bộ Tứ ở Paris, đa số giới phân tích ở châu Âu đã cho rằng không có gì để kỳ vọng nhiều, không chỉ bởi đây mới là lần đầu tiên các ông Putin và Zelenskiy gặp nhau mà còn vì cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine là quá phức tạp, không thể giải quyết chỉ sau một vài cuộc gặp.

Thu hoạch lớn nhất của cuộc gặp chính là việc các nhà lãnh đạo cao nhất của các bên có liên quan đến hồ sơ Ukraine đã lần đầu ngồi lại nói chuyện với nhau sau hơn 3 năm tiến trình này bị đóng băng. Đó là bước đi đầu tiên để có thể trông đợi vào các diễn biến tích cực hơn sau này./.

Theo: vov.vn

Tin cùng chuyên mục